Người làm ảo thuật trên chuyến tàu đi Saint Peterburg

Người làm ảo thuật trên chuyến tàu đi Saint Peterburg
TP - Thục đặt chiếc va li lên sân ga ẩm ướt rồi rất nhanh, ôm chặt chiếc sắc vào ngực. Thuý vung vẩy chiếc túi du lịch nhỏ, trong có một bộ quần áo mỏng dính và vài lon bia, luôn miệng chỉ đạo “Ví tiền đâu rồi, cất hết đi, chỉ bỏ ra ít tiền lẻ thôi...
Người làm ảo thuật trên chuyến tàu đi Saint Peterburg ảnh 1
Ảnh minh họa

Khổ quá, sao vé tàu lại để chung với vé máy bay... Tập trung vé tàu ra đây... Thế. Hộ chiếu cất vào ngăn nhỏ kia. Nhớ đấy. Ai bảo đưa hộ chiếu đừng đưa”.

Chị Oanh già nhìn làn khói xám tỏa ra từ điếu thuốc Parliament trên môi Thuý sợ chết khiếp. Từ lúc gặp Thuý, Oanh lo bảo vệ ví tiền và hộ chiếu hơn cả tính mạng. Vào điện Kremlin, xuống Metro, lên Plaza, cứ ba phút một lần, Oanh cúi xuống nhìn chiếc sắc giả da cá sấu treo lủng lẳng trước ngực.

Đã vậy, dọc đường đi, thi thoảng Thuý lại củng cố tinh thần cảnh giác cao độ cho Thục và Oanh bằng những câu chuyện vụ án rùng rợn ở Mat. Câu chuyện nhẹ nhàng nhất lúc họ ngồi nhai bánh mì và uống nước lúa mạch đen ở nhà chờ là toàn bộ của nả trong một toa tàu đã bốc hơi trước khi đám hành khách thức dậy ngơ ngẩn trong khí ê te.

“Mà cái chất ê te bên này khiếp lắm. Nó làm con người ta đơ mất một tuần mới hồi phục trí nhớ”. Thục đã bật cười, nhìn bạn âu yếm. Cái chữ “bên này” được Thuý sử dụng bất cứ lúc nào để thay thế cho một tính từ so sánh.

Mười năm trước, Thuý hay gửi thư cho Thục qua đường bưu điện, sau thay thế bằng thư điện tử, rồi chat trên Yahoo Messenger và dần dần tịt hẳn vì đôi bên đều bận.

Thuý thường tả cho Thục những thảm lá vàng rơi trước cổng Đại học Lômônôxốp mà từ đó nhìn xuống sông Matxcơva trải dài như vệt nắng xanh, những bông tuyết mềm rơi lả tả trên đại lộ Nikitsky, những buổi chiều hè đi shopping trong siêu thị Stockman mua đủ thứ quần áo thời trang (Thuý có gửi về cho Thục vài chiếc vì rằng rẻ lắm, lại là hàng hiệu) và đặc biệt là những người bạn đồng nghiệp rất dễ thương, lúc nào cũng làm như Thuý còn bé lắm, cần phải dạy bảo.

Thế rồi Thục kiên gan không hề hé môi về chuyến công tác ngắn ngày. Thục liều gọi một chiếc taxi, đưa cho người tài xế chiếc bì thư. Xe chạy lâu lắm, nhưng Thục chả để ý. Những tưởng tượng về vài tình huống bất ngờ thú vị lúc gặp lại người bạn tiểu học khiến tim Thục nhảy nhót như đánh lô tô, có khi lại mỉm cười vu vơ khi người tài xế kín đáo quan sát Thục.

Xe thả Thục trước một khu chung cư cũ kỹ, có bức tường vàng sẫm bao quanh, bên phải là một nhà máy với những cột ống khói to đùng, đen kịt, bên trái là cánh rừng lưa thưa buồn tẻ. Thục ngơ ngẩn đi vào sân trước, chân dẫm lên những vũng nước nâu sẫm lấp xấp cùng lá cây, vỏ bao nylon và giấy báo cũ.

Còn sau đó, Thục chả nhớ gì nữa hết, chỉ láng máng những căn phòng lúp xúp như ký túc xá sinh viên, tường dán báo cũ, những cô gái tóc đen, da vàng ngả ngớn, kèo nhèo thêm vài rúp từ chiếc ví nhàu nát hoặc của những gã đàn ông tóc vàng béo ị hoặc của những tay thanh niên da vàng bặm trợn.

Thuý mặt mũi bầm tím đang đu người theo nắm tóc nằm trong tay gã đàn ông cao lớn. “Một tuần nữa không trả thì gọi điện cho mẹ mày chuẩn bị mà chở xác con gái về nước nhé. Làm đĩ không đủ tiền phấn sáp”.

Nhìn thấy Thục, Thuý kinh ngạc, sững sờ, tê tái rồi lớn tiếng mắng át đi “Sao đến mà không báo trước. Dám đi taxi một mình có ngày nó cho mất xác”. Thục ôm chầm lấy bạn “Ngày kia tao về. Mày dẫn tao đi Saint Peterburg chơi một chuyến nhé”.

Thuý xông xáo xếp hành lý của Thục và Oanh vào khoang. Chiếc dát giường tầng một được nâng lên, ở dưới là hộp đồ chứa hành lý. Oanh khoái chí cười khanh khách “Thế này là an tâm rồi. Đứa nào có gan xịt ê te cũng không qua mặt cái Thục được. Nó nặng gần bảy chục ký cơ mà”.

Một thanh niên người Nga vào sau, anh ta tóc quăn vàng, chừng 30 tuổi, dáng người mảnh khảnh và đôi mắt xanh biếc, phẳng lặng như mặt sông Matxcơva. Anh ta chỉ có một chiếc túi ka ki cũ kỹ nên không quan tâm đến chuyện cất đồ như tụi Thục.

Thấy ba cô gái, người hành khách nhoẻn cười làm thân, nụ cười hiền khô và trông tồi tội. Oanh đưa mắt nhìn Thục đầy ý nghĩa, ý rằng may mắn, không phải qua đêm trên tàu chung với một gã võ biền thô thiển nào đó.

Người hành khách lạ mặt bắt đầu nói vài câu gì đó và Thuý dịch lại “Anh này hỏi mọi người có thích xem ảo thuật không. Anh ấy là nhà ảo thuật”. Tức thì nhà ảo thuật rút từ chiếc túi kaki vài chiếc khăn màu nhàu nát.

Thoắt cái, những chiếc khăn biến mất, rồi anh ta ra hiệu, những chiếc khăn đã được thắt thành nơ ngay ngắn, nằm chễm chệ trên đầu ba nữ hành khách.

Vài giây sau, chiếc khăn vụt biến thành bộ bài tây. Đôi tay mềm mại của nhà ảo thuật vừa tung hứng vừa tráo bài thoăn thoắt, rồi trong khi các cô còn đang hoa mắt, 52 lá bài được lật lên, ngạc nhiên thay, chỉ toàn là Quy cơ.

Thục quan sát thật kỹ, nhà ảo thuật chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi vải sợi thô hơi cũ, anh ta lấy đâu ra lắm đạo cụ, từ vòng sắt, bóng bay, bóng bàn cho đến những con rối hình Marusca ngộ nghĩnh. Thục cũng từng được một người bạn tặng cho bộ ảo thuật sau khi anh này đi Trung Quốc về.

Chỉ cần vài phút, Thục đã có thể biểu diễn được hàng chục trò ảo thuật biến hoá từ khăn tay, đồng xu, bài tây và đủ thứ lặt vặt khác. Thì ra các nhà ảo thuật đại tài đều sở hữu những đạo cụ công nghệ cao bí mật.

Thục vẫn vô cùng hâm mộ những nghệ sĩ mà từ đôi tay, ánh mắt của họ đều toát lên một thứ nghệ thuật thần bí siêu phàm và quyến rũ. Đặc biệt là những nhà ảo thuật rong như chàng thanh niên người Nga này, vừa có vẻ cao quý, lãng mạn của người nghệ sỹ, vừa gợi lên sự thương cảm, xót xa cho một kiếp người lang bạt.

Giờ thì Thục không còn nhìn thấy những nghệ sỹ xiếc lang thang, người hát rong hay nhà ảo thuật ở vườn hoa, công viên nữa. Sự biến mất của họ cũng đầy bí ẩn. Chính là những người như Thục đã làm họ biến mất khi thay thế sự thưởng thức cũng các loại hình nghệ thuật này nhưng ở một nơi cao cấp, sang trọng hơn.

Tuy nhiên, ở một thành phố rộng lớn như Matxcơva, nơi những chiếc xe Rolls Royce kính đen hễ cứ đỗ đèn đỏ là có vài chú bé tóc vàng như thiên thần chạy ra xịt nước lên thành xe, hối hả lau lau chùi chùi để rồi khi đèn xanh xuất hiện, chỉ có tiếng rú ga êm ái và làn khói thơm lừng xộc ra từ đuôi xe thay vì vài rúp lẻ, những nghệ sỹ đàn rong, xiếc rong vẫn tồn tại.

Họ ở khắp nơi, cả dưới hầm đi bộ dẫn sang điện Kremlin, nhận từ đô la cho đến rúp lẻ. Chàng thanh niên này có lẽ cũng đến từ một nơi như thế.

Và sáng mai sẽ đặt chiếc túi kaki cũ trong một góc sân nào đó của Cung điện mùa hè, tươi tắn biến nắm giấy vụn thành bó hoa đủ màu sắc tặng khách du lịch để đổi lấy nắm bạc lẻ đủ trả tiền cho bữa tối và phòng trọ.

Chàng thanh niên nhoẻn miệng cười chỉ cái gì đó trên cổ Thục. Thục đưa tay lên, hốt hoảng “Thôi chết, chiếc dây chuyền của tao”. Ảo thuật gia xoè tay, chiếc dây mặt rubi đỏ tía đã nằm gọn trong lòng bàn tay hồng hào và mịn màng như tay con gái. Thuý và Oanh vỗ tay “Giỏi quá.

Ảo thuật Nga siêu thật”. Thục đỏ mặt ngượng nghịu “Cứ tưởng rơi mất. Đây là chiếc dây chuyền may mắn. Rubi chỉ hợp với người sinh tháng bảy”. Thuý giải thích cho nhà ảo thuật hiểu đại ý đây là một kỷ vật do bà ngoại để lại cho Thục, mà hồi bé cả hai đứa cứ sà vào lòng bà để “xem một tí”.

Viên rubi to bằng chiếc cúc áo, và bất kỳ một nhà kim hoàn mới vào nghề nào đều đoán được giá trị của nó khi vừa xem qua. Nhiều người khuyên Thục không nên đeo nó khi đi xa vì quá nguy hiểm. Nhưng Thục lại cho đó là một thứ bùa hộ mệnh mà bà để lại.

Nhà ảo thuật à lên khi nghe giải thích ý nghĩa của viên rubi. Thấy ba khán giả bắt đầu lãng dần các màn biểu diễn, anh ta tế nhị dừng lại và cởi giày, sắp xếp chiếc gối, vẻ sửa soạn đi ngủ. Từ lúc gặp Thuý đến giờ, chỉ vẻn vẹn có sáu tiếng đồng hồ, nên Thục chưa kịp hỏi điều gì.

Thục kéo Thuý ra ngoài hành lang, xót xa đặt tay lên những vết bầm tím. Thuý nhăn mặt nhìn ra cánh rừng hàn đới lúp xúp vài khu vườn kính tồi tàn trồng củ cải đỏ nhờ nhờ trong bóng đêm, tay bám chặt vào thành tàu “Mày thất vọng về tao lắm nhỉ.

Nhưng xin mày, đừng kể với ai ở nhà. Tao không muốn thế này. Không muốn”, giọng Thuý gắt lên, đùng đục. Thục dịu dàng “Đến Peterburg, mình nói chuyện này sau, hãy cứ chơi một ngày cho đã. Rồi trước khi về, mày kể lại mọi chuyện cho tao nghe. Nếu mày cần bất cứ điều gì...”.

Nhà ảo thuật và chị Oanh già đã ngủ say. Thục nằm ở tầng một còn Thuý tầng hai. Âm thanh đều đặn của đoàn tàu va vào đường ray khiến Thục chìm vào giấc ngủ dễ dàng.

Trong mơ, Thục thấy cả ba mặc những bộ váy màu ánh bạc dát vàng rực rỡ, chiếc váy xoè có gọng nặng chịch khiến khó khăn lắm Thục mới đi được một bước. Họ đang đứng trên thềm Cung điện mùa đông và chờ đợi cái gì đó. Một cỗ xe ngựa sáu tuấn mã phi đến. Xa giá cũng được dát vàng, lấp lánh và uy quyền như cỗ xe của thần thánh.

Một người trẻ tuổi bước xuống. Là Sa hoàng, ngài đội vương miện tròn xoay nạm 12 viên ngọc quý màu hổ phách, cổ áo xanh nhạt của ngài dựng lên ôm lấy mớ tóc loăn xoăn và khuôn mặt thanh tú. Khuôn mặt ngài quen quen. Trời ạ, là khuôn mặt của nhà ảo thuật.

Ngài bước tới, tiến thẳng lên bậc tam cấp rồi đưa tay về phía Thục. Ngài bế Thục lên xe ngựa. Mớ tóc quăn mềm mại chạm vào má Thục buồn buồn. Thục hãnh diện vén rèm vẫy hai bạn đang đứng ngẩn tò te trên bậc thềm. Xe ngựa bắt đầu chuyển bánh. Chợt Thục thấy Thuý và Oanh cứ thế chạy đằng sau gọi tên Thục.

“Dừng lại đã”, Thục bảo Sa hoàng. Nhưng cỗ xe lại chạy nhanh hơn và càng lúc càng xóc, xóc kinh hồn. Nó vòng ra sân trước, phi nước đại trên phố không một bóng người rồi phóng thẳng lên cầu. Đã đến giờ cho tàu bè qua lại, chiếc cầu tự động nâng lên, nứt làm đôi, cỗ xe ngựa theo đà lao thẳng xuống mặt sông Neva đen ngòm.

Dòng nước đen lạnh như băng nuốt lấy Thục. Thục vùng vẫy, hét lên và bừng tỉnh. Trời đã sáng. Một người phụ nữ Nga to béo đang đứng trước mặt Thục. Bà ta mặc đồng phục của nhân viên đường sắt.

Người Thục đầy nước. Thục nhìn xô nước trên tay bà ta, đầu nặng chịch, lại có tiếng vo vo gì đó trong tai. Có thể mãi đến sau này, Cung điện mùa đông và sông Neva vẫn là một cơn ác mộng đối với Thục. Cả ngày hôm đó, bọn Thục nằm bẹp ở khách sạn.

Cả ba đã bị đánh thuốc mê, dĩ nhiên trừ ảo thuật gia. Thuý không bị mất gì hết, vì Thuý dùng thẻ tín dụng. Còn Thục và Oanh, là toàn bộ của nả giữ gìn suốt cả chuyến đi đã được cất gọn ghẽ trong hộp chứa đồ dưới dát giường. Thục chợt sờ tay lên cổ. Ơn Trời, nó vẫn còn nguyên. Thục thầm biết ơn nhà ảo thuật và sự may mắn của viên rubi.

Ngày hôm sau, Thuý đưa Thục và Oanh ra sân bay. Mặt Thuý rầu rĩ, đôi lúc hốt hoảng và nhìn Thục len lén như định nói điều gì. Thục biết Thuý cảm thấy có lỗi khi không bảo vệ được bạn. Lúc vào nhà chờ, Thục xiết chặt tay Thuý, giọng cố hài hước “Không sao đâu, tao vẫn còn viên rubi là may rồi.

Người ta vẫn còn nhân đạo chán”. Mắt Thuý rân rấn nước. Thục an ủi “Rồi mai kia mày cố gắng về nước, mình sẽ gặp lại.” Thục đi vào phòng chờ. Khi đoàn khách đã rục rịch xếp hàng trước cửa lên máy bay, Thục chợt nhìn thấy chiếc áo mình đang khoác trên người là của Thuý đưa cho mượn tạm vì sợ Thục lạnh.

Thục vội vàng quay lại, với hy vọng mỏng manh rằng Thuý vẫn còn đứng đâu đó ngoài sảnh. Quả nhiên, Thuý vẫn còn ở đó, nhưng đang giằng co với một người đàn ông tóc vàng.

Người này tát Thuý một cái khiến Thuý ngã văng xuống đất, để lộ khuôn mặt của anh ta giữa sảnh sân bay Domodevodo sáng choang, rõ như được scan với độ phân giải 1000 DPI, là nhà ảo thuật lang thang.

Thục chạy như bay về phía đoàn người xếp hàng như sợ chiếc máy bay sẽ bỏ mình ở lại. Đằng sau loáng thoáng tiếng người kêu tên Thục. Lúc máy bay cất cánh, tai Thục ù đi.

Cánh máy bay chao thành một đường vòng, cho hành khách tận hưởng những phút cuối cảnh Matxcơva sáng lộng lẫy trong ánh đèn trước khi bay vào đám mây mù sâu thẳm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.