Người phù phép sống dậy nguồn cội

Bức “Nhớ quê”. Tranh: Nguyên Cầm.
Bức “Nhớ quê”. Tranh: Nguyên Cầm.
TP - “Trở lại Việt Nam là một khúc quanh trong đời làm nghệ thuật của tôi hướng về cội nguồn Á đông với vấn đề triết học và thế giới tâm linh. Nó là con đường tiếp nối những tìm tòi mà tôi đã hấp thụ ở phương Tây” - nghệ sĩ Nguyên Cầm, 71 tuổi đời, hơn năm mươi năm tuổi nghề đã tâm sự khi ông nhiều lần trở lại quê hương. Ông thích tĩnh lặng hơn ồn ào.

Cuối năm 2014, đầu 2015, Nguyên Cầm trở lại bằng một Dấu ấn cội nguồn đánh dấu chặng đường 20 năm làm nghệ thuật tại Việt Nam cùng bà Suzanne Lecht, giám tuyển tranh người Mỹ. Cả hai đều có một vùng kí ức đầy ắp khát khao qua những quãng đời đã mất và niềm hạnh phúc tìm thấy trong quãng đời mới tại xứ này - Việt Nam.

Trở lại mốc năm 1994, nghệ sĩ Nguyên Cầm sau nhiều năm bôn ba ở Lào, Pháp, Mỹ đã được mời trở về nước giảng dạy tại các trường đại học Mỹ thuật quốc gia. Suzanne Lecht nhớ lại lần đầu tiên gặp gỡ nghệ sĩ tại một phòng tranh ở Hà Nội: “Một ngày nọ khi tôi bước vào phòng tranh, Nguyên Cầm đang ở đó, nổi bật với chiếc mũ Panama và vẻ quyến rũ kiểu Pháp, chúng tôi bắt chuyện và nhanh chóng nhận ra cả hai thật ra đều là khách lạ ở đây, nơi đã chiếm giữ và lấp đầy tâm hồn chúng tôi khao khát khám phá những mối dây kết nối với mảnh đất bí ẩn này”.

Khi đó, một người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi vừa mất chồng, không có con bên cạnh như là một bám víu cuối cùng, Suzanne quyết định sang Việt Nam tìm việc và khuây khỏa. Với Nguyên Cầm, kí ức về Việt Nam chỉ là của một đứa trẻ ngây thơ bị vây bủa bởi sự hỗn loạn và căng thẳng của đất nước vượt ngoài tầm kiểm soát năm 1969. Về tới đất mẹ, đi dọc theo chiều dài kí ức, những vết tích quá khứ dần xuất hiện trong các tác phẩm của họa sĩ. 

Arnault Tran, tác giả cuốn sách “Nguyên Cầm - Từ Hà Nội tới Paris: Thung sâu của một họa sĩ” đã viết về ông: “Ở Nguyên Cầm, trái tim tồn tại trước, rồi mới đến con mắt cái đầu. Chính ông đã khẳng định điều này. Rất ít nhà sáng tác dám nói ra như thế, họ thoát ra khỏi vẻ hào nhoáng bề ngoài, tóm lại là họ trở nên trần trụi. Họ phơi bày bản thân mình. Họ nói ra những điều sâu kín nhất, những ham muốn cũng như nỗi đau khổ chôn sâu nhất trong con người họ”.

Người phù phép sống dậy nguồn cội ảnh 1 Bức “Tết” 
Dấu ấn cội nguồn gồm 60 bức tranh với gam màu đen, vàng, xanh xi lâm và đỏ. Mặt toan của Nguyên Cầm là giấy dó. Ông mô tả bốn mùa với vật thể trung tâm là mặt trời đỏ. Sông Hồng ngầu phù sa, tràn lấp nỗi nhớ quê nhà. Bức Nhớ quê mới sáng tác đã có ngay một khách hàng người Ấn Độ tới mua. Ông hồ hởi kể: “Bà khách hàng đó cứ loanh quanh cạnh bức tranh. Bà hỏi tôi sao đặt tên Nỗi nhớ, tôi đáp: Tôi chỉ biết rằng đó là cảm xúc khi đó của tôi, tại thời điểm sáng tác. Nhìn vào bức tranh bà có thấy dâng lên nỗi nhớ. Bà khách gật đầu”. Ngay lập tức bức tranh được gỡ xuống, gói ghém và cùng bà khách trở về Ấn Độ.

Đêm của Nguyên Cầm màu xanh, bình minh đúng màu giấy dó, hoàng hôn đỏ sậm. “Sao ông biểu đạt thường ngày như vậy?”. Ông cười hiền cùng bộ râu bạc rung rinh: “Đối với tôi đêm xanh sậm tới đen, biểu thị của kì bí, bình minh đến cũng nhập nhoạng vậy thôi. Và trước đêm, hoàng hôn xuống cũng là chuẩn bị một màn đêm. Tất cả đều cần khám phá”.

Cách đây gần chục năm, tranh của ông gồ ghề, nào dây thừng, giấy carton, bao tải gạo. Dữ dội, gắt gao. Nay, mọi thứ chỉ còn là sắc màu, là đường nét và vết tích. Nguyên Cầm giải thích: “Khi mới trở về Việt Nam những năm đầu tiên, tôi rất xúc động khi nhìn lại quê hương sau 25 năm xa cách. Và tôi tìm thấy tình cảm mạnh mẽ ấy trên những vết tích của quá khứ chiến tranh qua những bao gạo cũ với những vá víu như để hàn gắn lại những vết thương của đất nước và của chính mình. Thời kì sau là những giấy vàng mã để nhớ đến những người quá cố đã hi sinh cho cuộc chiến. Những năm sau đấy khi những tình cảm mãnh liệt đã dịu, tôi đi vào thế giới của tâm linh bình thản với những dấu ấn thư pháp. Tất cả những thời kì đó đều dựa lên những cảm xúc trong tôi và để đột phá trong con đường nghệ thuật mà tôi tìm thấy cho mình”.

Trong hai mươi năm, Nguyên Cầm quay lại Việt Nam để vẽ, triển lãm và ở bên bạn bè, gia đình. Ông bình an, tự tại với một nguồn năng lượng mới được đong đầy, thể hiện sự mãnh liệt của cuộc sống với tất cả hạnh phúc lẫn đau thương. Chính Suzanne Lecht là người mua tác phẩm đầu tiên của Nguyên Cầm để sau đó ra bộ sưu tập mang tên “Cội rễ, vết tích của quá khứ” năm 1997. 

Người phù phép sống dậy nguồn cội ảnh 2 Bức “Mặt trời bạch quả” 
Gặp gỡ để rồi nảy nở một tình bạn thân thiết và bồi đắp theo năm tháng bằng sự trân trọng cái đẹp và nghệ thuật. Không chỉ mang tranh Nguyên Cầm đặt tại tư gia, hoặc phòng tranh, và có tới 7 cuộc triển lãm trong nước, bà còn liên tục đem tranh của ông giới thiệu tới với bạn bè thế giới. Năm 1998, bà Suzanne tổ chức triển lãm cá nhân cho Nguyên Cầm ở Arts of Pacific Asia (New York, Mỹ). Tranh của ông có mặt ở Paris (Pháp), San Francisco, Santa Fe, Art Asia New York, Art Asia Miami (Mỹ). Năm 2003, tranh Nguyên Cầm được đặt ở Robert Mondavi Winery vào dịp kỉ niệm 90 năm ngày sinh của Robert Mondavi. Năm 2005, bà Suzanne mở phòng tranh Fielding Lecht ở Austin, Texas (Mỹ), tranh của ông cũng được mở một triển lãm cá nhân riêng.

Nói về tình bạn gắn bó với nhau hai mươi năm, Nguyên Cầm chỉ bảo: “Bà Suzanne là người đầu tiên gặp ở Việt Nam ủng hộ tôi, và từ đó chúng tôi làm việc với nhau trong tình bạn và sự tương trợ lẫn nhau trong nghệ thuật”. Nhưng Suzanne thì khác, bà nói, bà thấy ở ông một tâm hồn, bà giúp ông gỡ bỏ dần đau thương qua năm tháng và nó được thể hiện thật rõ trong tranh. Suzanne lùng tranh, thấu hiểu nghệ thuật trừu tượng qua tranh, còn Nguyên Cầm thì thể hiện xúc cảm, biểu đạt nó trên toan. Họ đều cùng một đam mê nghệ thuật và âm nhạc cổ điển.

Người phù phép sống dậy nguồn cội ảnh 3 Nguyên Cầm và Suzanne Lecht tại phòng tranh Art Vietnam Gallery tháng 1/2015. Ảnh: Hiếu Thảo
Triển lãm Dấu ấn cội nguồn chỉ là cái cớ thể hiện mối khăng khít của hai người. Còn bản thân bà Suzanne Lecht là một người góp công để giúp rất nhiều nghệ sĩ, họa sĩ Việt Nam vươn ra thế giới. Các tên tuổi như Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Minh Thành, Lê Quốc Việt được giới nghệ sĩ quốc tế biết đến nhờ việc tuyển giám mỗi ngày của bà. Hiện tại bà giới thiệu khoảng bốn mươi nghệ sĩ Việt Nam ra với bạn bè thế giới, đến với các nước, Pháp, Thụy Sĩ, Nga, Mỹ, Trung Quốc… “Có châu Phi là tôi chưa đưa tới mà thôi”, bà Suzanne Lecht nói. 

Suzanne Lecht sinh năm 1948. Bà thích bún riêu, phở. Ở Hà Nội đủ lâu bà có thể hiểu và nói tiếng Việt tốt. Tuy nhiên, bà thú nhận nói không nhiều. Có một chú rùa nước xinh xắn làm bạn Suzanne mỗi ngày khi bà rời khỏi phòng tranh Art Vietnam Gallery ở 24 Lý Quốc Sư về nhà riêng tại Kim Ngưu. 

Nguyên Cầm sinh năm 1944, tại Hải Phòng. Ông có trong tay hơn 30 triển lãm cá nhân và 14 triển lãm nhóm ở các nước Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Bỉ, Đức và Việt Nam. Bảy triển lãm cá nhân đặt ở Việt Nam vào các năm 1997, 2003, 2004, 2005, 2007, 2010 và 2014. “Bạn bè quốc tế đánh giá tranh của ông thế nào?”. Ông trả lời: “Tôi nghĩ rằng họ nhìn tranh tôi như con người tôi là một họa sĩ Á đông đã tìm được con đường riêng cho mình và hòa nhập vào với thế giới vì họ cảm nhận được những điều trong tôi. Tôi như một người nhạc sĩ soạn những bản nhạc, tôi đào sâu trong nội tâm, vô thức, những vết thương, những nền văn hóa khác biệt trong tôi để diễn tả cuốn nhật kí cuộc đời tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

MỚI - NÓNG