Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn:

Người ta phải biết dừng lại đúng lúc...

Người ta phải biết dừng lại đúng lúc...
TP - Ít ai biết nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Campuchia, bố là người Nam Định, mẹ người Hưng Yên, thời đó bố mẹ ông là những thanh niên trẻ tuổi lưu lạc đất khách để lập nghiệp.
Người ta phải biết dừng lại đúng lúc... ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và ca sĩ Cẩm Vân

Tại đây họ đã vô tình gặp nhau và sinh được 4 người con. Anh trai cả của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một nhạc công, phối khí ở Sài Gòn, chính anh đã đem âm nhạc đến với ông từ ngày ông còn nhỏ xin theo anh qua Sài Gòn để đi chơi nhạc với anh, tay cầm guitar bập bẹ mà đã đòi… sáng tác.

Mười tám tuổi, khi cha ông đã theo kháng chiến, ông cũng nói với mẹ “Cho con về Sài Gòn chiến đấu”. Rồi quảy túi lên vai, ông vào chiến khu D.

Năm 1946, ông viết tác phẩm đầu tiên cho dân công chiến khu, bài hát mang tên “Tiếng hát dân công”, bài hát này không phổ biến rộng rãi, chủ yếu cho các dân công hát để lấy tinh thần.

Đến năm 1963 ông viết “Qua sông” và bài hát trở thành bài đầu tiên của ông được ca vang trên các chiến trường Nam Bắc.

Năm 1976, ông mới đi học nhạc, học 5 năm hệ chính quy. Sau khi học về, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình và trở thành nhạc sĩ có những bài hát nổi tiếng trong những thập niên 80 của thế kỷ trước, từ Bài ca không quên đến Khát vọng, Đất nước, Mùa xuân, Thành phố Tình yêu và nỗi nhớ...… Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói:

“Mục đích thăng tiến trong sự nghiệp âm nhạc của tôi không phải vì tiền mà thời điểm ấy cũng không có tiền, cái chính vì muốn chứng tỏ khả năng sáng tạo của mình để công chúng chấp nhận.

Sáng tác là để phục vụ cuộc sống, làm sao để tác phẩm sống bền với công chúng. Nội dung tác phẩm của tôi đều xuất phát từ đời sống thật. Đời sống khổ thì mỗi người có một cảm nhận khác nhau về sự thiếu thốn.

Nhưng với tôi, sợ nhất là cảm giác thiếu thốn sự sáng tạo. Tôi đã tạo ra cho mình được một phong cách riêng trong âm nhạc vì thế tôi cũng rất sợ nếu mình bị lặp lại những cái đã có.

Mỗi tác phẩm cũng phải có con đường riêng của nó để không bị nhàm chán, đó là sự phấn đấu cực kỳ vất vả”.

PV: Trong những sáng tác của ông, bài Khát vọng có câu “Sao không là mặt trời, soi hạt nắng vô tư?”, có người nói đó là một trong những “ẩn ức” của ông nói về một thời ông từng bị cấm nhạc?

P.M.T: Ẩn ức gì nhỉ? Cho đến giờ tôi vẫn tự hào vì mình là một trong những nhạc sĩ viết những bài ca chiến tranh thật đẹp đẽ và mang đậm tính bi hùng. Tôi nói là bi hùng bởi tôi đã từng viết bài Mùa xuân, phỏng theo thơ của nhà thơ nữ người Nga Ê-lê-na Sư-pơ-man:

“Điều đó rồi xảy ra – Em biết và em biết - Một mai anh chiến thắng đột ngột trở về - Đôi vai gầy và đôi mắt sâu – Tóc đã điểm bạc – Làn da nay nhuộm màu sương gió -  Bởi chiến tranh không phải trò đùa”.

Và khi bài hát này đến với công chúng, nó đã gặp một số phản ứng dữ dội từ một vài nhân vật và cả một tờ báo đã viết bài phê phán gay gắt, nói là “than vay khóc mướn”.

Phản ứng đến nỗi ở một tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã cấm không cho phổ biến bài hát này. Họ cho rằng viết như thế là không đúng quan điểm, chiến tranh là chiến thắng và hùng tráng, làm gì có chuyện buồn bã, bi thương.

Người ta quên rằng phải có sự hy sinh, mất mát của những chiến sĩ, mới có những trận chiến thắng oanh liệt và làm nên một lịch sử hào hùng của dân tộc ngày hôm nay.

Và mùa xuân không chỉ có gắn liền với bốn mùa thiên nhiên mà mùa xuân ấy chính là nhờ sự hy sinh ấy mới có  hạnh phúc lứa đôi. Thực chất bài thơ ấy là một tác phẩm thơ mang tính nhân văn sâu sắc.

PV: Và chính ông cũng đã từng cấm nhạc bằng… miệng?

P.M.T: Làm quản lý phải chặt chẽ. Phương châm của tôi là “Đừng để sai sót”, nên phải chặt chẽ. Vì bản tính của tôi cũng là người chặt chẽ và kỹ lưỡng.

Tôi cũng không làm quản lý vì tiền vì phụ cấp trách nhiệm không đủ để bù đắp sức lực mà mình bỏ ra: làm việc từ sáng đến khuya, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật có việc cũng phải giải quyết ngay, vì thế tôi phải lấy tinh thần trách nhiệm của một đảng viên để đối phó với mọi tình hình.

Nhưng bây giờ tôi đã thấy nhẹ nhõm rồi. “Quan nhất thời dân vạn đại” mà, tôi rời Sở VHTT về Nhạc viện TP Hồ Chí Minh để một tuần hai buổi lên lớp với các học sinh của mình, có nghĩa là tôi đã thật sự thoát khỏi. Tôi không còn mơ màng gì nữa và thấy như vậy là quá đủ.

PV: Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng là khó tính và phản đối nhạc thị trường?

P.M.T:  Khó tính là vì tôi nghĩ, viết ra một bài hát thì không khó, nhưng để nó thành một tác phẩm thật sự có tính nghệ thuật lại thuộc về đẳng cấp.

Còn nhạc thị trường ư? Tôi viết “Bài ca không quên” là viết theo đơn đặt hàng đấy chứ (ca khúc viết cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông).

Tuy viết theo đơn đặt hàng nhưng phải phù hợp với sự tích luỹ trong chiến tranh của tôi mười mấy năm, hát lên một ca từ là thấy một hình ảnh sống động mà tôi đã tiếp nhận.

PV: Ông có khi nào nghĩ làm cách nào để lấy lại phong độ viết như xưa kể từ khi về hưu không?

P.M.T: Khó. Cảm xúc ngày nay chưa tạo sự đột biến và cũng do tuổi tác. Tôi cũng đã làm nghề giáo từ năm 1981 khi vừa tốt nghiệp trường Nhạc.

Mãi đến năm 1996 tôi mới về Sở VHTT. Lúc đó bỏ nghề dạy luôn. Bây giờ mới quay lại nghề dạy học. Gặp các em, tôi cảm thấy mình cũng dễ dàng được hoà nhập đời sống thực tế.

Thật ra thì tôi cũng có viết những bài tình ca, nhưng không giống như tình ca của các nhạc sĩ trẻ ngày nay. Tôi vẫn giữ lối viết tế nhị trong tình yêu, không suồng sã, gào thét và rên rỉ.

Không đưa con người đến sự đau khổ quằn quại và mất mát dù ngày mai, kia không yêu nhau nữa thì tình yêu vẫn để trong mỗi người những kỷ niệm đẹp.

Viết tình ca rất khó, các nghệ sĩ thế kỷ 18, 19 để lại cho cuộc đời rất nhiều giai điệu đẹp về tình yêu. Thế kỷ 21 này viết tình yêu như các bạn trẻ thì tôi không dám, nhưng viết khác đi thì khán giả sẽ đón nhận thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.

PV: Ông vẫn viết tình ca? Phải chăng ông vẫn còn đang sung sức… yêu?

P.M.T: (cười) Nhà doanh nghiệp có tiền rủng rẻng, mình chỉ có “đồ, rê, mi” mà ai yêu? Tôi chọn cuộc sống bình lặng vì tôi đã trải nhiều quá rồi. Tôi đã thật sự thoát khỏi tất cả những ước vọng “xa lánh bụi đời bao tụy lục - cho đời nhẹ gánh nỗi gian truân” nói như thơ Bùi Văn Giáo -một bài thơ tôi - ũng đã phổ nhạc.

Thôi, con người ta phải biết dừng lại đúng lúc, khát mãi trở thành khát nước… (cười).  Tôi chọn cái kết của mình là phần Coda - phần kết vĩ trong âm nhạc - tổng kết là để nhắc lại chủ đề của tác phẩm - kết rồi nhưng chưa thấy thỏa mãn.

Tôi không còn mong mỏi gì đến danh vọng nhưng với nghệ thuật thì vẫn còn nhiều những mong ước. Tôi muốn nhắc lại bài hát này, như một lẽ sống của mình đến giờ, đó là bài “Tình khúc thiên thu”: Đời như dòng sông có khi vơi khi đầy... Ngày mai ta vẫn dâng đời tình khúc thiên thu.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.