Người đoạt Giải nhất ảnh báo chí châu Á: Tự học đủ thứ!

Người đoạt Giải nhất ảnh báo chí châu Á: Tự học đủ thứ!
TP - Đoạt Giải nhất ảnh báo chí châu Á (Asian Press Photo) lần thứ nhất, Nguyễn Việt Thanh cho biết, anh đã tự học đủ thứ, không riêng gì nhiếp ảnh...
Người đoạt Giải nhất ảnh báo chí châu Á: Tự học đủ thứ! ảnh 1
Tác phẩm đoạt giải Vàng ảnh báo chí châu Á của Nguyễn Việt Thanh

Tại cuộc thi ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo), các tác giả châu Á nói chung rất hiếm khi được giải. Có lẽ một phần vì trụ sở nằm ở châu Âu. Nay đã có một cuộc thi dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh châu Á nói về châu Á. Và một nhà nhiếp ảnh trẻ VN đã giành quyền nói về VN.

Nguyễn Việt Thanh biết tin mình được giải Vàng ảnh Báo chí châu Á (Asian Press Photo) lần thứ nhất, hạng mục Cuộc sống hàng ngày (Daily Life) từ nửa tháng trước.

Chưa tin ngay, anh lập tức làm 4 - 5 cuộc liên lạc để xác minh. China DailyAsian News Network là hai tờ báo đứng ra tổ chức cuộc thi. Chỉ các bức ảnh được bấm máy trong vòng 6 tháng trước thời điểm thi mới được tham gia.

Tết Bính Tuất, khi đi ngang qua một bản không rõ tên cách Quản Bạ (Hà Giang) 40km, “sự kiện” diễn ra ngay bên đường, Thanh chỉ việc đỗ xe lại chụp. Mọi thao tác diễn ra trong 5 phút.

Các khán giả đang mải mê xem VTV2 qua vệ tinh, cũng chẳng mấy để ý đến ống kính máy ảnh. “Sự phát triển của công nghệ cũng như chính sách phủ sóng vùng lõm của Chính phủ đã xóa nhòa khoảng cách về thông tin giữa miền xuôi- miền ngược”, Thanh cho biết.

“Trước đây, đồng bào muốn xem truyền hình phải lên núi bắc ăng-ten”. Ai lên miền núi những năm gần đây hẳn đều quen mắt với chiếc chảo nhỏ xinh nơi đầu hồi các ngôi nhà sàn - vẻ tối tân sáng lóa cực kỳ tương phản với khung cảnh xung quanh. Lần đầu tiên, ấn tượng này đã được tóm gọn trong một hình ảnh.

“Chụp ảnh thì ý là quan trọng nhất,” Nguyễn Việt Thanh nói. Để “học được cách nhìn nhận vấn đề, biết mình cần phải chụp cái gì”, Thanh đã trải qua 4 khóa đào tạo về ảnh báo chí nước ngoài.

Gần đây nhất là 1 năm ở Đức, do anh tự lên mạng thi lấy học bổng. Anh là người VN duy nhất tham gia khóa học và cũng là người duy nhất đạt chứng chỉ xuất sắc.

“Tôi chỉ hơn một số nhà nhiếp ảnh trong nước khác là biết nói biết nghe… tiếng Anh - cầu nối duy nhất đến với các cơ hội. Bí quyết thành công của tôi chỉ đơn giản như thế”.

Tiếng Anh của Thanh do tự học. Anh còn mày mò tự học cách trình bày báo. Mười mấy năm làm việc trong môi trường tiếng Anh góp phần làm nên Nguyễn Việt Thanh của hôm nay…

Người đoạt Giải nhất ảnh báo chí châu Á: Tự học đủ thứ! ảnh 2
Nguyễn Việt Thanh

Làm đồ họa một thời gian, anh chuyển sang chụp ảnh, cho gần với sở thích du lịch. Gần đây, một tay máy mới vào nghề hỏi Thanh trên Photoworld- diễn đàn ảnh báo chí trên mạng do Nguyễn Việt Thanh và Hoài Linh sáng lập, em phải làm sao để được như anh?

Thanh trả lời, tạm thời bỏ máy ảnh, đi học tiếng Anh! “Với nhiếp ảnh, yêu nghề chưa đủ. Phải trang bị ngoại ngữ và công nghệ thông tin,” Thanh rút ra. Anh vĩnh biệt máy chụp phim từ năm 2000: “Đã xác định là nghề nghiệp thì không nên bảo thủ. Tôi không có thú chơi đồ cổ!”.

Hai nhà sáng lập Photoworld vừa hoàn thành vai trò trợ giảng trong khóa học ảnh báo chí do SIDA tài trợ dành cho các nhà báo VN. Sắp tới, Hoài Linh và Nguyễn Việt Thanh sẽ cùng triển lãm những bức ảnh đề tài “Trẻ con”.

Dân nhiếp ảnh (báo chí) thường có thói quen “tác nghiệp” đơn độc, riêng Nguyễn Việt Thanh thì ai cũng chơi. Thanh tiết lộ sức hấp dẫn của mình… ở ngón đàn piano. “Âm nhạc xóa mọi kỳ thị, đố kỵ... với điều kiện anh phải có tâm hồn”, Thanh cho hay.

30 tuổi, Thanh bước vào nghề buôn piano và bắt đầu tự tập chơi piano. Ước mơ cháy bỏng từ bé của Thanh là trở thành pianist, không thèm… guitarist - dù anh chơi guitar còn giỏi hơn! Thuở nhỏ, bố mẹ cho đi học cello, được vài tháng thì hết kinh phí. Và ước mơ chỉ là ước mơ…

“Nhưng bây giờ, tôi có một sự nghiệp rồi. Đã đến cái tuổi mà mình biết con đường đi của mình. Những cái khác chỉ là phụ”. Tuy nhiên, anh tỏ ra thất vọng vì 2 cậu con trai chả thiết gì piano, dù nhà thiếu gì đàn và anh luôn tận dụng cơ hội đàn cho chúng nghe…

“Dù sao thì trong đời, hai việc tôi làm không biết chán vẫn là chơi piano và chụp ảnh”, Thanh gật gù. “Tôi yêu nghề và sống được bằng nghề. Thế là song hỉ rồi còn gì!”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.