Nguyễn Bình Phương: Sống bình thường, viết không bình thường

Nguyễn Bình Phương: Sống bình thường, viết không bình thường
TP - Chẳng dại khen văn chương Nguyễn Bình Phương. Ngay khi tập thơ “Buổi câu hờ hững” xôn xao văn đàn, trước cơn mưa ca tụng, anh chỉ buông câu: “Tôi thấy đã làm một việc là gói lại một quãng thời gian sáng tác”. Nhưng cũng chẳng chê Nguyễn Bình Phương làm gì cho nhọc. Anh thú nhận: “Ở góc độ khen, chê, tôi là người bảo thủ. Tôi chỉ nghe chính tôi”.

> Hoạ sỹ Văn Sáng Tên tôi ở phía sau quyển sách
> Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn

Bảo Nguyễn Bình Phương cũ, anh nhận ngay: Tôi cũ, tôi cổ. Chẳng cổ là sao khi không chơi facebook, “vi tính chỉ có hai việc là soạn thảo văn bản, mở email nhận bài vở, thỉnh thoảng đọc tin tức”.

Hỏi chàng con rể của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có giỏi ngoại ngữ không, anh chẳng ngại ngần: “Không. Tôi thú thực không thích ngoại ngữ, cũng không có nhu cầu. Ngay cả nhu cầu đi nước ngoài cũng chả cao”. Ai ngờ được, nếu Bình Phương không bật mí: “Tôi chưa bao giờ bước chân ra khỏi biên giới Tổ Quốc”. Nhưng anh cũng không từ chối nếu có lời mời xuất ngoại hợp lí: “Tiện thì đi”.

Tiện và ngẫu hứng

 “Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người”.  

Chuyện một số nhà văn chạy sang vườn thơ, hay ngược lại, một số nhà thơ vào ngày đẹp trời nổi hứng viết văn, không lạ. Nhưng gặt hái tốt trên cả hai mảnh vườn như trường hợp Nguyễn Bình Phương lại là “của hiếm”. Thế mà Nguyễn Bình Phương tửng tưng lý giải: Chuyện bình thường ấy mà. Tiện cái gì thì tôi viết cái đó thôi. Thơ hay văn xuôi cũng chỉ là sáng tạo nghệ thuật. Bèn nghi ngờ: “Biết đâu anh còn vẽ nữa, bởi hội họa cũng là một hình thức sáng tạo nghệ thuật?”.

Hỏi chơi chơi, vậy mà đúng mạch: “Tôi từng vẽ, khởi thủy vốn là người yêu hội họa hơn yêu văn. Từng định thi vào đại học mỹ thuật Yết Kiêu nhưng lại đi bộ đội. Phải thích ứng với môi trường, vào đơn vị bộ đội mà đi đâu cũng phải mang hộp màu, toan… lỉnh kỉnh, còn viết văn chỉ cần cây bút và tập giấy”.

Thế đấy, đến với văn chương cũng lại chẳng qua vì… tiện. Cha mẹ đặt cho anh cái tên không dính văn chương: Nguyễn Văn Bình: “Bút danh là tôi lấy bừa, ngẫu hứng lắm”. Cứ dăm ba cái tiện mà thành một Nguyễn Bình Phương lạ lẫm và độc đáo trên văn đàn.

Có một nhà phê bình văn học trẻ đánh cược rằng: Hồn thơ Nguyễn Bình Phương không phải hồn thơ phức tạp. Nếu chỉ nhìn thoáng qua lớp vỏ ngôn ngữ, dễ đồng ý với ý kiến nọ. Thơ Nguyễn Bình Phương cũng có những câu dễ thương, kiểu như: “Anh gọi cây nhưng cây không đến nổi/ Nắng nhiều như anh hôn em” hay “Anh đang mơ chúng mình cầm tay/ Vòng quanh những quả đồi”…

Nhưng dễ thương thì ít, day dứt, ám ảnh thì nhiều. Xuân Diệu nếu còn sống cũng không bao giờ phải e ngại Nguyễn Bình Phương cướp mất danh hiệu “thi sĩ tình yêu”. Người tán gái siêu chẳng bao giờ lại nói với người mình yêu về sự trống trải. Đã thế, anh cho người yêu ngắm bức chân dung không mấy hấp dẫn: “Chiếc sơ mi khoác hờ lên bóng đêm/ Là anh đấy”. Thực ra nhiều lúc tình yêu với Nguyễn Bình Phương chỉ là phương tiện để tâm hồn nhiều ẩn ức của anh được phiêu diêu: “Những bông hoa lộng lẫy trong đêm/ Áp vào ta bao nhiêu niềm trinh bạch/ Em áp vào tôi những sóng nước dạt dào của kênh rạch miền Tây/ Tiếng thì thầm áp vào những đám mây/ Báo tin. Một người không dưng đổ xuống/ Nằm mê man bên cạnh một câu thơ/ Bệnh tật đã cất lời của nó/ Mi thấy những muộn phiền trên tóc ta không?”. Hay khi anh miêu tả mưa. Với anh, mưa không phải từng giọt buồn thánh thót mà hoang liêu sâu thẳm: “Tít bên kia hàng cây sốt ruột/ Trút xanh xao xuống mọi linh hồn”. Hẳn nhiên Nguyễn Bình Phương không công nhận hồn thơ của anh đơn giản: “Thơ tôi là loại phức tạp bởi tâm trạng phức tạp. Tôi hay nói đùa mà cũng là nói thật: Trong mỗi bài thơ của tôi có bóng dáng một con ma, một cái bóng lẩn khuất, một tâm trạng gì đó không nắm bắt được”. Thoạt nghe cái tên tập thơ “Buổi câu hờ hững” nhiều người cứ nghĩ Bình Phương đã trở về thôn quê, học cụ Nguyễn Khuyến xưa nhưng anh cười lớn: “Tôi câu là câu… siêu hình”. Thơ đã vậy, văn xuôi cũng không dễ thở hơn. Anh bật mí, người thân ít đọc văn của anh và chính anh cũng không muốn đưa cho họ đọc. Anh đùa: “Văn chương của mình có trong sáng gì đâu, cũng vào hàng ma quái đưa người thân đọc chỉ làm khổ họ”.

Thời gian là vô nghĩa với nghệ thuật

Nguyễn Bình Phương dè dặt khi tiếp nhận lời khen và anh cũng tiết kiệm khen, chê với ai đó. Nếu việc khen hoặc chê góp phần thúc đẩy cho đối tượng tốt lên thì anh sẽ làm, không có chuyện khen để lấy lòng, chiếu lệ. Nhưng chê quyết không phải đố kị: “Trong nghệ thuật chê thật chỉ xuất hiện ở một vài người thật xuất sắc, những người khổng lồ với nhau. Còn phần lớn đố kị nảy sinh ở người tầm thường. Tôi không xuất sắc nhưng cũng không tầm thường. Tôi nằm ở giữa”. Anh tự nhận mình là người khó tính trong lao động nghề nghiệp. Hiện nay, gia tài của Nguyễn Bình Phương có 6 cuốn tiểu thuyết, 4 tập thơ. Là người viết đều nhưng không dễ dàng trong mỗi ca “sinh nở”: “Có người chỉ viết một cuốn tiểu thuyết trong vòng vài tháng, còn tôi nhanh nhất cũng hai năm, có cuốn viết tới ba, bốn năm. Như “Xe lên xe xuống” chẳng hạn”. Công đoạn ngốn nhiều thời gian nhất của Nguyễn Bình Phương chính là phần sửa chữa. Thấy “dân” trong ngành xuất bản đã kháo nhau về một cuốn tiểu thuyết mới của anh. Anh cho biết, đã viết xong nhưng còn đang trong quá trình sửa chữa. Ngay tên sách, anh cũng đang lựa chọn giữa vài cái tên. Hỏi: “ ‘Xe lên xe xuống” vốn dĩ có tên Mình và Họ. Vì sao cuối cùng anh lại chọn ‘Xe lên xe xuống’”. Nguyễn Bình Phương cho rằng, văn chương nên ẩn ý, “Mình và Họ” lộ quá, “Xe lên xe xuống” ẩn ý hơn.

Rất nhiều người viết không thuộc thơ mình. Còn Nguyễn Bình Phương khẳng định: “Tôi thuộc thơ mình một cách nghiêm túc. Có thể thuộc những bài cách đây hai mươi năm”. Bởi: “Tôi là người viết kỹ”. Tuy nhiên, Nguyễn Bình Phương không bao giờ đếm số lượng bài thơ đã “sinh” ra và có “tật” không bao giờ đề ngày tháng dưới bài thơ. Anh có cái lí của riêng mình: Một tác phẩm văn học nếu hay thì nó tồn tại, mười năm sau đọc lại vẫn thấy hay. Thời điểm ghi vào đó không có giá trị. Thế nên với Nguyễn Bình Phương văn học không có hiện đại hay hậu hiện đại, văn học chỉ có hay hoặc không hay. Có người nói, muốn tìm cái gì mới thì đọc Nguyễn Bình Phương. Còn bản thân anh thì “cũ, mới tôi không quan tâm. Nếu bạn đọc thơ tôi, bạn thấy hay, đó là điều hạnh phúc với tôi. Thời gian là thứ vô nghĩa với nghệ thuật”.

“Không nên thử các trạng thái trong gia đình”

Nhận xét: “Thơ anh có sự can thiệp tỉnh táo của lí trí?”. Không chối phăng nhưng anh chỉ đồng ý một phần: “Cũng đúng nhưng thơ tôi là cảm hứng say sưa, không phải tỉnh”. Anh kể về trạng thái sáng tác của mình: “Giây phút anh bắt đầu viết một bài thơ đến khi kết thúc, không tính giai đoạn sửa, thì đó là trạng thái rất tù mù. Tôi không miêu tả được rõ ràng trạng thái đó. Khi tôi viết một bài thơ tôi như chìm vào một quãng nào đó”. Khi sáng tác văn xuôi, anh cũng chìm đắm nhưng không viết liên tục trong nhiều đêm. Nguyễn Bình Phương có thói quen viết vào ban ngày, đêm chỉ dành đọc sách. Anh cũng không mang việc về nhà. “Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người”, vì thế Bình Phương không thích kiểu đóng vai nghệ sỹ. Nếu nhìn vẻ ngoài của anh dễ đoán anh là ông giáo trường làng. Còn anh không ít bị lầm là xe ôm, hoặc người gác cổng”. Không ham rượu chè, chỉ bạn bè thân quí mới đủ sức rủ rê anh và trong đời bia rượu, tính đến nay chỉ say duy nhất một lần. “Thấy mệt thì về, đến độ thì buông”, đó là bí quyết chống say của anh.

Nguyễn Bình Phương có một mái ấm bình yên. Bình yên thường dễ rơi vào tẻ nhạt nhưng lại bảo: “Tôi yêu sự tẻ nhạt này hơn. Không nên thử các trạng thái trong gia đình”. Trong cuộc sống đời thường, anh nhận mình là người hiền, không tham gia các cuộc tranh cãi, “cãi vã, ăn thua tào lao với nhau làm gì, mục đích của anh là viết thì cứ thế mà viết”. Muốn phá phách, muốn nổi loạn, Nguyễn Bình Phương tìm đến văn chương: “Sống bình thường, viết không bình thường hay hơn là viết bình thường, sống không bình thường”. Trong một lần ngà ngà, một nhà văn bảo Nguyễn Bình Phương: “Ông ơi, ông viết dễ hiểu một chút, hạ tông xuống một chút”. Nhưng đâu vẫn hoàn đấy, trong văn chương anh là một kẻ ngang ngược: “Tôi có kiểu của tôi, tôi không chiều người khác. Nhà văn nào cũng thế, khi đã ngồi vào bàn viết là đại ích kỷ, viết trước hết là để thoả mãn mình”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG