Nguyện cầu đi

Nguyện cầu đi
TP - Một bà sùng đạo việc làm đầu tiên mỗi sáng là cầu nguyện. Nhưng dạo gần đây lại thấy bà hễ ngủ dậy là vớ lấy tờ báo. Có người hỏi phải chăng bây giờ bà coi việc đọc báo quan trọng hơn cầu nguyện. “Ồ không - bà đáp - tôi đọc báo trước để xem hôm nay phải cầu nguyện cho cái gì”.

Một nhà báo dẫn lại mẩu truyện cười nước ngoài trên, rồi than thở trên facebook: “Nếu báo chí xứ ta mỗi sáng đều làm được cái việc là cho người đọc biết hôm nay phải cầu nguyện cho cái gì, có lẽ tình trạng sụt giảm người đọc hiện tại sẽ đỡ bi đát hơn chăng?”.

Chưa chắc! Ở xứ mình báo chí làm thế không khéo lại ế sưng. Khối lễ hội tù mù người ta chả biết gốc gác ra sao, cầu ai, khấn gì, thế mà vẫn đội lễ chen nhau bẹp ruột. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cứ thế mà quán triệt. Có thứ tín ngưỡng gì mà lễ vật làm ra càng to càng cao càng nặng càng dài, thì lại (được cho rằng) càng tỉ lệ thuận với “lòng thành”?! Cái bánh tét dài mấy chục mét, cái bánh chưng nặng hàng tấn, tô hủ tiếu thả con thuyền vào bơi được, nếu chiểu theo vậy, “vốn liếng” của lòng thành chắc phải dùng mấy chục năm mới hết!?

Nhưng rồi, ngẫm lại câu chuyện nguyện cầu trên, thấy ứa nước mắt. Con người khi hoang mang vô hướng, mất niềm tin thì không những báo chí, mà ngay cả thần thánh cũng chả cứu được. “Lòng tin mù có đôi mắt dữ” – một nhà thơ nước ngoài từng nghiệm ra. Chém lợn, đập vỡ óc trâu được khoác dưới sắc màu nhóng nhánh của lễ hội, mà nơi đó đông đảo con người ta hướng về những tia máu đang phụt ra để cầu khấn về điều tốt lành, bình an may mắn! Người ta sẵn sàng vung gậy vào đầu nhau để giành cướp vật cầu may, cướp lộc. Bất chấp tất cả để giành giật được cái ấn lúc nửa đêm…   

“Tôi nghe nói thế giới đẹp lắm” - người mù nói. “Hình như thế” - người sáng mắt đáp.

Hãy nguyện cầu đi, cho những tốt đẹp mong manh còn lại.

MỚI - NÓNG