Nhân “Những ngày văn học châu Âu” tại Việt Nam

Nguyễn Huy Tưởng với văn hào nga Lev Tolstoi

Bìa cuốn Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.
Bìa cuốn Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.
TP - Năm 2006, bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản, gồm 3 tập, tổng cộng 1.700 trang in, bao quát toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông, bắt đầu từ ngày 19/12/1930 khi ông khởi đầu thói quen viết nhật ký, và kết thúc ngày 21/6/1960, chỉ ít hôm trước khi ông qua đời.

Nếu coi nhật ký cũng là một thể loại văn học - riêng với Nguyễn Huy Tưởng, không nghi ngờ gì nữa, nhật ký của ông giờ đây cần được coi là một bộ phận cấu thành trong toàn bộ sự nghiệp trước tác của ông - thì bộ tác phẩm này được hình thành sớm nhất và cũng khép lại muộn nhất so với tất cả các sáng tác khác của nhà văn.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói ở đây là Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết gì trong nhật ký và vì sao ông viết. Nguyên văn câu mở đầu bộ nhật ký của ông - cũng là khởi đầu cho văn nghiệp của ông - là như sau: “Tôi xem xong một quyển ái tình luân lý xã hội tiểu thuyết là Résurrection của nhà danh sĩ nước Nga soạn”.

Résurrection là tên tiếng Pháp của tiểu thuyết Phục sinh, và “nhà danh sĩ nước Nga”, tác giả của nó, chính là Lev Tolstoi, một tác gia mà Nguyễn Huy Tưởng sẽ còn nói đến nhiều trong nhật ký. Bấy giờ tác phẩm này còn chưa được dịch ra tiếng Việt, và Nguyễn Huy Tưởng đọc nó qua bản dịch tiếng Pháp, cũng như rất nhiều cuốn sách khác ông từng đọc trong đời.

Thiết tưởng, chỉ riêng việc đọc cuốn sách này và ghi lại sự việc trong nhật ký cũng đã là một dấu ấn đáng nói đối với một thanh niên 18 tuổi như Nguyễn Huy Tưởng. Song với ông, nó còn cho ta biết nhiều điều hơn thế nữa. Sau khi tóm tắt lại câu chuyện (như một thói quen của một kẻ học trò cần mẫn để cho dễ nhớ bài?), Nguyễn Huy Tưởng nhận xét: “Truyện cảm động từ đầu chí cuối, lại thêm cái luân lý khuyên ta nên lấy đạo sửa mình làm gốc, khuyên ta nên chọn cơ hội để mà cứu người, giúp đỡ người làm điều phải, khuyên ta nên bỏ những tính ích kỷ độc ác gian giảo; tư tưởng rất cao thượng, khiến cho tôi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, trong trí sinh ra một cái ý muốn rất hay, là ý muốn làm lành”.

Rõ ràng đây là một ý nghĩ rất sâu sắc - đủ sâu sắc để Nguyễn Huy Tưởng trải lòng mình trong nhật ký, hơn nữa, để đưa ra cho mình một xác quyết: “muốn làm lành”!

Nhưng cũng chính qua đây ta có thể đặt ra một giả thuyết: Cảm xúc từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn hào Nga Tolstoi đã thôi thúc, kích thích Nguyễn Huy Tưởng cầm bút viết, và cũng chính vì thế mà ông mới bắt đầu viết nhật ký, và qua đó mà hình thành thói quen viết văn, trước hết là viết nhật ký hằng ngày. Nói một cách khác, tác phẩm của Tolstoi đã dẫn dụ Nguyễn Huy Tưởng đến với
văn chương.

Cho dù điều này chỉ là giả thuyết thì ít nhất chúng ta cũng có thể khẳng định được rằng: Lev Tolstoi có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng - nếu không muốn nói là có tính khai mở - trong việc hình thành nên một nhà văn là Nguyễn Huy Tưởng của Việt Nam.

*

*  *

Cùng với nhà soạn kịch Pháp Racine, Tolstoi với Chiến tranh và hòa bình là thần tượng của Nguyễn Huy Tưởng.

Ngay trong những ngày còn chưa dứt nạn đói trước Cách mạng tháng Tám, giữa những bộn bề lo toan sinh kế và hoạt động Việt Minh - Nguyễn Huy Tưởng là một nòng cốt của nhóm Văn hóa cứu quốc - ông vẫn ôm mộng viết một cuốn truyện dài có quy mô rộng lớn về xã hội Việt Nam thế kỷ 20. Cuốn sách ấy, như ông hình dung, “(thuộc) loại La guerre et la paix (Chiến tranh và hòa bình) của Tolstoi” (nhật ký ngày 2/5/1945). Chúng ta biết rằng, Nguyễn Huy Tưởng là người có xu hướng viết những tác phẩm có tầm vóc sử thi hoành tráng, và có thể nói, từ một khi nào đó, cuốn tiểu thuyết này của Tolstoi đã là một kiểu mẫu mà ông muốn noi theo.

Nguyễn Huy Tưởng với văn hào nga Lev Tolstoi ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng quãng năm 1950 ở Việt Bắc, khi ông viết trong nhật ký là tác phẩm của Tolstoi vẫn đang “theo dõi” ông.

Tất nhiên, mong muốn là một chuyện, còn việc thực hiện lại là chuyện khác. Ngoài khả năng thực sự của người viết, điều đó còn tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh mà người ấy có được. Đến với cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng chịu ảnh hưởng của bản Đề cương văn hóa với một định hướng dứt khoát là “dân tộc, khoa học, đại chúng”, trong đó yêu cầu đặt lên hàng đầu là viết thế nào cho mọi người (tức bình dân) đều hiểu, nghĩa là chỉ những gì thật đơn giản, rõ ràng, thậm chí càng nôm na càng tốt. Trong kháng chiến chống Pháp, điều kiện in sách báo, diễn kịch đều hết sức khó khăn, yêu cầu đặt ra cũng chỉ là viết những cái gì ngăn ngắn, dễ in, dễ phát hành. Cảm xúc về cuộc chiến đấu sáu mươi ngày đêm khói lửa của Hà Nội Liên khu 1, Nguyễn Huy Tưởng say sưa viết vở kịch Những người ở lại (1948) gồm ba hồi, hơn trăm trang in. Lập tức nó bị kêu là dài, là xa rời thực tế phát hành (bên cạnh nhiều “hạn chế” khác về lập trường tư tưởng) khiến tác giả sau đó phải chuyển sang viết những cái ngắn vốn không phải sở trường của mình. Bất chấp một thực tế khắc nghiệt như vậy, ý chí sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng vẫn khiến ông nghĩ đến những tác phẩm lớn, bao quát toàn bộ cuộc kháng chiến trải qua các giai đoạn. Và Tolstoi với tác phẩm Chiến tranh và hòa bình lại ám ảnh ông. Ngay khi trận Việt Bắc còn chưa đến hồi kết, ông đã có một đêm “trằn trọc: lo còn bao nhiêu tác phẩm. Những tác phẩm đồ sộ. Dày như: Chiến tranh và hòa bình” (nhật ký ngày 6/12/1947). Hơn hai năm sau, khi đã chuyên tâm với việc sáng tác những vở kịch ngắn như Anh Sơ đầu quân, Người vợ thương binh, Nguyễn Huy Tưởng lại “tự thú” trong nhật ký: “Thích viết một truyện dài như “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoi. Nhà văn hào này vẫn theo dõi ta, tác phẩm lớn nhất của Tolstoi vẫn ám ảnh ta (21/1/1950)”.

Tuy nhiên, cũng phải sau hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng mới có điều kiện theo đuổi một tác phẩm dài hơi - tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, và bấy giờ ông mới thực sự có dịp tiếp cận thần tượng Tolstoi của mình. Là một cây bút thiên về đề tài lịch sử, với Sống mãi với Thủ đô, có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện một khuynh hướng sử thi rõ nét nhất, đồng thời cũng mang đậm “chất” Tolstoi nhất. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Ngọc Thiện trong bài Sống mãi với Thủ đô - “không chỉ là phản ánh, mà còn là tổng kết, soi sáng”, có viết: “Trong bút pháp tự sự kể việc và tả người, có lẽ Nguyễn Huy Tưởng đã học tập được nhiều ở văn hào bậc thầy L. Tolstoi mà ông hằng ngưỡng mộ, tôn sùng. Có thể nhận ra những nét đồng dạng của “Sống mãi với Thủ đô” với “Chiến tranh và hòa bình” ở việc khai thác lịch sử như là một quá khứ gần, ở nghệ thuật đan cài giữa kể và tả, giữa khắc họa chân dung, hành động nhân vật với mổ xẻ diễn biến nội tâm (…) Nguyễn Huy Tưởng học được ở Tolstoi sự kết hợp giữa tôn trọng tính khách quan của lịch sử như là cái đã có với sự nhận thức, đánh giá chủ quan, riêng tư của những người trong cuộc (…). Lại nữa, cách tạo dựng không khí lịch sử, những khung cảnh, âm thanh hỗn độn, xô bồ của đám đông, những ngẫu nhiên và may rủi trong chiến tranh, cái nhìn toàn cảnh chiến trận mà khi cần vẫn biết dừng lại, ở góc độ cận cảnh, soi vào một cảnh đời, một thân phận, một góc sâu kín của lòng người… cũng được biểu hiện khá thành thực, theo loại hình của bút pháp L. Tolstoi”.

Đoạn trích có hơi dài, cũng để bạn đọc thấy rõ hơn một ý kiến của “giới chuyên môn” về sự tương đồng giữa hai nhà văn, hai tác phẩm mà chúng ta nói đến. Chỉ tiếc là Nguyễn Huy Tưởng đã không được thọ như bậc thầy văn chương của mình - Tolstoi sinh năm 1828, mất năm 1910, thọ 82 tuổi; Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912, mất năm 1960, hưởng dương 48 tuổi. Cái chết của ông kéo theo sự lỡ dở của tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, tác phẩm đang được dày công chuẩn bị của một nhà văn nhiều khát khao sáng tạo…

*

*  *

Sự hâm mộ Tolstoi của Nguyễn Huy Tưởng, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông đều biết. Chính trong khoảng thời gian ông viết Sống mãi với Thủ đô, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã biếu ông một buste (tượng bán thân) Tolstoi. Đấy cũng là lúc ông đang tự nhủ “Cần phải đọc nhiều trước khi viết LK1 (tiểu thuyết về Hà Nội Liên khu 1)” (nhật ký ngày 8/4/1957). Giờ đây, trong gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn giữ được mấy cuốn sách của Tolstoi bằng tiếng Pháp mà chắc hẳn ông đã đọc rất kĩ vào thời gian ấy. Chỉ tiếc rằng bức tượng bán thân của Tolstoi mà ông Bổng tặng thì đã không còn... 

Trong số nhiều bạn văn nghệ sĩ thân quen của Nguyễn Huy Tưởng, có hai người bạn hiểu và gắn bó bậc nhất với ông là Nguyên Hồng và Tô Hoài. Hai ông, nhất là ông Nguyên Hồng, đã đặt cho ông Tưởng nhiều cái tên mà ngay cả bà Uyên, vợ ông cũng không biết rõ nguồn gốc (như Chánh Hòa chẳng hạn). Và đây là một cái tên khác, qua văn ông Nguyên Hồng. Trong cuốn Bước đường viết văn, phần “hồi ký” về ông Tưởng, ông Hồng có trích một đoạn nhật ký hồi hai ông ở cùng nhau tại căn gác ông Tưởng thuê ở phố Pescadore, nay là phố Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội. Đoạn nhật ký ấy khá dài, ta chỉ cần biết ông Hồng đã mở đầu bằng cách gọi bạn mình thật thống thiết: “Ông “Tolstoi” của tôi ơi!”. Còn đây là lối gọi của ông Tô Hoài mà ông Tưởng đã ghi lại trong nhật ký ngày 27/3/1951, lẫn giữa những lời nhận xét sau lưng của một số anh em về ông mà xin miễn nêu tên, như “thường vụ tính phát triển”, “khó chơi”, “lên nước”, “hờm hợm”… Giữa những nhận xét ấy, có lời của tác giả Vợ chồng A Phủ: “Tolstoi thương người”.

Hai ông, mỗi ông một giọng điệu, nhưng chung quy đều gọi ông Tưởng là Tolstoi, một cách thật tự nhiên…

MỚI - NÓNG