Nguyễn Ngọc Thạch - Luật gia và nhà nhiếp ảnh

Nguyễn Ngọc Thạch - Luật gia và nhà nhiếp ảnh
TP - Có người, dù gặp đâu đó nhưng chỉ để lại trong ta một ấn tượng như gặp một chiếc tủ lạnh. Nhưng chỉ một lần chuyện trò, ta bỗng nhận ra đó là bếp lửa hồng, hoặc có thể gọi là pho tiểu thuyết.

> Những bức ảnh tuyệt đẹp từ... thức ăn bị hỏng

Trên đây là tôi nói về Luật sư, Trọng tài viên Nguyễn Ngọc Thạch, một người tôi biết hơn 10 năm qua, nhưng chỉ đến khi xem những bức ảnh về “Tháng Ba Tây Nguyên” của anh mới thấy phải chủ động “xin” anh một cuộc trò chuyện.

Cá tính

Nguyễn Ngọc Thạch - Luật gia và nhà nhiếp ảnh ảnh 1
 

Tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Đức, một trong những tiến sĩ luật hiếm hoi thời những năm 80, Nguyễn Ngọc Thạch có thể thăng tiến trên con đường “xênh sang mũ áo”, nhưng vì tính khí khác người, anh thích gì làm nấy và chỉ làm cái anh thích mà thôi.

Tây Nguyên là nơi mời gọi và níu giữ bước chân anh nhiều nhất, thiên nhiên và con người kích thích sức sáng tạo mạnh mẽ nhất

Quay trở lại nước Đức, xứ sở đã đào tạo ra mình, Nguyễn Ngọc Thạch bỏ ra mấy năm không làm chính ngạch đã học, để được thảnh thơi thỏa sức thưởng thức nỗi nhớ về những con đường, góc phố, những tòa nhà của nền kiến trúc Bauhaus và những con người sinh ra từ nền văn hóa Đức, giàu chất sáng tạo.

Trở về, không thích gò mình vào những khuôn khổ cứng nhắc của công sở hành chính, anh hành nghề luật sư, trọng tài viên. Anh bảo, đó là công việc đáng yêu thích bởi ở nơi đó, kiến thức của anh đem lại được công bằng, được tôn trọng.

Ở đó, sự thật (lẽ phải) được chờ nghe nhiều nhất và chỉ có bài học về lẽ phải mới khiến người thua kẻ thắng tâm phục khẩu phục lấy làm kinh nghiệm sống đời.

Lẽ ra, thế là vui rồi, là thời gian được sử dụng một cách hợp lý rồi, hơn nữa để tìm ra sự thật, phán quyết về lẽ phải vốn luôn tốn rất nhiều công sức và tâm huyết.

Nguyễn Ngọc Thạch - Luật gia và nhà nhiếp ảnh ảnh 2

Song, khiếu thẩm mỹ về nghệ thuật tạo hình tiềm ẩn luôn thôi thúc Nguyễn Ngọc Thạch phải sống đa dạng hơn. Từ mê bon-sai đến cầm máy ảnh. Anh cho rằng nhiếp ảnh có thể dẫn anh đến với những bức tranh bằng chất liệu và cách sáng tạo khác.

Không chỉ là tốn kém

Nguyễn Ngọc Thạch - Luật gia và nhà nhiếp ảnh ảnh 3

Ban đầu, chiếc máy Nikon D70s “nhỏ nhẹ” cũng gần ngàn “đô” và bây giờ là Nikon D700, rồi Nikon D3x, chỉ thân máy thôi cũng gần chục ngàn, riêng cái kính lọc màu cũng xấp xỉ ba ngàn tiền Mỹ.

Nào là ống kính Nano, nào là nguyên liệu xử lý hậu kỳ… cái gì cũng đắt. Có người còn bảo, muốn cho một gã nhà giàu phá sản thì chỉ cần đưa vào tay anh ta một chiếc máy ảnh và kích thích họ biết săn tìm cái đẹp là xong.

Nhưng cái đó chưa thấm gì với thời gian và công sức bỏ ra. Có những người cầm máy 10 năm vẫn không có được một tấm ảnh như ý. Nhưng Nguyễn Ngọc Thạch thì khác.

Kể từ khi cầm máy (2007) đến nay, anh đặt ra một nguyên tắc mỗi năm đi chụp 1 lần/15 ngày liền. Và Tây Nguyên là nơi mời gọi và níu giữ bước chân anh nhiều nhất, thiên nhiên và con người kích thích sức sáng tạo mạnh mẽ nhất.

Có những con thác mà khi tìm đến, bắt đầu từ thị trấn vừa xe hơi vừa đi bộ, leo trèo đến nơi phải mất cả ngày đường, ăn, ngủ như kiểu cắm trại, một ngày tìm góc chụp, quan sát ánh sáng di chuyển, định hôm sau chụp thì trời đổ mưa...

Mà mưa Tây Nguyên thì không biết đâu mà lường. Quay trở về, đêm dậy, thấy mặt đầy máu, tưởng gì hóa ra vắt rừng cắn “thủng”­­­ thái dương. Không kể những bức chân dung cuộc sống, con người, 18 bức ảnh về thác Tây Nguyên của anh ra đời trong 3 lần 15 ngày đi như thế.

Và cũng là niềm tự hào của những người bạn anh. Sở dĩ nói là của bạn anh, vì với anh thì bức sẽ chụp mới là bức khiến anh nghĩ nhiều nhất.

Người ta nói, nghệ sĩ, nhất là nhà thơ và luật sư giống nhau ít nhất ở một điểm, có khả năng diễn đạt tư duy bằng ngôn ngữ đầy tính thuyết phục.

Nguyễn Ngọc Thạch từng đã viết sách cho nghệ thuật bon-sai, nhưng rồi anh dừng lại ở hai cách diễn đạt: Sự thật trần trụi, tác động trực tiếp đến con người anh diễn đạt bằng lời (viết và nói), sao cho người nghe- đọc hiểu rằng phải làm gì để mọi giá trị được đặt đúng chỗ của nó.

Cách diễn đạt thứ hai, đó là cái đẹp tạo hình. Bằng ánh sáng-màu sắc- bố cục nó tác động sâu xa vào tâm hồn con người và từ đó con người hiểu vị trí của các giá trị.

Đó là lý do Nguyễn Ngọc Thạch cầm máy ảnh một cách say mê. Còn một lý do khác, ấy là sự thúc giục của cá tính và năng khiếu. Bắt đầu cuộc đời: 17 tuổi, đi bộ đội 7 năm, sau chuyển ngành, thi đại học thừa điểm, nhận suất đi nước ngoài nghiễm nhiên.

Học tiếng Đức ở Thanh Xuân 7 tháng và sau đó vừa học tiếng Đức vừa học Luật, chỉ kỳ 1 năm thứ 2 đã làm xong luận văn tốt nghiệp.

Phía bạn cho học tiếp nghiên cứu sinh, phía ta đồng ý có điều kiện và cũng chỉ hai năm sau, Nguyễn Ngọc Thạch bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật học trước khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân.

Với cái cá tính, thích cái gì thì làm đến cùng cái ấy, Nguyễn Ngọc Thạch đã vượt được rất nhiều cửa ải để theo đuổi cái đam mê tận cùng với ảnh.

Ảnh của anh được không ít tạp chí như Heritage đánh giá cao và sử dụng nhưng với anh mọi sự luôn mới chỉ là bắt đầu.

* Ảnh trong bài là các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thạch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.