Nguyễn Quang Thiều viết gì khi nghỉ viết

Tại buổi ra mắt cuốn Trong căn phòng một người bại liệt, Phạm Ngọc Tiến tuyên bố “trọng văn của Thiều hơn thơ”; còn Nguyễn Quang Thiều tự nhận thiên về thơ ca, “khả năng văn xuôi hơi kém”. Ảnh: N.M.Hà.
Tại buổi ra mắt cuốn Trong căn phòng một người bại liệt, Phạm Ngọc Tiến tuyên bố “trọng văn của Thiều hơn thơ”; còn Nguyễn Quang Thiều tự nhận thiên về thơ ca, “khả năng văn xuôi hơi kém”. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều vừa cho ra mắt tập ghi chép và chân dung Trong căn phòng một người bại liệt. Sách viết về người nhà, người làng, người tài, người điên, danh nhân cùng người vô danh… Điểm chung khiến họ lọt vào sách là họ đều đã qua đời. Nguyễn Quang Thiều cho biết, tập sách này anh viết trong giai đoạn nghỉ, trước khi cho ra đời một tiểu thuyết hay trường ca.

Anh có vẻ bị ám ảnh bởi làng quê của mình, khi đưa hơi nhiều người làng vào cuốn sách bên cạnh chân dung nhân vật có danh?

Tôi sinh ra lớn lên và đã sống ở đó. Một làng quê bình thường như mọi làng quê khác nhưng nó đủ và thừa cho mọi sự sáng tạo, trí tưởng tượng. Marquez chỉ có một làng nhỏ ở Columbia thôi, làng Macondo nhưng đã làm nên một thế giới, một tác phẩm vĩ đại cho nhân loại. Tất cả các làng ở Việt Nam đều giống như Macondo của Marquez. Chỉ có điều khác là ở đó chúng ta không có một Marquez nói tiếng Việt, viết tiếng Việt, sinh ra lớn lên ở đó và đặt bút xuống.

Mọi thứ đều trở về làng Chùa, có cái gì đó lôi tôi trở lại, và chắc cũng không trốn thoát được. Tôi nghĩ đề tài không quan trọng, đối tượng không quan trọng bằng việc anh viết, khai thác như thế nào. Có những họa sĩ chỉ theo đuổi một đề tài, vẽ tĩnh vật, vẽ hoa hay vẽ phong cảnh nhưng từ đó không ngừng mở ra mọi điều. Hơn nữa toàn bộ những điều gì tôi có được trong tâm hồn đều sinh ra từ làng Chùa đó. Ở đó như những đứa trẻ làng quê những năm 1950-60, tôi một nửa hoang dã như con côn trùng, một nửa sống trong thể thức phong kiến rất nặng nề. Hai hằng số này vẫn giữ chặt tôi cộng thêm quãng thời gian lang thang như kẻ mộng du trên thế gian cụ thể, qua rất nhiều nước. Tất cả làm nên một thứ đầy mâu thuẫn trong người tôi. Làng Chùa là nơi tôi thuộc nhất và có thể nói về nó tốt nhất. Hà Nội là nơi tôi kéo thân xác mình đi qua, còn làng Chùa là nơi linh hồn tôi trú ngụ. Có lẽ là như vậy.

Vì sao anh chỉ tuyển người chết vào sách?

Đầu tiên xuất phát từ tình cảm. Vì trong đó có những người trong gia đình tôi, những người thân yêu, người làng tôi, có những người khác trên đất nước này. Những người tôi có thể từng sống cùng nhiều và có thể là những người tôi chỉ gặp 1-2 lần nhưng để lại ấn tượng.

Điều thứ hai, viết về những người chết tôi muốn gửi đi thông điệp về kiếp người, muốn nhìn lại số phận con người đi qua thế gian này. Họ có thể là vô danh là nông dân, là những người bị bệnh và trở thành điên đi lang thang, và có những người đầy quyền chức… Mỗi người đều để lại một con đường trên mặt đất này, lớn hay nhỏ, sáng hay tối… Như một sự tưởng nhớ, phán xét, tôn vinh, chia sẻ, tôi tìm cách trình bày mỗi số phận trong cách nhìn của mình sao cho công bằng nhất. Nhất là khi họ không còn ảnh hưởng bất cứ điều gì như về quyền lợi với cá nhân mình, mọi mâu thuẫn, bất đồng, thứ gì chưa vừa lòng sẽ được xóa đi…

Bạn anh, nhà văn Phạm Ngọc Tiến kể sau nhiều lần đưa chuyện quê ngoại của mình lên phim, đã không dám về làng vì sợ bị đánh. Còn làng Chùa phản ứng ra sao về những gì anh viết?

Tôi đã viết và những người làng Chùa đều đọc. Sách này tôi tặng cho người làng Chùa, cả những cuốn trước kia cũng thế. Họ đọc và rất tôn trọng. Bởi họ nhận ra tôi viết đầy sự chia sẻ, đầy sự ấm áp. Không phải vì tôi giấu đi điều này điều nọ, mà họ nhận thấy thiện chí và sự chia sẻ của tôi với làng Chùa trong trang sách và cả trong cuộc đời. Tôi gắn liền với làng ngay cả đến bây giờ. Tôi muốn nói một điều gì thật trân trọng về làng, về những người làng. Cho nên những người có điều này điều nọ cũng sẵn sàng chấp nhận. Như những nguyên mẫu của truyện Mùa hoa cải bên sông (sau này trở thành phim Lời nguyền của dòng sông được giải Vàng đầu tiên của phim truyền hình Việt Nam tại Bỉ) vẫn còn sống và chấp nhận những gì tôi viết. Gặp tôi, họ chỉ nói: “Đó là một nỗi buồn mà không ai muốn…”.

Ông là một nhà thơ nhưng không đủ sức sống một mình trong im lặng. Ông là một nghệ sĩ hát lên niềm vui của số đông nhưng lại không đủ sức hát về số phận của riêng mình. Bước vào tuổi 80, ông mới thốt lên trong một hội nghị: “Đến giờ tôi thừa nhận câu nói “Bài ca hay nhất là bài ca tuyệt vọng” là một chân lý để nói về nghệ thuật”. Nhưng theo tôi, ông đâu phải là người tuyệt vọng. Ông chỉ là một người mang “nỗi cô đơn xã hội”. Đây là cụm từ của tôi nhằm nói về nỗi cô đơn của một con người thấy vắng bạn bè, vắng người giao tiếp, vắng những quan hệ hành chính. Còn nỗi cô đơn thi sĩ, theo tôi, ông vẫn chưa kịp chạm tới. Nỗi cô đơn ấy là cô đơn ngay trong chính đám đông, trong chính sự giàu có và quyền lực, trong chính sự tôn vinh và khiếp sợ của vạn người. Nhưng bây giờ tôi tin chắc ông đã hiểu khi ông đã thành một hư vô trong thế giới hư vô. Ở nơi chốn ấy, mọi linh hồn đều được thấu hiểu.

                Trích Tố Hữu và ngọn đèn cô đơn đã tắt của Nguyễn Quang Thiều

MỚI - NÓNG