Nguyễn Thiên Đạo mang “Chuyện của Pao” đến APEC?

Nguyễn Thiên Đạo mang “Chuyện của Pao” đến APEC?
TPCN - Về nước lần này, nhạc sỹ Việt kiều Pháp Nguyễn Thiên Đạo mang theo hai dự án âm nhạc trình Bộ Văn hóa Thông tin phê duyệt: Chương trình nhạc chào mừng APEC sắp tới và kế hoạch nhạc- kịch phim nhân 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Nguyễn Thiên Đạo mang “Chuyện của Pao” đến APEC? ảnh 1
Nhạc sỹ Nguyễn Thiên Đạo luôn bận rộn trong chuyến về Việt Nam lần này

Trước khi rời Hà Nội vào Huế tham dự Hội trại sáng tác âm nhạc quốc tế (21/5- 30/5), ông đã cuộc trao đổi với Tiền phong.

Được biết, dự án  âm nhạc chào mừng APEC mà nhạc sỹ đang trình Bộ Văn hóa Thông tin  phê duyệt có nhạc phim “Chuyện của Pao”?

Đúng thế, tôi mang về đây hai dự án âm nhạc. Một là, chương trình âm nhạc đặc biệt nhân dịp Hội nghị APEC gồm nhạc phim “Chuyện của Pao” sẽ được chỉ huy kết hợp dàn dây giao hưởng Tây Âu với nhạc cụ dân tộc và Suối lưng mây sáng tác đặc biệt cho dàn nhạc dân tộc Việt Nam.

Hai là, dự án tuy chưa gấp rút lắm nhưng nếu không khẩn trương tiến hành thì nó cũng đến tới nơi rồi. Đó là chương trình nghệ thuật tổng hợp phim - nhạc vũ kịch mang tên Nỏ thần dựa trên truyện Mỵ Châu- Trọng Thủy.

Chương trình sẽ do NDND Đặng Nhật Minh, NSND Nguyễn Công Nhạc và tôi phối hợp thực hiện để công diễn vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

NSND Công Nhạc sẽ dựng vở ballet trên nền nhạc của tôi. Sau khi dựng vở này xong, đạo diễn Đặng Nhật Minh sẽ dựng thành phim opera, một thể loại chưa từng có tại Việt Nam.

Ông có tin tưởng rằng, hai  dự án mới này  đều được phê duyệt?

Nguyễn Thiên Đạo mang “Chuyện của Pao” đến APEC? ảnh 2
Nguyễn Thiên Đạo trong vai trò nhạc trưởng

Hai dự án này của tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thông qua, ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao đồng ý và có công văn gửi tới Bộ Văn hóa Thông tin, Nhạc viện Hà Nội - đối tác của tôi cũng đã đồng ý và đề nghị chọn dự án của tôi là chương trình âm nhạc đặc biệt nhân APEC.

Một nhạc sỹ Việt kiều như tôi luôn có lòng thành và sự khiêm tốn. Nếu trong nước đồng ý thì tôi rất vui, mà nếu vì  lý do nào đó không duyệt thì tôi cũng không lấy thế làm buồn. Vấn đề là giúp cho nền âm nhạc Việt Nam có tiếng nói trên nhạc đàn thế giới. Cái đó là quan trọng nhất.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sự ưu ái của nhà nước VN đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài, đặc biệt đối với những người có đóng góp cho Tổ quốc đã gây xúc động cho tôi và cộng đồng.

Trở lại nhạc phim “Chuyện của Pao”, ông có thể cho biết ông đã viết bản nhạc này như thế nào?

Tôi và Ngô Quang Hải quen nhau  trước khi có kịch bản Chuyện của Pao. Chúng tôi đã bàn về dự án nhạc phim cho Chuyện của Pao trong vòng hai năm.

Quả thật, khi đọc kịch bản, tôi đã thấy hứng thú và nhận thấy Hải là một đạo diễn trẻ có chí, có cách làm nghệ thuật khác với những gì đã làm trước đây. Vì thế tôi nhận lời để có thể giúp người đạo diễn trẻ này.

Thường người ta viết nhạc khi phim đã hoàn thành, nhưng tôi thì ngược lại. Tôi viết nhạc cho bộ phim trước khi nó được khởi quay. Trong ba tháng liền, hầu như mỗi ngày chỉ ngủ hai tiếng để viết cho xong phần nhạc.

Sinh ra tại Hà Nội, nhưng lớn lên và sinh sống tại Pháp, làm thế nào ông  có cảm hứng cho nhạc phim về đề tài miền núi phía Bắc ở Việt Nam?

Một người nghệ sỹ sáng tác luôn hun đúc mảnh vườn cá nhân của mình. Có lẽ vì hoàn cảnh  tôi lúc nào cũng cô đơn, mặc dù có thể có nhiều người xung quanh  nhưng luôn cảm thấy mình cô đơn, tôi luôn tự dựng lên mảnh vườn cho mình. Tự do duy nhất là tự do nội tâm. Linh hồn tôi muốn ở đâu thì tôi ở đó. Tôi nói rất chân thật, tôi ít khi đi tham quan, chỉ thích nơi nào vắng vẻ như công viên Thống nhất...

Có ý kiến cho rằng, “Chuyện của Pao” đoạt giải Cánh diều vàng, thì có tới 50% là nhờ nhạc?

Theo đánh giá của nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh, nhạc phim Chuyện của Pao được coi là hay nhất của điện ảnh VN từ trước tới giờ, nhưng tôi cũng không mơ hồ về điều này vì còn có nhiều người tài giỏi hơn mình.

Ông có thể cho biết về thù lao ông nhận được từ nhạc phim "Chuyện của Pao"?

Hiện ở trong nước có 4 tác phẩm đặt hàng tôi, tôi không thích từ “đặt hàng” mà nên gọi là  “đặt” thôi. Mặc dù nhuận bút chỉ bằng 1/10 so với nhuận bút ở Tây Âu, nhưng tôi vẫn nhận. Ví dụ  1 bản giao hưởng viết cho 70 nhạc công,  tôi được trả 500 – 600 triệu ở Tây Âu. 80 tác phẩm của tôi thì có tới 60 tác phẩm được đặt. Có thể nói, tôi là một trong số ít những nhạc sỹ sống  được bằng âm nhạc, không phải  bận tâm vào những chuyện khác, hay nói cách khác tôi là một người nhạc sỹ... không chịu làm nghề khác mà dồn mọi tâm trí của mình vào sáng tác.

Xin chúc cho các dự án của nhạc sỹ thành công!

Lan Anh (thực hiện)

MỚI - NÓNG