Nhà sản xuất Paul Welsh: Chào bán phim đâu dễ

Nhà sản xuất Paul Welsh. Ảnh: H.Diệp
Nhà sản xuất Paul Welsh. Ảnh: H.Diệp
TP - Nhà sản xuất nổi tiếng người Scotland, Paul Welsh có hai ngày giảng dạy những người làm phim trẻ tại Hà Nội cách chào bán dự án phim. Anh chia sẻ hành trình vài trăm lần chào bán để có đủ tiền sản xuất một phim thành công.

Sau ngày làm việc căng thẳng, anh đánh giá những người làm phim trẻ ở Việt Nam ra sao?

Các bạn ấy hào hứng với nghề. Nửa ngày đầu còn rụt rè, nhưng tôi tin sau ngày làm việc này, họ có thể tự tin khi nói về dự án của mình. Đây là điểm mạnh của khóa học về chào bán phim, đem lại cảm giác tự tin không phải giả tạo mà xuất phát từ nội tại.
Những người trẻ làm phim, theo anh có nên thử sức ngay với phim truyện dài?

Tất nhiên ai cũng muốn xin tài trợ phim truyện dài, nhưng để như vậy cần có thâm niên nhất định. Nhà đầu tư muốn xem bạn từng làm những phim ngắn hay chưa, việc xin tài trợ sẽ khó hơn. Ở Anh cũng vậy, bạn hầu như không thể xin tài trợ, nếu đấy là dự án phim dài đầu tay, trừ khi bạn từng làm một loạt phim ngắn. Bạn bắt buộc phải là đạo diễn sân khấu, truyền hình hay phim ngắn thì mới có cơ hội.

Những người viết kịch bản lại hoàn toàn có thể xin kinh phí để phát triển kịch bản dài đầu tay. Kể cả viết kịch bản cũng như đạo diễn, nên hoàn thiện kỹ năng bằng cách thử sức với phim ngắn trước.

Nhiều nhà làm phim nước ngoài cũng nói như anh - để thành công hãy kể câu chuyện của chính bạn. Vì bộ phim mang tính địa phương ấy không khó tìm tiếng nói chung khi ra quốc tế?

Những giá trị nhân văn đều có giá trị toàn cầu. Một câu chuyện đặc sắc Việt Nam giúp đạo diễn đi xa hơn rất nhiều một câu chuyện mang tính toàn cầu. Phải sống ở trong bối cảnh này, hiểu được không gian sinh hoạt, môi trường văn hóa mới có thể kể câu chuyện độc đáo.

Tôi là nhà sản xuất cũng là đạo diễn, làm phim về chính câu chuyện của mình và nhận ra rằng, trải qua nhiều năm tìm kiếm, hòa mình vào cuộc sống mới có được kịch bản ra chất riêng. Và còn phải tìm cách chuyển tải nó một cách chất lượng nữa, đòi hỏi sự đầu tư lớn, nhấn vào tính độc đáo.

Phim của anh được chào bán ở các LHP quốc tế ra sao?

Phim Lore chẳng hạn, được chào bán ở Cannes, Berlin, Toronto và nhiều nơi khác. Ngân sách để sản xuất phim tổng hợp từ các nước Anh, Úc, Đức, Pháp. Tôi mất 6 năm chào hàng mới đủ tiền làm phim. Ban đầu chỉ là vài trang lời thoại, rồi thành kịch bản, rồi có đạo diễn có kịch bản, chuyển sang giai đoạn có cả đạo diễn, kịch bản và nhà sản xuất. Tôi nhớ là phải chào đến 200-300 lần. Có lẽ vì thế mà tôi trở thành chuyên gia (cười).

Đừng nghĩ chỉ Tây học mới tốt

Tham gia với tư cách khách mời trong hội thảo về chào bán phim tại Hà Nội chiều 26/9, đạo diễn của Đập cánh giữa không trung - Nguyễn Hoàng Điệp- nói: “Tôi nói thật, không bao giờ thành công được nếu có suy nghĩ chỉ Tây học mới tốt, đồng thời tôi cũng không thể làm được nếu chỉ học trong nước, chỉ làm những gì đồng đội đã làm. Bài học lớn nhất tôi rút ra, không phải là học được cái gì của ai, mà làm thế nào để dung hòa những điều được học từ rất nhiều nơi, biến nó thành của mình”.

Đập cánh giữa không trung theo đạo diễn, hiện vẫn đang “đập cánh” ở một nơi nào đó, còn khán giả Việt Nam phải chờ đến LHP Quốc tế Hà Nội tháng 11 tới.


MỚI - NÓNG