Nhà sáng chế Hai lúa và những cái đầu siêu việt nhất hành tinh

TP - Cách đây chưa lâu, tại thành phố Lindau (Cộng hòa liên bang Đức), 38 nhà khoa học đoạt giải Nobel về y học cùng 600 nhà khoa học trẻ từ 80 nước trên thế giới đã có một cuộc hội ngộ để trao đổi, tọa đàm, thuyết trình về những ý tưởng mới nhất trong lĩnh vực y học và y sinh học, một cuộc trao đổi bổ ích và lý thú. 
Nhà sáng chế Hai lúa và những cái đầu siêu việt nhất hành tinh ảnh 1

Các nhà khoa học trẻ trao đổi bên lề Hội nghị những người đoạt giải Nobel lần thứ 64 tại TP Lindau, Đức (Nobel Laureate Meeting) tháng 7/2014. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều tờ báo gọi đây là cuộc gặp của những bộ óc siêu việt nhất hành tinh, một sự kiện được cả thế giới quan tâm.

Điều đáng nói là trong số 600 nhà khoa học trẻ đến từ 80 nước trên thế giới được ban tổ chức mời gặp hôm đó không có nhà khoa học nào đến từ Việt Nam. 

Theo nhà báo Việt Hùng (đại diện báo Tiền Phong, người trực tiếp tham dự) thì các nước còn nghèo hơn ta, thậm chí chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa, sinh… như Việt Nam lại có đại biểu hiện diện ở đây. 

Campuchia ngay sát cạnh ta có một nhà khoa học trẻ được mời tham dự.

Các nước như Kenya, Algeria, Zimbabwe… mỗi nước đều có một người tham dự. 

Thậm chí một nước rất nghèo ở châu Á là Bangladesh có mặt tới ba nhà khoa học trẻ.

Cách đây hơn một thập kỷ đã có một cuộc thăm dò xu hướng lựa chọn nghề của thanh niên nước ta, nếu tôi nhớ không nhầm thì số thanh niên lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học chỉ có 2%. 

Tôi dám chắc nếu bây giờ có cuộc điều tra tương tự, số thanh niên muốn theo nghề nghiên cứu khoa học có lẽ tỷ lệ còn thấp hơn?!

Ở cạnh nhà tôi trước đây, có một tiến sỹ hạt nhân học ở Liên Xô về, cũng nổi tiếng học giỏi, được nhiều tạp chí của Liên Xô (cũ) thời đó viết bài ca ngợi. Ông về làm ở viện khoa học Việt Nam. Khi tôi hỏi vì sao các con ông không nối nghiệp ông, ông bảo “Nối nghiệp tôi thì vẫn nghèo như tôi, mà chúng không muốn nghèo…”.

Các con ông du học, rồi làm cho các công ty nước ngoài. Tôi hiểu điều ông nói. Hiểu và cảm nhận được vì sao nhiều thanh niên Việt Nam không muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học ngay ở trong nước mình.

Mấy hôm nay, câu chuyện đại tướng quân “hai lúa” Trần Quốc Hải xuất ngoại, chỉ trong thời gian bốn tháng đã chế tạo được 11 chiếc xe bọc thép cho Campuchia làm tốn không ít giấy mực của báo chí nước ta.
Theo thông tin từ nhiều tờ báo, ông Trần Quốc Hải cùng con trai Trần Quốc Thanh đã tìm được đất dụng võ, được cấp xe hơi, biệt thự hoành tráng.

“Ở đó người ta làm khoa học lạ lắm. Anh làm được gì thì làm. Không cần bằng cấp, giấy phép gì cả. Còn ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm? Nói thật, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm…”. Ông Trần Quốc Hải tâm sự như vậy trên tờ báo mạng.

Trả lời một tờ báo về hiện tượng đại tướng quân “hai lúa”, Bộ trưởng Khoa học & công nghệ Nguyễn Quân cho rằng “Nếu cơ chế cho phép hỗ trợ ở mức như chính phủ Campuchia thì chắc chắn người dân có thể chế tạo ngay trên quê hương mình…” .

Chẳng phải Việt Nam là nước có số tiến sỹ đông nhất Đông Nam Á hay sao? Với con số tiến sỹ trên 24.000 người, nhưng, theo thống kê của cơ quan sáng chế Hoa Kỳ (Uspto), Việt Nam có quá ít bằng sáng chế được quốc tế công nhận.

Trở lại cuộc gặp của những bộ óc siêu việt nhất hành tinh nói ở trên mà không có đại diện nào đến từ Việt Nam có khiến chúng ta suy nghĩ không? 

Tại cơ chế ư? Cơ chế đẻ ra con người hay con người tạo ra cơ chế?

Cơ chế tạo ra được số tiến sĩ ở nước ta đông nhất Đông Nam Á, nhưng lại không tạo ra điều kiện cho các nhà khoa học trẻ đến với những diễn đàn khoa học lớn trên thế giới, không tạo điều kiện cho những “đại tướng quân hai lúa” sáng tạo khoa học ngay trên đất nước mình?
Ấy nghĩa là cơ chế đang có vấn đề và đòi hỏi cần có sự thay đổi phù hợp?

MỚI - NÓNG