Nhà thơ “Búa máy”: Lại muốn “choảng” thói hư, tật xấu…

Nhà thơ “Búa máy”: Lại muốn “choảng” thói hư, tật xấu…
TP - Vắng mặt gần chục năm, sau khi xem truyền hình trực tiếp phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, phấn khởi vì tinh thần chống tham nhũng của Đảng, nhà thơ "Búa máy" lại sẵn sàng vào cuộc.
Nhà thơ “Búa máy”: Lại muốn “choảng” thói hư, tật xấu… ảnh 1
Nhà thơ “Búa máy” cắt tóc cho khách hàng

Nhà thơ “Búa máy” tên thật là Lại Ngọc Kim, năm nay 75 tuổi. Ông mê thơ ca, hội họa từ nhỏ. Năm 1951, ông Kim tham gia quân ngũ và làm thơ (chủ yếu là thơ tình) với bút danh “Sĩ Cương”.

Năm 1960 nhà thơ rời quân ngũ, công tác tại trạm gia công thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Lạng Sơn, dạy nghề gò hàn cho các xã viên HTX Đồng Tiến.

Ông sáng tác được khoảng một ngàn tác phẩm, trong đó chủ yếu là thơ. Năm 1982, ông được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn và có nhiều bài thơ tình nổi tiếng như: Lời con suối, Khối đá tình xưa… được báo Văn nghệ, tạp chí Xứ Lạng (Hội VHNT tỉnh) đăng tải.

Tập thơ Lời con suối của ông do Hội VHNT tỉnh xuất bản năm 1994 được giải B giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ… Thế nhưng bạn đọc ở miền biên ải xứ Lạng lại thuộc nhiều bài thơ “châm” của ông.

- Tôi lấy bút danh “Búa máy” từ năm 1986, cách đây 20 năm. Ngày ấy, không khí đổi mới hừng hực - Nhà thơ Lại Ngọc Kim nhớ lại và tâm sự - Có người còn hỏi tôi, tại sao lại không lấy bút danh là “Búa tạ”, “Búa tay” hay “Lò rèn”…Thế nhưng, tôi thích “Búa máy” bởi thời đại mới, công nghiệp hoá, “Búa máy” sẽ có độ nén mãnh liệt hơn, trọng lượng của sự phê bình hiệu quả hơn.

Trên 100 bài thơ “châm” liên tiếp được “Búa máy” cho ra đời, đăng trên báo Đảng Lạng Sơn, tạp chí của Hội VHNT tỉnh và cả báo Văn nghệ. Những bài thơ này châm biếm, đả kích những thói hư, tật xấu xảy ra trên quê hương xứ Lạng.

Nhiều bài có hiệu quả tức thì, như bài Ngã 6 đầm lầy in trên báo Lạng Sơn (năm 2000) thì chỉ một tuần sau, ngành giao thông vận tải của tỉnh sửa ngay con đường, không còn “ổ voi”, “ổ trâu” ở giữa phố phường Lạng Sơn nữa. Rồi bài thơ ổ gà hoá ổ voi chưa ráo mực in trên báo địa phương, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ thị ngay cho các ngành chức năng xem xét vấn đề…”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều  nông dân, công chức từ xa cũng tìm đến trình bày với nhà thơ những vấn đề bức xúc của phường, xã mình và đến để nghe thơ…trực tiếp chưa xuất bản của nhà thơ!

Thế nhưng, từ năm 1997 trở lại đây, bạn đọc ít thấy “Búa máy” xuất hiện. Có nhiều người hoài nghi, thắc mắc. Nhiều người đến tận nơi xem “Búa máy” còn sống không bởi đã bao phen nhà thơ bị đe dọa giết và cũng đã từng bị ném đá vào nhà.

Sốt ruột quá, ông Hoàng Tiến - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn (nay đã về nghỉ hưu) - đã in bài thơ trên báo Lạng Sơn lên tiếng, hỏi: “Búa máy đâu rồi, Búa máy ơi/ Phải chăng rèn mãi cũng chán rồi?/ Rèn chẳng thấy tan u, nọc độc/ Nó càng dầy kén kết thành tơ?!”. 

Nhà thơ Lại Ngọc Kim trăn trở, trả lời: “Búa máy tôi đây, Búa máy đây/ Im hơi lặng tiếng bấy lâu nay/ Trên đời bởi lẽ nhiều ngang trái/ Bất lực nên đành tạm bó tay !”. Sau đó nhà thơ ốm mất mấy ngày.

…Xem xong chương trình truyền hình trực tiếp phiên bế mạc và thấy được tinh thần Đại hội là kiên quyết chống tham nhũng, tạo bước chuyển biến mới, BCH Trung ương khoá X là những người gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đó…thì nhà thơ “Búa máy” vươn vai đứng dậy.

Ông đi ra ngoài và nói như cởi được tấm lòng mình bấy lâu nay: “Trên nghiêm túc, thẳng thắn, đổi mới, cương quyết bài trừ thói hư tật xấu thì “Búa máy” tôi được tiếp thêm sức mạnh. Tôi sẵn sàng vào cuộc và thẳng tay góp sức diệt trừ bọn quan tham, dẹp bớt những điều ngang tai, trái mắt mang lại cuộc sống an bình, lẽ công bằng trong nhân dân !”.

Nói rồi nhà thơ cất tiếng: “Búa máy tôi đây, Búa máy đây !”.

MỚI - NÓNG