Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn: Đã thôi 'Choàng vai ấm áp cuộc rong chơi'

Chân dung Nguyễn Bắc Sơn.
Chân dung Nguyễn Bắc Sơn.
TP - Nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước giải phóng vừa qua đời ở tuổi 72. Nhớ về ông là nhớ một giọng thơ đặc biệt, một số phận đặc biệt.

Vào tháng này năm trước, tôi và nhà thơ Mai Việt đến thăm nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (phường Đức Long, TP Phan Thiết). Anh yếu nhiều nhưng trò chuyện rất vui vẻ, rôm rả. Thấy tôi xách theo cái máy ảnh canon, anh cười hóm hỉnh bảo mấy anh em mình chụp ảnh kỷ niệm đi, sang năm hai thằng mày đến nhà tao không chụp ảnh chung nữa đâu. Tôi và Mai Việt lần lượt chụp ảnh với anh bên gốc cây, chậu hoa, trước phần mộ của ba anh.

Sáng 4/8, tôi đang ở Phan Rí thì các nhà thơ Phù Sa Lộc, Trịnh Bửu Hoài, Võ Chân Cửu… nhắn tin hỏi Nguyễn Bắc Sơn mất rồi hả. Lúc này tôi chưa biết tin. Sau, tôi nhắn cho các anh là thi sĩ của chúng đã mất thật rồi. Vì anh từng tự tử vài ba lần, có lần cắt cổ tay máu ra nhiều đến bất tỉnh trong bãi tha ma, có người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.

Nhà thơ tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1942 tại Phan Thiết, Bình Thuận khắc họa chân dung mình: “Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du/ Trôi qua tháng, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng/ Trôi từ chiếc nôi ru đến nấm mồ/ Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sóng/ Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ/ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa…”(bài Chân dung Nguyễn Bắc Sơn, trích trong tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi của Nguyễn Bắc Sơn, nhà xuất bản Đồng Dao, Sài Gòn, năm 1972). Dù từng là nhà tu, viết văn, làm thơ, dịch thuật các văn bản Anh ngữ, dạy võ, làm lính, làm du đãng…thì kẻ nhàn du Nguyễn Bắc Sơn vẫn là một người sống rất đạo đức và được bạn bè yêu mến, kính trọng.

Chuyện kẻ nhàn du Nguyễn Bắc Sơn rời nhà buổi sáng bằng xe đạp rồi đêm đến lếch thếch đi bộ về nhà không phải là chuyện lạ. Anh chỉ cười giải thích đang đạp xe tà tà thì nghe gọi tên cúng cơm, ngoái lại thấy bạn cũ tã hơn cái mền rách, bèn lôi nhau vào quán khề khà xị đế ôn chuyện cựu tân. Thời thế đổi thay, bạn khổ sở hơn mình thì sá gì chiếc xe đạp dù vào những năm bao cấp, chiếc xe đạp là niềm mơ ước của nhiều người lỡ vận. Hay có lần tình cờ gặp một người bạn cũ nay làm nghề bốc vác hàng hóa nặng nề mặc áo không lành lặn, anh biết cuộc sống của bạn khốn đốn nên cởi tặng bạn chiếc áo ấm mà con gái mới mua cho cha.

Cụ thân sinh Nguyễn Bắc Sơn là bộ đội chiến đấu qua hai cuộc chiến tranh, ông mất năm 1976 tại Hóc Môn (TPHCM) vì tai nạn giao thông, mang quân hàm trung tá. Phần mộ ông nằm trong khuôn viên nhà anh ở hiện nay, trước kia vốn là khu vườn nhỏ giữa làng chài. Ngày giỗ đầu của cha, anh biện một mâm đồ cúng sang thắp hương cho ngôi mộ không được chăm sóc của một người lính khác chiến tuyến với cha mình ở bên kia khu vườn. Có lần giáp Tết Nguyên đán, sau khi quét vôi mộ cha, anh cũng quét vôi cho ngôi mộ này. Có một người trẻ tuổi công tác ở phường hỏi sao chú làm thế? Anh chỉ cười.

Xong việc, tôi vội vàng về lại Phan Thiết. Chia tay Phan Rí, tôi nhớ một bài thơ vui mà anh long trọng đọc trong đêm thơ trước quần chúng ở đây vào năm nào. Bài thơ có nhan đề Đàn bà: “Đàn bà dễ sợ quá ta/ Nó kềm nó kẹp đời ta quá chừng/ Nó càng kẹp ta càng mừng/ Chỉ e nó kẹp nửa chừng… nó thả ra”. Anh vẫn thế, vẫn còn sống thì còn vui dù trong lửa đạn trước đây hay cách đây một năm, khi chúng tôi đến thăm, lúc sức khỏe anh đã cạn kiệt.

Lần này thì kẻ nhàn du Nguyễn Bắc Sơn đi xa thật hả ta? “Có khi nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ/ Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời/ Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn/ Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi” (bài Mai sau dù có bao giờ, trích tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi). Anh không “choàng vai ấm áp cuộc rong chơi” với bạn bè, anh em ở chốn này thì ở chốn khác vậy, anh nhé!

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.