Nhà văn dịu dàng và đa đoan

Nhà văn dịu dàng và đa đoan
TP - Nhà văn sinh ra để sống và yêu, và yêu để viết là như vậy. Không ai lấy tình yêu để mua cảm xúc sáng tạo. Nhưng những khoảnh khắc được là mình sẽ tiếp thêm sức mạnh để họ hiến dâng mình một lần nữa, sau khi hiến mình cho tình yêu, để những giọt máu chữ được sinh thành.
Nhà văn dịu dàng và đa đoan ảnh 1
Nhà văn Trần Thuy Mai trong buổi giao lưu trực tuyến với Tiền Phong Online

Và chị vẫn không ngừng nói với con gái: “Không bao giờ được nghĩ rằng trên đời này có một chỗ nương tựa tuyệt đối. Con không bao giờ được nương tựa vào ai ngoài chính bản thân mình.

Có thể đánh mất hết mọi thứ trong cuộc đời nhưng không thể đánh mất niềm tin vào bản thân. Người phụ nữ không cần người đàn ông khẳng định mình hộ mình, mà họ phải tự chứng nhận bản thân”.

Chị không phải người Huế “mệ”, nói đúng hơn, chị mới chỉ “Huế”… hai phần, bởi chị sinh ra ở trên đất Hội An, trong một bệnh viện nơi mẹ chị làm việc. Và sau đó, người vú em đã gắn bó với chị rất nhiều, theo chị cùng ra Huế cũng là một người Hội An.

Cái gì cũng nho nhỏ, nhè nhẹ tưởng như của Huế mà không phải Huế, vừa sâu lắng vừa mãnh liệt như đất và người xứ Quảng có chút gì gợi nhớ đến những trang văn lãng đãng sương trời xứ Huế của chị, cũng làm tôi nhớ đến dòng Hoài phố bình lặng mà dậy sóng của bao nhiêu năm vật đổi sao dời, hòa hợp, hội nhập rất nhiều dòng văn hóa để rồi biến đổi.

Vì vậy, đọc những trang văn của chị, đã lắm lúc nao lòng mà thốt lên câu thơ “cảm mượn” của nữ thi sĩ Nga Onga Bergon: Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi... Đó có lẽ cũng là cảm giác của không ít người với những tác phẩm – chân dung nhà văn nữ Trần Thùy Mai.

Chị Trần Thùy Mai có ba sở thích: uống cà phê, đi chùa và viết. Trong ba sở thích kia, viết là máu thịt của chị, là con người, cũng là cuộc sống của chị - cuộc sống xét cả về nghĩa mưu sinh lẫn khía cạnh tinh thần.

Tôi không hình dung được một người đàn bà dịu dàng và quyến rũ, khi ở trong căn phòng của mình, lặng lẽ pha cho mình một tách cà phê, ngắm cà phê nhỏ giọt – thú vui nhỏ nhẹ mới nghe tưởng chừng rất… “sến”, nhưng kì thực nó hợp và đúng với con người của chị, thì lúc ấy, suy nghĩ về những thăng trầm đã qua trong cuộc đời mình, chị sẽ có cảm giác như thế nào.

Với chị Mai, hình như, lúc nào cũng sẽ là một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản, cảm giác của một người đã được giải thoát, đã biết hóa giải mọi buồn vui của cuộc đời. Giọt cà phê kia có đắng đến mấy, nếu người uống đón nhận dư vị đắng nghét của nó bằng tâm thế tận hưởng, cũng sẽ cảm thấy vị đắng ấy thật đáng giá biết bao.

Tôi có nhiều kỷ niệm với chị Mai, ít ra, là “nhiều” so với bản thân tôi. Một buổi chiều cách đây chừng mươi năm, tôi còn trẻ, mới chập chững làm thơ và đang tràn trề, háo hức những câu thơ sinh viên vay mượn tình yêu, mỗi câu thơ đều có một dáng dấp của một nhà thơ nào đấy, chị Trần Thùy Mai, lúc ấy, là biên tập của Nhà xuất bản Thuận Hóa, đã nhận lời biên tập tập thơ của tôi.

Nhận lời với một điều rất lạ: không cần biết tác giả là ai, chỉ cần đọc qua thơ, với lời giới thiệu của một giảng viên văn và nhà thơ Hồ Thế Hà. Thế là đủ.

Rồi sau đó, khi đọc hết gần 50 bài thơ của tôi, trong lần trao giấy phép, chị Mai chỉ nói mỗi một câu: Chị đã đọc và không chỉnh, sửa bất kì câu thơ nào trong tập thơ này, mặc dù, chỉnh sửa có thể làm nó hoàn chỉnh và hay hơn, nhưng cứ để thế, để sau này nhìn lại, em sẽ thấy được chiếc bóng tâm hồn của mình trong một thời điểm... Đại ý lời nhận xét của chị là như vậy.

Đó là lần đầu tiên tôi biết chị, “biết” sau khi đã được đọc câu chuyện về một người phụ nữ mỗi năm lại tìm đến điểm hẹn gặp người yêu cũ, điểm hẹn nơi “Thị trấn hoa quỳ vàng” – một truyện ngắn ở thời kỳ đầu nhưng cũng đã “định hình” cho giọng văn của chị về sau.

Truyện kể tiếp, sau đêm người đàn ông và người đàn bà kia gặp gỡ, ái ân, hạnh phúc mỗi năm một lần như Ngưu Lang – Chức Nữ, nhàu nhĩ và đau lòng là khi người đàn bà thức dậy, chị sẽ chỉ còn lại với căn phòng trống. Và với hoang hoải dã quỳ vàng.

Về sau, mỗi khi đọc lại tập thơ hồn nhiên tuổi mười chín của mình, tôi đều nhớ đến truyện ngắn này của chị, nhớ lời chị nói. Mỗi lần là một cảm giác khác nhau. Nhưng không lúc nào tôi ngừng hỏi: Tại sao một người phụ nữ yêu thương cuộc đời và gửi hết yêu thương vào những nhân vật của mình, lại không được hạnh phúc?

Bao thời gian đã trôi qua. Suy nghĩ về hạnh phúc trong tôi đã có phần đổi thay, còn câu nói hôm nào của chị Mai thì tôi càng nghiệm càng đúng. Hình như, khi thốt lên câu nói ấy, không hề để ý đến khoảng cách tuổi tác, chị đã phần nào trang trải vào đó nỗi lòng mình.

Một người phụ nữ cầm bút san sẻ sự “đa đoan” với một kẻ cũng đang muốn dấn thân vào con đường trắc trở của nghiệp viết. Một người mãnh liệt sống và ném mình vào cuộc đời, nhưng không cay cú với sự “ném mình” đó như một kẻ đang cược mình vào canh bạc khát nước, hẳn đã ít nhiều thấy được trước sóng gió sẽ lại đến, với một kẻ đầu xanh.

Không biết ngẫu nhiên hay tình cờ, tôi đã từng vừa là sinh viên, vừa là giảng viên ở khoa Văn trường ĐH Sư phạm Huế, nơi chị Trần Thùy Mai có thời “lập nghiệp” với cương vị giảng viên Văn học dân gian. Khi tôi bước vào khoa Văn, chị Mai đã chuyển sang làm xuất bản.

Trong những câu chuyện với các thầy, các cô, những cuộc gặp mặt khoa, hội họp, mọi người vẫn không ngừng nhắc đến chị, những sóng gió lúc ấy vẫn đang thử thách chị. Một cuộc hôn nhân với người đàn ông cũng từng là đồng nghiệp của mình – người mà chị đã lựa chọn vì một sự gần gũi và mong nhờ sẽ được nương tựa, chia sẻ trong mỗi bước đi suốt cả cuộc đời.

Định mệnh hay là số phận trớ trêu? Người càng khao khát được yêu thương, gần gũi, càng sẽ bị chia cắt, càng phải nhận những đổ vỡ, chia ly chăng?

Chị Mai đã từng từ bỏ mối tình đầu của mình, sau khi người yêu được bổ nhiệm vào miền Nam công tác, bởi Huế và Sài Gòn những ngày đó không dễ bắc một chuyến bay, không dễ làm một chuyến tàu gặp nhau sau vài cú alô, điện thoại, sau những ngày tháng “kết nối” tình yêu qua viễn thông như bây giờ, để dệt một tổ ấm uyên ương.

Lần này, vừa làm đám cưới được hai tháng, người chồng, người đồng nghiệp đã nhận được giấy báo đi học miền Bắc. Rồi sau đó, đi học tại Liên Xô. Mười bốn năm đằng đẵng xa chồng. Tổng cộng thời gian anh về nhà cùng chị, có lẽ chưa quá hai năm.

Chị mong ước tìm được nơi nương tưạ, nhưng sự thật xảy ra ngược lại, thời gian và khoảng cách đã tách rời chị cùng người chồng của mình. Cùng với nó, ở thời điểm năm 2000, sau nhiều năm tích tụ làm ăn thất bại, chị hầu như hoàn toàn phá sản.

Phải gây dựng lại từ đầu trong khi các con đã lớn, nhu cầu đòi hỏi cuộc sống và học hành càng cao. Khi đó, chị chỉ có hai bàn tay trắng, một cây bút và những trang giấy. Chị buộc phải cày mình cùng cây bút và trang giấy, không còn gì khác.

Nhà văn dịu dàng và đa đoan ảnh 2
Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tiền Phong Online, Ảnh: Trần Nguyên Anh

Vậy mà từ khi bước vào địa hạt văn chương cho đến bây giờ, những cam go, biến cố hầu như vẫn không làm thay đổi con người và giọng văn của chị. Sự trong sáng và đam mê hòa trộn ở mỗi một trang viết.

Thất bại hay thành công trong tình yêu và trong cuộc sống theo nghĩa thông thường hình như chẳng ảnh hưởng đến chị là mấy, mặc dù, vì nó, cái gánh mưu sinh nặng trĩu, và sau đó là những ràng buộc và xét đoán nhân gian, với chị chắc chắn cũng không thể nhẹ nhàng như ta nghĩ.

Đã có thời chị Mai chọn “Hoa quỳ vàng” làm tên quán cà phê lửng lơ giữa lưng chừng dốc Phan Bội Châu xứ Huế. Quán mưu sinh của một nhà văn đã trở thành điểm hẹn tình yêu của những đôi lứa sinh viên các trường đại học.

Nhiều người cũng nói rằng, ở địa chỉ đó, chị Mai đã gặp một người đàn ông – ánh sáng trong mơ tưởng của đời mình. Mối tình ấy làm chị như hồi sinh một nhan sắc thanh tân quyến rũ, và hồi sinh tiếng hót của con chim oanh trên những trang sách buồn.

Có thể với chị sau này sẽ còn có nhiều mối tình sẽ qua, nhiều mối tình đã mất không để lại gì, hay sẽ chỉ còn lại những “tiếng” và “tăm” của một người nổi tiếng sống trong lòng Huế nhỏ bé, đến những câu chuyện cũng có thể mộng du từ giấc mơ người này qua giấc mơ người khác, dù là người đó nổi tiếng trên địa hạt văn chương – chốn chữ nghĩa mà những buôn bán dưa cà mắm muối không ai thèm để mắt.

Nhưng không hiểu sao tôi lại cũng tin rằng, mỗi một nỗi buồn, một tình yêu đi qua, dư âm để lại của nó chắc chắn sẽ lại hiện diện và sống mãi trong những ngôn từ, những câu văn, những khoảnh khắc chị đắm mình cùng cây viết.

Chị Mai bảo, tình yêu đối với chị bây giờ không còn nhất thiết phải nghĩ đến hôn nhân. Tại sao một tình yêu có kết quả tốt đẹp trong con mắt mọi người là phải nghĩ đến hôn nhân, phải nghĩ đến những ràng buộc có thể làm con người nặng nợ thêm?

Có thể tôi còn trẻ, chưa chắc đã đồng cảm được điều chị nói, nhưng chị tin, rồi đây, sẽ có nhiều người phụ nữ cũng nghĩ “thoáng” như chị. Tình yêu là một món quà mà Thượng đế ban cho, và mình có quyền mang nó cho người nào mà mình thấy thích, mình thấy cảm động, người nào mình cảm thấy có thể ném mình vào họ.

Tất nhiên là… chị sẽ không “tặng quà” một cách dễ dãi. Mặc dù, cho đến giờ, trong câu chuyện từ người này qua người khác, những câu chuyện mà chị không mấy để tâm, thì hình như, không ít người vẫn nghĩ rằng chị là hiện thân của sự bồng bột, đã bị “che mắt” bởi những gì mệnh danh vị thần bịt mắt và có đôi cánh của một thiên thần bé thơ.

Nếu có sự “mù quáng”, dễ run rẩy, dễ cảm động, dễ nhớ nhung một ai đó, chỉ cần người đó có lòng tốt, chỉ cần người đó mang đến cho mình một cảm giác không thể gọi tên, thì tôi rất đồng tình với sự “mù quáng” của chị.

Người cầm bút cần những “mù quáng” ấy, những cảm giác không tên, đôi khi chỉ là cảm giác run rẩy thầm kín trong lòng, cho những trang viết lên men. Sự chếnh choáng không phải vì mưu tính sẽ làm người ta sống đẹp hơn, và những con chữ chắc chắn cũng sẽ sáng lên, dẫu nó có viết về trắc trở và đau thương đi nữa.

May sao, sự đồng tình của tôi cũng được chị Mai củng cố. Không có những yêu thương, chị thành thật “khai”, có khi, chị đã không còn đủ tự tin để cầm bút đến bây giờ. Mưu sinh là một chuyện, nhưng để thấy thích những gì mình viết, lại là chuyện khác.

Vì vậy, chắc chắn một điều, chị sẽ còn “mù quáng”, không mưu toan, không đo đếm cảm xúc với bất kì người đàn ông nào cho đến tận cuối đời. Sao tôi cũng muốn được “mù quáng”, và lúc nào cũng sẵn sàng “mù quáng” giống chị mình vậy!

Cảm giác khi gặp một người phụ nữ đẹp, đa truân, dịu dàng, mãnh liệt  của bạn ra sao? Phụ nữ đẹp rất nhiều, nhưng người phụ nữ ám ảnh bạn đến mơ hồ, khi bạn lẫn lộn cả những hình dung về người đó thì lại hiếm. Điều hiếm hoi này sẽ hiện diện khi bạn gặp chị Trần Thùy Mai.

Mặc dù đồng tình với chị đấy, nhưng cũng lắm lúc trong cuộc đời buồn đau, mỗi khi vỡ ra một nỗi yêu thương, tôi vẫn là đứa em thầm lặng xót xa, bất lực nhìn chị mình đi tìm và đớn đau vì hạnh phúc.

Người ta bảo ông Trời mới thật là đa đoan, đa đoan hơn bất kì người đàn bà cầm bút nào khác, ai có năng lực nào, khát khao nào, ông Trời sẽ giao cho thử thách đó. Có phải ông Trời đã thử thách chị?

Những câu chuyện mà chị em tôi nói với nhau, về những người đàn ông, về tình yêu, hạnh phúc, là khi tôi đã rời xa Huế. Hay có lẽ, cũng nhờ sự rời xa ấy mà tôi đã lớn lên thêm một chút, đủ để chị dám nói thật nỗi lòng mình nhiều hơn. Huế quá nhỏ bé, dầu vậy, sự tương giao của con người không nhất thiết phụ thuộc vào khoảng cách hay hình thức...

Dostoyesky bảo rằng cái đẹp sẽ cứu rỗi cả thế giới. Đôi khi, tôi cảm thấy cái đẹp lại là một cụm từ quá trừu tượng và xa vời, ngoài sức tưởng tượng của mình, nó tựa như thời gian, cảm nhận được mà rất khó nắm bắt.

Con người liệu có thể thanh lọc bản thân và làm mình đẹp hơn, có những sáng tạo mới mẻ hơn hay không, điều ấy, vẫn sẽ được trả lời bằng một câu cũ xưa như trái đất: chỉ có thời gian mới có thể kiểm nghiệm. Sự tìm mình, tìm “cứu rỗi” chính tâm hồn mình trong văn chương của mỗi một nhà văn cũng được đo lường bằng đơn vị thời gian.

Với Trần Thùy Mai, điều đó càng đúng. Văn chương của chị, như một trái cây chín muộn, càng có thời gian, vị càng ngọt, hương càng nồng, màu sắc càng hấp dẫn, càng mang đến một dư vị riêng mà những cây bút cùng thời với chị không có được. Chị càng viết, càng hay. “Gừng càng già càng cay” có lẽ chính xác với nhận xét về con đường sáng tạo của nữ nhà văn ấy hơn cả.

Tuy thế, không mấy ai biết những trang truyện ngắn thành công mà người đọc khi đọc vẫn ngỡ chị đã dồn hết tâm sức vào đó, thật ra, chị “không khiêm tốn” nói thẳng là cũng chỉ mới được viết ở mức độ “cầm chừng”.

Một người bạn rất thân với chị, khi nghe tôi có ý định viết về Trần Thùy Mai, liền cười to: “Làm sao mà viết chân dung Mai được? Đó là một con người rất khó dựng chân dung. Vì có bao nhiêu nỗi lòng, bao nhiêu gương mặt trong một con người, Mai đã ném cả vào trang viết”...

Tâm sự với tôi, chị Mai bảo: “Sở dĩ mình chọn viết truyện ngắn suốt mấy năm qua, viết cả báo, cả truyện cổ tích nữa, là vì những thể loại ấy… mau có tiền, cho mình có nhuận bút để nuôi con trai”. Con trai chị đang học đại học ở Singapore, nhiều chi phí đều trông nhờ vào cây bút của chị.

Vì thế mà chị vẫn đang chuẩn bị tư liệu, chỉ trông chờ một năm nữa, khi con trai chị tốt nghiệp, sẽ “trọn vẹn” cho tiểu thuyết. Một tiểu thuyết lịch sử hay hiện đại?

Chị Mai cười “Mình kỵ nhất là nói trước. Cứ ra rồi hẵng hay chứ sợ nói trước mà viết không hay thì… Với lại, thông điệp mình gửi đến người đọc như thế nào mới là quan trọng, còn hình thức là cái đến sau. Khi viết, tự khắc nó sẽ xuất hiện”...

Văn tuôn trào tự lòng chị, cho dù chị cứ tếu táo tự nhận là viết vì kiếm tiền. “Gió thiên đường” của chị đã được dựng thành phim. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều truyện ngắn khác nữa của chị cũng được chuyển thể lên màn ảnh, và đạo diễn Vinh Sơn cũng đã “nhắm” “Trăng nơi đáy giếng” – một trong những truyện ngắn ấy. Những thước phim đầu tiên đã quay.

Những dàn diễn viên có thể sẽ diễn xuất thành công hơn chính những nhân vật mà một mình nhà văn đã có lúc gói ghém mình trong tất cả. Tuy nhiên, nhuận bút “bản quyền” mà nhà văn Trần Thùy Mai nhận từ mỗi bộ phim ấy cũng chỉ rất ít ỏi, được các hãng phim “trả cho vui”, đạo diễn muốn đưa bao nhiêu thì chị cầm bấy nhiêu không đòi hỏi, cho dù “Trăng nơi đáy giếng” hứa hẹn sẽ là bộ phim hay, được nhà sản xuất Pháp đầu tư hẳn hoi. Hỏi, chị lại thủ thỉ: “Thì mình có làm gì đâu, mình chỉ có mỗi cái truyện ngắn. Từ truyện tới phim đều là công lao của họ cả”…

Năm 2006 đi qua, một năm chị Mai cho là mình chẳng viết được gì tâm đắc. Nhưng Tết con lợn vừa tới, chị đã tíu tít có mặt trên các báo một số bài Tết.

Viết theo sự “đặt hàng” của báo, chỉ là những truyện ngắn tưởng đọc trong một dịp lễ lạt, rồi quên, với nhuận bút cũng mang tính “lễ lạt” nên có thể cao hơn bình thường một chút, nhưng tôi vẫn nghĩ để có được mấy cái truyện ngắn tíu tít phút chốc ấy, chị đã “đầu tư” gần hết cả đời mình. Thế mà vẫn nhẹ nhàng cười qua điện thoại “vẫn chỉ là góp vui thôi”.

Và 2007 đã đi được một chặng, Trần Thùy Mai vẫn trong sáng và lạc quan không khác gì nhiều nhà văn vừa mới cầm bút khác, khấp khởi hy vọng mới, với những điều kiện mới, hy vọng sẽ được viết cái gì khác nữa, bất chấp mọi ưu tư của thời gian, thế cuộc, những thử thách văn chương và sóng gió cuộc đời hằng nếm trải.

Mọi chuyện chị nói nghe nhẹ thênh. Nhẹ thênh mà nặng trĩu nỗi lòng của một con người đã dám thích một điều gì thì sẵn sàng từ bỏ tất cả, tựa như chị tự ném mình xuống sông, để buộc mình phải bơi và bắt buộc sẽ phải nổi lên. Qua được bờ bên kia hay đứng lại bên này, có lẽ cũng không còn là điều quan trọng.

Trong mười tập truyện ngắn đã xuất bản của chị Mai, không hiểu sao, truyện ngắn “Thương nhớ hoàng lan” khá ám ảnh tôi. Mỗi câu văn trong truyện đều làm tôi có cảm giác nó được viết với cả trời sương xứ Huế đã ám vào nhà văn, vào con người đã ướp mình trong vang vang tứ phía tiếng chuông chùa quanh đàn Nam Giao.

Tiếng chuông ấy chỉ dóng qua đời một thanh âm. Ai vui, nhận đó làm niềm vui khi nghĩ về tình đời, tình người, hay cảm nhận về xứ Huế. Ai buồn, nhận đó như một ánh mắt mong manh tối sáng thỉnh cầu từ tà áo choàng lam về ngang Từ Đàm, Thiên Mụ.

Truyện ngắn viết về mối tình của một nhà sư và một cô gái. Sự mê đắm, lí trí và vô vọng làm người đọc thảng thốt về người viết ra nó - một người phụ nữ rất hay đi chùa. Bạn đừng vội nhầm tưởng chị đi chùa để cầu vọng hay tìm sự thanh thản cho bản thân. Chị đi chùa để chơi. Chùa Châu Lâm, chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đi để… đi. Đi để thấy. Và đi để… một mình.

Cảnh làm tâm tĩnh hay động. Tiếng kinh kệ làm cõi lòng thoát tục hay càng hướng về cõi nhân gian. Những điều đó chị không mấy quan tâm. Chị đi chùa như… đi uống cà phê, thích những nội thất mỗi quán một kiểu, thích những giai điệu, những ca từ mỗi quán một phách.

Đi chùa cũng như đi… trò chuyện với bạn gái. Bởi chị có khá nhiều bạn gái. Cả nhiều bạn trai. Cả những người bạn ở phương trời xa. Với bạn gần thì rủ rỉ tâm tình và… giải quyết thắc mắc dùm cho họ, trong khi, những vật vã  đời sống tình cảm riêng, thì không có ai để giải quyết dùm cho chị.

Với bạn xa, chị lại đóng vai trò… hướng dẫn viên du lịch tận tình. Mỗi cuộc đời, mỗi cảnh vật, mỗi chuyến đi đều cho chị cảm xúc và chất liệu để suy ngẫm, để viết.

Trong nhà chị có treo hai bức thư pháp. Một, chữ “Tâm” do thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh ở chùa Huyền Không Sơn Thượng phóng bút. Chữ “Tâm”, cùng với chữ “Nhẫn”, thì ở những ngôi nhà Việt Nam và nhà ở xứ Huế hầu như đều có treo, không gì lạ.

Còn một bức thư pháp chữ Hán, ai đến cũng thấy lạ, và đều thích, là của thầy Phước Thành ở chùa Châu Lâm cho chữ: “Bất tục tức tiên cốt – Đa tình thị Phật tâm”. Đây là hai câu thơ của sư thầy Giác Tiên, vị tổ khai sơn chùa Trúc Lâm.

Lời Phật cao siêu, bức thư pháp không phải treo để ám thị, giáo lý, mà chị Mai treo để… muốn có mình trong đó. Muốn được… “như thị” (hiểu được sự thật như nó vốn có – cách nói của Phật giáo). Như thị thì phải cố gắng, phải sống hết mình, không phải bằng đọc kinh niệm Phật, mà bằng chính cách “thõng tay” vào đời sống của mình.

Mà nếu thế, thì tôi đã thấy chị “như thị” lâu rồi. Chị đang được làm những gì chị thích. Kể cả công việc kiếm sống, mưu sinh. Bởi bây giờ con trai chị sắp tốt nghiệp. Con gái lớn đã dạy học ở TP Hồ Chí Minh, tại trường Đại học Nông Lâm. Chị vẫn trò chuyện với các con qua email, điện thoại mỗi ngày...

Chị Mai đã tự chứng nhận bản thân bằng một lối sống tưởng khép kín nhưng rất rộng mở, tưởng yếu mềm mà lại mãnh liệt? Hay bằng những trang viết và mỗi ngày sống không để uổng phí và “phụ bạc” những sở thích bản thân. Dường như chị rất yêu mình.

Và nhờ yêu mình mà không cảm thấy cô đơn. Không cô đơn không chỉ vì bên chị có con trai, con gái, còn vì chị luôn nói cám ơn với tất cả mọi người, những người đã yêu thương và cho chị được yêu thương, kể cả những người đã cho chị nếm trải sự đớn đau của yêu thương.

Không cô đơn, vì có thể lúc này, trong lòng chị còn đang nhen nhóm, đang ấm dần lên một ngọn lửa, một bờ vai để dẫu chị là người không cần nương tựa, nhưng lại vẫn luôn khao khát được ngả đầu mình vào một vòng tay mạnh mẽ.

Ngọn lửa có thể hôm nay có, mai mất đi, làm sao nói trước được, không có gì là mãi mãi, chị Mai nghĩ thế, nhưng ít nhất, nó cũng cho chị thấy cuộc sống luôn còn những điều mới mẻ để chị không bao giờ phải băn khoăn, tiếc nuối.

Và như vậy, đến lượt tôi thấy sự băn khoăn của mình là thừa. Chị là người đàn bà hạnh phúc, hạnh phúc khi chị thuộc “nòi đa tình”, cũng là khi chị mang “Phật tâm” – “đa tình thị Phật tâm” ở trong cõi riêng mình.

Cà phê “Hoa quỳ vàng” giờ đã sang tên. Những địa chỉ ở Huế như “dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”(thơ Bùi Giáng) thì vẫn vậy, chỉ con người là đổi. Chị Mai khép mình trong khuôn viên một khu tập thể, như một người giáo viên khiêm nhường cùng câu chữ của bản thân, với giàn hoa tím sáng tưng bừng nở rộ, chiều lặng lẽ úa tàn.

Giàn hoa tím ấy, có thể giờ chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng của tôi, nhưng không hiểu sao nghĩ đến chị Mai, tôi lại như hình dung thấy nó vẫn còn đó... Những cánh hoa mỏng manh chỉ tồn tại với đời sống một ngày.

Còn đời sống thực thì vẫn đi về ngay trong căn phòng hẹp, bằng cái đẹp bộn bề, lẻ loi, cái đẹp hạnh phúc hay bất hạnh của chính nó, bằng những trang văn mà người đàn bà khi sinh ra như đã bị lời nguyền phải suốt đời “ném mình xuống sông” ấy chắt ra, khiến người đọc sẽ còn phải day dứt, đau xót, phải nuối tiếc không yên...  

 3/2007

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).