Nhà văn Mỹ Jonathan Littell đã trở thành công dân Pháp

Nhà văn Mỹ Jonathan Littell đã trở thành công dân Pháp
TP - Jonathan Littell sinh ngày 10 tháng mười 1967 ở New York. Cha anh là một phóng viên tin cậy của tờ Newsweek và một tác giả trinh thám lừng danh.
Nhà văn Mỹ Jonathan Littell đã trở thành công dân Pháp ảnh 1
Jonathan Littell

Ba tuổi, anh theo cha mẹ đến sống ở vùng Cannes của Pháp. Anh qua tuổi thơ ở đây. Sau đó, anh học cấp một và cấp hai ở trường Fenelon, Paris. Anh tốt nghiệp phổ thông trung học ở trường này năm 1985.

Năm sau, anh quay về Mỹ, tiếp tục học ở Đại học tổng hợp Yale. Năm 1990, anh nhận bằng tốt nghiệp Nghệ thuật và Văn học. Mấy năm tiếp theo, anh trải qua vài việc không hứng thú gì.

Từ 1991, anh bắt đầu tham gia công tác từ thiện rồi chuyển hẳn sang làm việc cho tổ chức chống đói nghèo của Liên Hiệp Quốc. Do đó, anh đã đến nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là châu Âu, châu  Á và châu Phi. Ước nguyện viết văn vẫn âm ỉ suốt từ những năm ngồi trên ghế nhà trường.

Các tác giả lớn cổ điển và hiện đại của Pháp và của toàn thế giới được dịch sang tiếng Pháp là nguồn vô tận cho anh về kiến thức văn chương, cảm nhận đời sống và phương pháp sáng tác.

Tiếng Pháp và đất nước Pháp vì vậy thật thân thiết với anh. Khi quyết định viết Những nữ thần nhân hậu (Les Bienveillantes), anh đã chọn tiếng Pháp chứ không phải tiếng Anh.

Một phần, tiếng Pháp là con đường ngắn nhất và rộng mở nhất để nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, đến được với công chúng toàn cầu. Phần khác, ân nghĩa của xứ sở gắn bó sâu đậm với tuổi thơ và tuổi trẻ của anh đã khiến Jonathan Littell xin nhập quốc tịch Pháp đầu năm 2006.

Bộ Nội vụ Pháp từ chối ngay tháng hai cùng năm. Ấy là căn cứ vào luật định: người nước ngoài muốn được là công dân Pháp phải sống tại Pháp hơn sáu tháng mỗi năm và phải có nguồn thu nhập chính ở nước này.

Do tình yêu đối với nước Pháp, tình yêu trợ lực cho anh rất nhiều trong quá trình sáng tạo bộ Những nữ thần nhân hậu, anh lại đệ đơn lần nữa. Và tháng năm năm ấy, Bộ Nội vụ Pháp lại lắc đầu. Rất bị sốc, Jonathan Littell vẫn nén mình hoàn thành tiểu thuyết nói trên và thông qua một người đại diện có tài, đã công bố được nó vào cuối tháng tám năm ngoái.

Những nữ thần nhân hậu lập tức trở thành một hiện tượng văn học vô tiền khoáng hậu. Nó không cần bất kỳ chiêu thức quảng cáo nào, đặc biệt là truyền hình. Thế nhưng nó vẫn được giới phê bình và công chúng vồ vập đón nhận, tiêu thụ tăng vòn vọt.

Tháng mười 2006, nó được tặng giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp. Ngày 6 tháng mười một, nó đoạt Goncourt, giải thưởng văn chương Pháp được mơ ước nhất. Hiếm tiểu thuyết nào được Goncourt “tôn lên làm vua” ngay từ vòng bầu đầu với số phiếu áp đảo (7/10).

Hai trên 5 cuốn vào chung kết còn không được phiếu nào. Bấy giờ, nó đã bán được 350.000 bản. Cuối 2006, con số đó đã là gần 600.000. Hiện tại, suýt soát 700.000. Chưa tác phẩm văn chương Pháp nào chinh phục độc giả vũ bão đến vậy.

Tất cả các nước châu Âu rồi Hoa kỳ và Israel đang chuyển ngữ và sẽ xuất bản nó trong năm nay. Ngoạn mục hơn, nó được hâm mộ không phải nhờ bạo lực, tình dục hay những chi tiết giật gân rẻ tiền.

Nó được ghi nhận là một tác phẩm cổ điển đích thực. Thậm chí , có nhân vật như nhà văn viện sỹ hàn lâm Goncourt Jorge Sumprun còn khẳng định nó là cuốn sách hay nhất của nửa đầu thế kỷ này.

Thành công phi thường đó chấn động sâu xa dư luận không chỉ ở Pháp. Cuối tháng chín năm qua, khi Những nữ thần nhân hậu còn chưa được giải thưởng nào, tác giả của nó đã được đích thân thủ tướng Pháp Dominique de Villepin với tư cách bạn đọc mời đến gặp riêng.

Thủ Tướng có nói rằng nước Pháp sẽ hạnh phúc nếu anh gia nhập cộng đồng dân tộc ông. Tổng lãnh sự Pháp ở Barcelona, Tây Ban Nha, nơi Jonathan Littell cư trú cùng vợ con, đã thông báo cho anh rằng Paris sẵn sàng tiếp nhận anh làm công dân của mình, một khi anh ngỏ lời.

Sau hai lần bị “đuổi khéo”, anh không thấy bị xúc phạm mà chỉ chạnh lòng về thói cửa quyền của một bộ phận  công chức Pháp. Bận nhiều việc khác, anh chưa cân nhắc xem có nên xin quốc tịch Pháp lần thứ ba theo lời mời kia không.

Đùng một cái, ngày 8 tháng ba vừa rồi, tờ Công báo của Pháp đưa ra sắc lệnh rằng từ nay Nhà nước Pháp công nhận Jonathan Littell là công dân của nước Cộng hoà.

Hoá ra, người khởi xướng “quá trình gian khổ” đang nói là chánh văn phòng Thủ tướng Pháp Bruno Lemaire, cựu sinh viên Đại học Sư phạm, thạc sỹ văn chương, nhà văn. Bruno đề nghị nhập quốc tịch Pháp cho bất kỳ người nào thành thạo tiếng Pháp và yêu nước Pháp thật lòng.

Anh kiên trì vận động những người có trách nhiệm ở Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao. Một nhóm cán bộ ngoại giao, nể tình Bruno Lemaire và bị Phủ thủ tướng thôi thúc, đã lục lại bộ Luật quốc tịch và mày mò tìm ra điều “21-21” bị lãng quên.

Điều này ghi: Quốc tịch Pháp có thể được cấp theo đề nghị của Bộ ngoại giao cho bất cứ người nào biết tiếng Pháp, nếu người đó đề nghị và có hoạt động xuất sắc làm rạng danh thêm nước Pháp trên trường quốc tế và làm phong phú thêm các quan hệ kinh tế đối ngoại của nước này”.

Mỗi năm, khoảng 300 người ngoại quốc trong đó chừng 10 người thuộc cộng đồng Pháp ngữ được nhận quốc tịch Pháp qua trung gian Bộ Ngoại giao nước CH. Jonathan Littell rất phấn khởi. Anh cho biết anh vẫn giữ quốc tịch Mỹ.

Và anh tiết lộ: Anh muốn làm người Pháp, một lý do không thể bỏ qua là ở một số địa điểm anh đến làm công tác nhân đạo, người ta không mặn mà với người Mỹ. Anh thuộc số rất ít các nhà văn khi đã tha hồ “hốt bạc” không chọn Ai len hay Thụy sĩ làm nơi định cư cuối cùng, để đỡ phải nộp thuế cao...

Đinh Thủy Hương
Tổng hợp

MỚI - NÓNG