Nhà văn trinh thám Di Li kể chuyện đàn ông – phụ nữ

TPO - Không viết về chuyện yêu đương lãng mạn, không “chửi” đàn ông hay khóc thương phận phụ nữ, nữ nhà văn Di Li đã thể hiện một cái nhìn rất khách quan, công bằng và bình đẳng về cả hai giới: phụ nữ rất “ngon lành” và đàn ông thì cũng không quá tệ.  

Là một nữ nhà văn chuyên viết truyện trinh thám kinh dị, nhiều người hẳn biết đến Di Li với những trang sách đầy ma mị và lôi cuốn trong “Trại hoa đỏ” hay “Chiếc gương đồng”.

Giờ đây, sự lôi cuốn của ngòi bút nữ văn sĩ sắc sảo Di Li lại một lần nữa thu hút độc giả vào một “cuộc đối đầu” khác. Đó không phải là cuộc đối đầu giữa người và quỷ, giữa thiện và ác, mà là cuộc đối đầu muôn thuở giữa… đàn ông với phụ nữ trong “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”.

“Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” là 24 câu chuyện hài hước, ghi lại những siêu tưởng của phụ nữ về đàn ông và của đàn ông về phụ nữ như: “Đàn ông mới là khổ”, “Khi nào phụ nữ bớt hi sinh”, “Làm bạn với đàn bà”, “Đàn ông trước sau cũng được tha thứ”, "Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt"…

Nhà văn trinh thám Di Li kể chuyện đàn ông – phụ nữ ảnh 1

Cuốn "Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt"

Không viết về những câu chuyện yêu đương lãng mạn, không “chửi” đàn ông và khóc thương phụ nữ, cũng không viết những chuyện “không dành cho đàn bà” hay “cấm đàn ông đọc”, những trang viết của Di Li trong “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” thế hiện cái nhìn công bằng về cả hai giới, là sự lật ngược hoàn toàn vấn đề đối với những quan niệm thường thấy trước nay của số đông, ví dụ như quan niệm đàn ông là sung sướng, sinh con trai mới quý hay phụ nữ sinh ra để chịu hi sinh…

 

Đơn cử như chuyện làm đàn ông không sướng, Di Li viết: “Chưa từng thấy trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật kẻ nam giới nào bày mưu tính tế, ôm hận cả đời chỉ để… trả thù chính người tình. […] Đàn ông bị đối xử tàn tệ đến cỡ nào, cũng không bao giờ được trả thù đàn bà. Ấy là luật bất thành văn, nếu không thế, anh sẽ trở thành đồ đàn bà.” (trích “Đàn bà bao giờ cũng đúng”)

Hay như chuyện đàn bà phải chịu hi sinh, Di Li tỏ ra băn khoăn: liệu sự hi sinh có phải là vẻ đẹp khiến cho người chồng yêu vợ hơn? Bởi cô nghĩ “khi họ (đàn ông – PV) liệt kê những đặc tính của người phụ nữ lý tưởng mà họ ngưỡng mộ và mơ ước thì đức hi sinh không được bao gồm, hoặc bị xếp xuống hàng dưới. Tôi không biết có bao nhiêu người đàn ông ôm ấp giấc mộng được yêu một người đàn bà như chị Dậu, như cô Tấm”. (trích “Khi nào phụ nữ bớt hi sinh”)

Nhà văn trinh thám Di Li kể chuyện đàn ông – phụ nữ ảnh 2 Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, nhà văn Di Li, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (từ trái sang) tại lễ ra mắt cuốn "Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt" chiều 6/7.
Nhận xét về cuốn sách, chuyên viên tư vấn tâm lý, tình cảm nổi tiếng Đinh Đoàn nói: “Qua những trang văn của “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”, người đọc có thể thấy tác giả xây dựng hình tượng phụ nữ rất “ngon lành” và đàn ông cũng không quá tệ. Do đó, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng có thể đọc cuốn sách này.”  

Với giọng văn hài hước, hóm hỉnh, tác giả như trò chuyện, chia sẻ những khúc mắc trong đời sống hàng ngày của cả đàn ông lẫn phụ nữ, giúp họ thêm thấu hiểu nửa thế giới còn lại để cùng nhau sống hòa thuận và bước tiếp trên con đường hạnh phúc.

Nhà văn trinh thám Di Li kể chuyện đàn ông – phụ nữ ảnh 3 Đây không phải là cuốn sách chỉ dành cho phụ nữ mà cả đàn ông cũng có thể đọc và cảm thấy yêu thích.
Nhà văn Di Li chia sẻ: “Trong sự thất bại về tình yêu và hôn nhân, lý do duy nhất là người ta không thể hiểu được chính bản thân mình và người khác. Tôi chỉ lý giải điều này bằng những câu chuyện vui, nhưng dấu chấm kết của mỗi câu chuyện thường đem lại cho tôi một nụ cười buồn”.
MỚI - NÓNG