Trước thềm đại hội đại biểu nhà văn toàn quốc lần thứ  VII

Nhà văn và Hội

Nhà văn và Hội
Căn cứ vào mối quan hệ giữa hội viên và Hội thì theo tôi, các nhà văn ở ta có thể tạm thời chia ra mấy loại

Có những người phấn đấu (hay tìm mọi cách) để vào Hội, vào được rồi thì… “ngủ” luôn. Ngủ ở đây là ngủ viết, ngủ sáng tác, chứ ý thức về mình vẫn luôn luôn thường trực. ý thức rất cao. Trước con mắt vợ con, bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan, mình đã thành người khác, ở một đẳng cấp khác.

Cũng là đọc thơ cho bạn nghe, nhưng cái giọng đọc hôm nay nghe đã khác hôm qua. Đi đâu chỉ cần mang theo giấy chứng minh nhân dân, nhưng vẫn thủ thêm thẻ nhà văn để những dịp không cần cũng mau mắn xuất trình: thuê phòng ngủ, phạm luật giao thông bị công an tuýt còi…

Một lần đến chơi với một nhà thơ trẻ khá nổi tiếng, tôi thấy tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của ông được trưng rất trang trọng bên trong cửa kính tủ ly. Cả buổi ngồi nói chuyện với nhau, tấm thẻ giống như thứ bùa phép thiêng liêng, cứ ám ở trong đầu.

Các nhà văn trung ương đến tỉnh lẻ thì phải biết! Thể nào cũng có màn gợi ý cho Hội văn nghệ địa phương tổ chức giao lưu gặp gỡ. Đàn em đệ tử bia rượu ríu rít quây quần. Cùng là dân làm thơ viết văn với nhau, anh nào ở địa phương thấy bác ấy đến mà không ra chào, rất dễ bị vu cho cái tội kiêu căng, hỗn!

Lại có những người hy vọng, trông đợi quá nhiều ở Hội, thậm chí cả ở trên Hội. Tâm lý này làm nảy sinh những đòi hỏi lắm lúc vượt quá tầm của các vị trong ban chấp hành.

Kết quả: một bên luôn luôn bức xúc vì những yêu cầu “chính đáng” không được đáp ứng, còn bên kia lại chịu một áp lực vô lý đè nặng lên mình. Trời sinh ra nhà văn trước hết là để viết văn. Viết không xong thì phải chuyển sang cày ruộng, nuôi heo hay bán phở…

Tôi chẳng tin Hội có thể giúp cho ai viết văn hay. Tôi lại biết Hội sinh ra và tồn tại với những điều kiện nhất định. Có những thứ có thể thay đổi, nhưng cũng có những thứ đổi đi thì Hội chẳng còn.

Biết, để chấp nhận thì “chơi”, không chấp nhận thì… đi chơi chỗ khác! Tự nhiên thế mà sao nhiều vị cứ khó đăm đăm? Không vui, không vừa ý mình lại quay ra vật mình vật mẩy, đơn từ kiến nghị rặt một giọng đay nghiến chì chiết. Hoá ra các vị đâu có ghét, đâu có ý định tẩy chay Hội? Cần quá, mặn nồng quá đâm ra mất vui đấy thôi.

May mà còn những người khác vào Hội để vui (không phải ham vui). Cùng làm một nghề, giờ có điều kiện gặp gỡ quen biết nhau, lại thêm yêu quý nhau hơn. Gần thì đến cụng ly rượu lúc vui lúc buồn. Xa thì thỉnh thoảng gửi tặng nhau cuốn sách.

Sách của bạn cuốn đọc ngay cuốn chưa kịp đọc. Chưa đọc cũng cứ để trên bàn. Vợ con, bạn bè vớ được, tò mò giở ra xem. Ô này, bác ấy (hay cô ấy) nổi tiếng thế, viết được cuốn sách dày như thế mà là bạn của bố, của ông đấy à? Thế là được thơm lây... Cùng hội cùng thuyền với nhau, những niềm vui nho nhỏ, ấm áp như thế đâu có thiếu?

Trong số các nhà văn này, tôi biết có những người khi không thích nữa, sẵn sàng tuyên bố ra khỏi Hội. Và có cả những người sẽ lặng lẽ bỏ đi mà không cần tuyên bố gì. Tôi thật lòng kính trọng, yêu mến những nhân cách giản dị, tự nhiên như thế. Còn yêu Hội, còn thích đi dự đại hội Nhà văn toàn quốc, là vì  trong Hội còn có những người như họ.

Trước Đại hội nhà văn lần thứ 7 (2005)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.