Nhạc sĩ Thế Hiển và lời dặn của cha

Nhạc sĩ Thế Hiển và lời dặn của cha
TP - Quen Thế Hiển khá lâu nhưng gần đây tôi mới biết anh mồ côi cha khá sớm và chính lời dặn dò của cha đã làm thay đổi cuộc đời anh.

Nhạc sĩ Thế Hiển không phải người lính nhưng suốt đời gắn bó với chiếc ba lô bộ đội và cây đàn ghi ta, tới nay anh đã viết gần 90 bài hát về lực lượng vũ trang. Mấy năm nay, nhạc sĩ Thế Hiển để lại ấn tượng mạnh với khán thính giả trẻ với nhiều sáng tác hay về Trường Sa…

Bức thư của người cha

Nhạc sĩ Thế Hiển quê gốc Bắc nhưng sinh năm 1955 ở Sài Gòn. Do hoàn cảnh đất nước chia cắt, trong gia đình ông nội sinh 3 anh em thì một người làm thương gia, bố Thế Hiển là thiếu tá chế độ cũ, còn một người nữa lại làm kinh tài cho cách mạng. “Họ đều biết nhau làm gì”. Là sĩ quan cấp tá, nhưng bố của nhạc sĩ Thế Hiển đã “từ quan” chế độ Việt Nam cộng hòa từ năm 1974 khi ông mới 52 tuổi và về nhà mua trống đàn cho con tham gia phong trào tiếng hát sinh viên trong nội thành, một phong trào được sự hỗ trợ của Thành Đoàn. Thời kỳ ấy, có người nhà bên Úc mời gia đình qua định cư, song ông cụ từ chối và chỉ mong muốn “lúc già qua đời thì được chết trên đất Bắc cố hương”. Sau ngày 30/4/1975, ông đi học tập ở miền Bắc và qua đời vì sốt rét. Thế Hiển khi đó mới ngoài 20 tuổi đã ra Bắc để đưa hài cốt của cha vào Nam.

Nhạc sĩ Thế Hiển kể: “Cha tôi đi học tập cải tạo, lúc ấy mọi người cũng hoang mang lắm. Nhưng cha viết thư gửi cho tôi, nói rõ rằng: “Đất nước thống nhất là một điều quý, hãy sống làm sao cống hiến nhiều cho Tổ quốc”. Thư bố từ trong trại học tập gửi về đã động viên chàng trai 20 tuổi rất nhiều. Sau khi bố mất trong trại, Thế Hiển cũng nhận được giấy phục hồi quyền công dân của bố, nhờ những thiện cảm và công việc tốt mà ông dành cho cách mạng.

Nghe lời cha, năm 1976, Thế Hiển đã đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Bông Sen, là một trong ba đoàn nhà nước được thành lập tại TPHCM lúc ấy (còn lại là các đoàn tư nhân hoạt động từ trước 1975).

Nhạc sĩ tâm sự: “Tôi rất tự hào được các nghệ sĩ cách mạng ngoài Bắc nổi tiếng vào giảng dạy đào tạo để thành ca sĩ hát chính của đoàn, đó là Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Trì, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ An”.

Nhiệm vụ của các nghệ sĩ trẻ là đem âm nhạc cách mạng đến với khán giả Sài Gòn vốn lâu nay vẫn quen với nhạc vàng, nhạc Mỹ, nhạc Pháp. Công việc hoàn toàn không đơn giản, vì người Sài Gòn cũng có “gu” nghe nhạc riêng. Chính bởi vậy, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương là giọng nam cao nổi tiếng, đã ra sức kèm cặp ca sĩ trẻ Thế Hiển với chất giọng nam trung sâu lắng, gần gũi với người nghe, đi vào lòng người, rất hợp với thị hiếu âm nhạc của người Sài Gòn. “Thầy Quốc Hương đã truyền cho tôi ngọn lửa chúng ta phải sống thế nào, hát như thế nào để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước tốt nhất” – Nhạc sĩ Thế Hiển nhớ lại về người thầy như thể người cha thứ hai của mình vậy.

Nhạc sĩ Thế Hiển và lời dặn của cha ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

“Hát về anh”

Tiếng là đất nước hòa bình nhưng chiến tranh phía Bắc, chiến tranh phía Tây Nam liên tục nổ ra. Người ca sĩ trẻ Thế Hiển “Năm tháng lăn lộn trên chiến trường với bộ đội. Có gì ăn nấy, ngủ thì cột võng ngủ cũng xong. Đi phục vụ chiến trường, không có bán vé gì cả, chỉ sống bằng lương thôi”.

Nhớ lời cha, người ca sĩ trẻ luôn tự nhủ lòng: “Mình phải viết những gì có ích cho cuộc sống”.  Anh kể: “Tôi được cách mạng nuôi dưỡng, các thầy cô đều ở Trung ương Cục trong rừng về. Các thầy cô đều là đảng viên. Tôi được cho đi học 4 năm Trung cấp, rồi tôi học 5 năm nhạc viện lấy hai bằng vừa sáng tác vừa thanh nhạc”.

Nhưng chính những chuyến đi biểu diễn ở vùng lửa đạn đã hun đúc nên ngòi bút của người nhạc sĩ. Anh viết ca khúc “Hát về anh” năm 1983, ngay tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh. “Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao 28 tuổi mà mình viết được chững chạc như thế. Đi diễn ở biên giới, nghe tiếng pháo đùng đoàng suốt ngày. Nhìn đoàn quân ta lên chốt, rồi thương binh về. Nghe báo động, lại nhảy xuống núp dưới giao thông hào”.

“Tôi nghĩ tuổi trẻ cần được hưởng niềm vui. Các bạn hãy cứ sống với đời sống, cứ cống hiến rồi sẽ có tác phẩm hay”. 

Thế Hiển chia sẻ với các nhạc sĩ trẻ 

Những ngày nóng bỏng ấy, anh đã viết một trong những ca khúc mà tất cả bộ đội đều thuộc lòng: “Một ba lô, cây súng trên vai/ Người chiến sĩ quen với gian lao/ Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/ Nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ”.

Khi ấy, Thế Hiển tự trình bày ca khúc của mình trên sân khấu, thành công ngoài mong đợi, ca khúc được truyền lan khắp nơi.

Từ ngày tháng trên chiến trường biên giới Tây Nam, Thế Hiển viết ca khúc “Nhánh lan rừng” rung động người thành phố với những câu ca sinh động về những người con của họ nơi chiến trường: “Những lúc tiếng súng đã tạm yên nghe dòng suối hát / Lấy nhánh lan rừng khoe với nhau khi nào nở hoa”.

Nhạc sĩ Thế Hiển và lời dặn của cha ảnh 2

Viết về biển đảo

Nhạc sĩ Thế Hiển tâm sự rằng hôm nay, đất nước ta đã hòa bình, nhưng ở Trường Sa, cuộc sống vẫn rất gian khó, đầy thử thách. Riêng nhạc sĩ mấy năm gần đây đã đi Trường Sa 3 chuyến, viết nhiều ca khúc. Anh hát cho tôi nghe những ca khúc mới nhất, nhưng đã được nhiều anh em bộ đội và khán giả xa gần rất yêu thích.

Về bài hát  “Khúc hát tự hào tàu HQ 561” anh kể: “Năm 2013 chúng tôi đi ra khánh thành trường học ngoài Trường Sa. Tối uống trà, anh em bộ đội tự hào kể về con tàu, rằng đây là tàu bệnh viện, đi khắp biển, có các bác sĩ, để chữa bệnh giúp ngư dân và bộ đội, có ai đau ốm thì lên tàu chữa”. Tàu HQ 561 cứ thế đi vượt qua dông bão đem lại niềm tin tưởng cho mọi người. Anh em bảo: “Nhờ nhạc sĩ Thế Hiển viết cho tàu một bài”. Anh bảo: “Tôi không dám hứa”, vì dự định là viết về Trường Sa cơ. Sau khi đi cùng tàu mấy hôm, thấy anh em em sống hòa mình, mẫu mực, trân trọng chiến sĩ và nhân dân, nhạc sĩ mới ngồi lại, hỏi kỹ về con tàu, lấy giấy bút ra viết ngay trên tàu. Đến ngày thứ 8 thì hoàn thành bài hát. “Tôi tập cho anh em hát. Ai cũng xúc động hết”. Bài hát giản dị về một con tàu, với những câu: “Người chiến sĩ HQ561, lời nguyện thề bám biển đảo quê hương, cùng con tàu vượt muôn trùng sóng gió, giữ biển trời Tổ quốc Việt Nam ta”.

Một lần đi Trường Sa, đoàn công tác trên đảo Sơn Ca, cô ca sĩ đang hát bài “Vùng trời bình yên” thì có máy bay lạ bay ngang bầu trời, đảo báo động. Mọi người vào vị trí chiến đấu, các ca sĩ xuống hầm trú ẩn. “Biển đảo đâu có bình yên” - Thế Hiển tâm sự. Nhà thơ Phan Hoàng đi cùng chuyến công tác ấy đã viết những câu thơ về đảo Sơn Ca, nhạc sĩ Thế Hiển đã phổ nhạc thành ca khúc “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”: “Em hát về vùng trời bình yên/ Đảo bỗng nhiên báo động/ Sau khi báo động, đảo trở lại bình yên/ Em lại hát, sơn ca lại hót”.

Thông thường thì Thế Hiển tự viết lời cho các ca khúc của mình với những lời ca thấm đẫm chất thơ, cấu tứ độc đáo, nhiều ý nghĩa.  Anh hát tặng tôi ca khúc mới viết về Trường Sa, có tên “Vỏ ốc biển”. Từ món quà giản dị mà người lính gửi về nhà là vỏ ốc, Thế Hiển viết: “Những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển. Em yêu ơi, đất liền ơi”, “Em hãy lắng nghe tiếng sóng gió dạt dào, anh gửi về em”. Đặc biệt, bài hát về Trường Sa này kết thúc bằng câu thơ của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. 

Tuổi trẻ hãy cống hiến

Nhạc sĩ Thế Hiển và các nhạc sĩ thành danh ở Hội nhạc sĩ TPHCM vẫn thường tổ chức các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế cho nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Thế Hiển đặt nhiều niềm tin vào họ. Anh nói: “Ca sĩ, nhạc sĩ thời bây giờ là một thế hệ còn rất trẻ, chính họ là những người mà tôi từng viết trong bài hát của mình: cho em thơ ngủ ngon và vui bước đến trường. Tuổi trẻ bây giờ được sống trong thời hòa bình, nhiệm vụ của các bạn là học tập và vươn lên”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển đã được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012, và mới đây anh cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài sáng tác biểu diễn, nhạc sĩ còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nhận xét: “Thế Hiển là một nhạc sĩ đa tài, nhiệt tình, gắn bó với phong trào nhất là với người lính. Thế Hiển không nề hà gian khổ hay kiểu cách khi đến với đông đảo công chúng yêu nhạc. Chính vì thế nhạc của Thế Hiển rất gần gũi mọi người”.

Thế Hiển nói thêm về niềm tin của mình, dù cuộc đời anh cũng trải qua không ít khó khăn: “Tuyệt đại đa số đã là người Việt Nam thì đều yêu đất nước và muốn đóng góp cho đất nước. Tôi tin vào tình cảm ấy”.

MỚI - NÓNG