Nhạc sỹ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhạc sỹ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh
TP - Sáng 14/9, tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã diễn ra cuộc - nói  đối chất thì hơi nặng nhưng cũng gần như vậy, giữa GS. NSND Trọng Bằng và các nhạc sĩ từng phản đối việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông.
Nhạc sỹ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh ảnh 1
Nhạc sĩ Trọng Bằng (Ảnh:N.Đ.Toán)

Chủ trì cuộc gặp này là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, nhằm đi đến nhận định thống nhất về vụ việc lùm xùm nhiều tháng qua.

8 giờ 5 phút, một ông già nhỏ nhắn, đeo túi nhanh nhẹn bước xuống từ một chiếc xe ôm- nhạc sĩ Huy Thục.

Trong phòng họp của Hội lúc này đã có các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho,Vĩnh Cát- ngồi đối diện nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

8 giờ 20 phút, nhạc sĩ Trọng Bằng, áo sơ mi trắng ngồi trên xe hơi tiến vào cổng 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Con trai và cũng là đồng nghiệp của ông- Trọng Bình hộ tống cha.

Trước cuộc đối chất lúc 10 giờ, Chủ tịch Hội Đỗ Hồng Quân gặp riêng 4 nhạc sĩ - những người cùng chính kiến trong “vụ Trọng Bằng”. Chánh văn phòng Hội, ông Cao Khắc Thùy làm thư ký ghi chép biên bản, còn nhạc sĩ Cát Vận đứng ở chân cầu thang chặn chân cánh nhà báo.

Hôm 21/7, Thường vụ Hội Nhạc sĩ VN sau một phiên họp đã ra công văn có giá trị như thông cáo và thư ngỏ gửi Hội đồng Giải thưởng Quốc gia cũng như các Hội cơ sở, khẳng định “thái độ tuyệt đối nhất trí với quyết định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Trọng Bằng”, đồng thời phê phán những góp ý của các nhạc sĩ khác là “thiếu thận trọng, thiếu thiện chí, áp đặt, qui chụp”... Gần 2 tháng trôi qua, tình hình có vẻ đã khác.

Nhạc sỹ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh ảnh 2
Từ trái qua: Các nhạc sĩ Vĩnh Cát, Doãn Nho, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục tại Hội Nhạc sĩ sáng 14/9

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, một người đàn ông 50 tuổi như ông tự giới thiệu nhưng “Tôi là con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, phận con cháu” nên trong một cuộc khá nghiêm trọng như thế này, từ đầu đến cuối ông đều xưng “cháu” lễ phép, đại loại như:

“Chú Nho có ý kiến gì ạ. Đến lượt chú Toàn ạ”.

Đằng sau lưng của họ, trên bức tường cổ kính là chân dung 5 đời Tổng thư ký (Chủ tịch Hội) Nhạc sĩ VN: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng.

Hôm nay ông Vĩnh Cát khẳng định lại lập trường gồm mấy điểm: Thư góp ý của các nhạc sĩ là rất đúng đắn, xây dựng, thiện chí. Các tác phẩm đăng ký giải thưởng của nhạc sĩ Trọng Bằng cả thanh nhạc và khí nhạc đều dưới tầm Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Hội cần rút kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề như vừa qua... Thêm một vấn đề nho nhỏ nữa: Đề nghị bổ sung vào danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhạc sĩ Vĩnh Cát (với lý do: rất xứng đáng).

Không nề hà dùng từ “đánh” để mô tả hành động của mình đối với đồng nghiệp Trọng Bằng song nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn giải thích rằng ông “vì thương mà đánh”:

Nhạc sỹ Trọng Bằng rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh ảnh 3

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN Đỗ Hồng Quân: Lắng nghe

“Lắm lúc đêm nằm nghĩ mình làm thế này có nặng quá không. Ngày xưa tôi bảo vệ Trịnh Công Sơn bởi đó là người có tài. Còn bây giờ tôi buộc phải đánh cái chất kiêu ngạo, chất “vua” trong một con người” - Ông Toàn nói.

Điều bức xúc của nhạc sĩ Doãn Nho là: “Nếu lý luận phê bình âm nhạc được tôn trọng thì đã không có những bê bối như thời gian qua”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói như phân trần: “Công việc của cháu nặng nề như thế, đến thời gian sáng tác còn chẳng có, mà mình thì trẻ người non dạ, có gì không phải các chú cứ bạt tai đá đít”.

Và thương thảo: Chữ “đạo nhạc” hơi nặng và có phần chưa thỏa đáng, hay ta dùng từ khác có được không. Nói rồi đưa mấy phương án, từ “chế” chẳng hạn. (Chế nhạc, chế tác)...

Cuộc gặp kết thúc lúc 12 giờ 30, không đến nỗi nặng nề quá nhưng tinh thần của nó đã khác xa bản “công văn tháng7”: Hội Nhạc sĩ rút lại công văn này, cũng có nghĩa không tích cực đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Trọng Bằng nữa, và rút lại những nhận định về thái độ góp ý của các nhạc sĩ.

Vụ việc tác phẩm Chào mừng bị nghi ngờ có liên quan đến Giao hưởng số 5 của Chostakovitch phải chờ đến một hội thảo khoa học mới kết luận. Còn nhạc sĩ Trọng Bằng đã chính thức xin rút khỏi danh sách xét tặng giải thưởng đợt này.

Dương Thị

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.