Nhan sắc phố phường

Nhan sắc phố phường
TP - Sau bài “Hậu vận của hồng nhan” người nhà và người cùng phố bảo: “Phố Huế đâu chỉ có Ái Vân, ôn chuyện cũ mà thiếu thế”. Thời những năm hậu chiến là Tố Uyên, Xuân Quỳnh, sau này là Hoa hậu Ngọc Khánh...
Nhan sắc phố phường ảnh 1
Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh 

Những năm hậu chiến, Hà Nội như “cuốn phim với hai màu chủ đạo đen và trắng pha một chút cỏ úa” theo mô tả của một nhà báo nước ngoài. Cỏ úa màu của quân phục, còn chỉ đen trắng là bởi đời sống ảm đạm ăn mặc thiếu thốn. Nhưng trong gian khó vẫn bừng lên những nhan sắc tô điểm bộ mặt của phố phường- nhiều người trong họ thuộc giới nghệ sĩ, nổi tiếng, khiến Hà Nội có nét riêng khó lẫn so với nơi khác. Và bây giờ tôi kể về họ...

Số nhà 96 phố Huế nhìn sang chợ Hôm là một cái tổ đông đúc cao mấy tầng, khu tập thể của giới văn nghệ sĩ: Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Đồ Phồn, vân vân. Cả Lưu Quang Vũ, Tố Uyên, Xuân Quỳnh cũng từng ở đây.

Nổi lên vì phim Con chim vành khuyên, đẹp một vẻ trong sáng Tố Uyên thành người trong mộng của bao chàng trai Hà Nội một thời trong đó có Lưu Quang Vũ. Họ lấy nhau rồi bỏ nhau: Những điều em cần anh không có/Em không màng những ngọn gió anh trao (thơ Lưu Quang Vũ).

Thiếu thốn là bi kịch không của riêng ai trong một đời sống vật chất tinh thần đều được tiêu chuẩn hóa (có vở kịch tên Sống ngoài tiêu chuẩn). Vũ lúc ấy mới chỉ là một nhà thơ trẻ đam mê lãng mạn, Những điều em cần anh không có.

Những năm 90 Tố Uyên bỗng tái xuất với tư cách tác giả thơ in báo Tiền phong, ghé tòa soạn giọng chị ra chiều nhớ tiếc quá khứ và cả bực bõ: “Con chim vành khuyên đi hết nước này nước kia (dự Liên hoan) có bao giờ chúng nó nhớ đến mình đâu, tức không chứ”.

Kể cả khi thời hoàng kim đã qua Xuân Quỳnh vẫn được bạn văn ngưỡng mộ ngoại hình và duyên kể chuyện. Quỳnh kể và họ kể lại tôi nghe - riêng chuyện về những người hàng xóm như nhạc sĩ Hoàng Nguyễn đủ buồn cười. Ngoài việc là em trai nhà ngôn ngữ Hoàng Tuệ tức chú ruột nhà văn Bảo Ninh, ông Nguyễn còn sáng tác bài hát thiếu nhi: Miền Nam em dừa nhiều miền Nam em dứa nhiều; Ngày xưa ai ơi đời mục đồng...

Một chứng nhân sinh động của thời đại, trong khẩu ngữ hàng ngày luôn có cụm từ “chế độ ta vô cùng tươi đẹp”. Một hôm cổng chợ Hôm có ông mù ăn xin ngồi hát Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng, Xuân Quỳnh đi chợ dừng lại bảo: “Bác hát thế người ta tưởng bác giễu thì sao”.

Anh Vương Trí Nhàn nhớ sự quyến rũ của Lưu Quang Vũ: Một lần Vũ - Hương (Dương Thu Hương) gặp nhau ở NXB Tác phẩm mới (NXB Hội Nhà văn), chị Hương lên tiếng trước: “Chào người nổi tiếng” “Mình mới là người nổi tiếng mình ạ”- Anh vỗ vỗ vai Hương, bàn tay tích điện thế nào đó mà một người cứng rắn như chị cũng phải “rùng mình”.

Báo Lao động có tựa: “Thu Hằng người làm quên đi Lâm Bằng”. Từng ngắm Si-ta Lâm Bằng đi trên đường Nguyễn Công Trứ nơi có khu tập thể đoàn Chèo Hà Nội, tôi nghĩ riêng về nhan sắc mà nói thì tựa này hơi ưu ái Hằng, diễn viên thế hệ sau, về đoàn khi Lâm Bằng đã đi.

Trong hoài niệm của đồng nghiệp về Quỳnh Vũ thấp thoáng cái tên Lâm Bằng. Rằng người có nét chữ run run như rắc thuốc lào trên giấy là Xuân Quỳnh càng cuối đời càng buồn hơn...

Khi đã lừng lẫy tiếng tăm họ vẫn sống trong căn phòng mà có người đã tả: Vũ ngồi viết, Quỳnh giặt quần áo ngay dưới chân - nghĩa là chật chội lắm.

Rồi đời sống dễ thở hơn, Lưu Quang Vũ bán được nhiều kịch bản, Xuân Quỳnh được Hội Nhà văn cấp căn hộ khu Ngọc Khánh, chưa kịp ở thì tai họa ập đến.

Ông không phải là bố tôi- Con chim sâm cầm đã chết/ Ông không phải là bố tôi- Con chim sâm cầm ai giết - chân dung Lưu Quang Vũ do nhà thơ Xuân Sách họa. Chắc không có chuyện ai giết nhưng số phận của họ là câu chuyện đau thương ám ảnh một thời.

Nhan sắc phố phường ảnh 2
Ca sĩ Hà Thị Ái Vân

Một người nữa của giới sân khấu không hẳn đẹp song bắt đầu nổi thì chết uổng: Đạo diễn Đoàn Anh Thắng, nhà cạnh đạo diễn Doãn Hoàng Giang đoạn cuối phố.

Người tài Doãn Hoàng Giang cũng từng sở hữu người đẹp Nguyệt Ánh, diễn viên kịch nói thuộc loại ấn tượng nhất giờ đã ra người thiên cổ, một nhan sắc truân chuyên của phố Huế.

Tài thì dễ bị hạn như sắc đẹp thường mong manh “phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Đẹp chẳng thua Ái Vân là Huyền “Mỳ” (nhà bán mỳ vằn thắn đối diện chợ Hôm) da trắng như tuyết môi đỏ như son tóc đen như gỗ mun, lấy được chồng có “boong-ke” (tiếng lóng chỉ cửa hàng cửa hiệu) ở Hàng Đào, được phố xá coi là thành đạt bởi ai cũng bỏ quá nhiều suy tư vào cái ăn cái mặc.

Tiêu chí tìm hiểu, lấy chồng lấy vợ là: “Một mình một boong-ke phố lớn” “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” (Lơ: xe đạp Pơ-giô của Pháp).

Năm 1998 nghe tin con bé Khánh nguếch ngoác ngày nào thành Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh, cả số 9 bất ngờ. Riêng người nhà tôi nói: Con bé đó trông lạ từ nhỏ đấy chứ. Đúng gout thời đại phải là Mỹ An chị cùng mẹ khác cha với Khánh - nét gì cũng thanh tú.

Trong một lần gặp gỡ phỏng vấn, biết tôi từng ở số 9 phố Huế, nhà văn Lê Lựu ồ lên: Xóm đó có người đẹp Thắng Ô-boa (nhạc công kèn Ô-boa), hồi trẻ tôi mê lắm đấy.

Thắng Ô-boa là bà Thắng mẹ của Khánh, kết hôn lần đầu với ông Long Violon, cũng nhạc công Đoàn ca múa Hà Nội. Con gái Mỹ An bé tí hai người đã ly dị, tên của ông Long một dạo gắn với ca sĩ Huyền Châu, trong trào lưu nghệ sĩ vượt biên ca sĩ này cũng ra đi như Vân Khánh.

Bà Thắng lấy chồng lần hai là đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc, đến sống ở phố Quán Thánh. Mỗi khi họ về phố Huế thăm bố mẹ, người nhà tôi thấy cái dáng tập tễnh, mái tóc dài nghệ sĩ, gương mặt hơi Tây của ông Ngọc thì gọi: “Rivaret” (tức Ruồi trâu, nhân vật văn học nổi tiếng).

Đạo diễn Ngọc làm vài phim, không được chứng kiến ngày con gái là Hoa hậu. Xưởng phim truyện VN có mấy vụ tự tử ầm ĩ vì bức xúc cơ chế, ông Ngọc là một. Hai mẹ con chuyển vào Sài Gòn sinh sống...

Người ta nói thời trước sống có tình hơn, có thể, nhưng lam lũ quá thì cũng không dễ nghĩ đến nhau với khúc nhạc trong lòng. Bây giờ nhan sắc dường như nổi lên dễ dàng hơn, không bị uổng như xưa...

Trở về mái nhà xưa yêu dấu, Ái Vân lè lưỡi nhớ lại:  Hồi đó Tết đến mỗi nhà lo bằng được 1 cân qui gai 1 cân qui xốp, ngày thường chẳng dám ăn. Tiêu chuẩn Nhà nước cho thì là: Túi hàng Tết giống hệt nhau, ít mứt bí mứt lạc, vài quả táo tàu, miếng bóng bì... Chị cười rũ nghe tôi kể: Thỉnh thoảng mô-típ nhà vệ sinh tập thể vẫn trở về trong giấc điệp, tỉnh dậy cứ là toát mồ hôi hột.

Có được miếng ngon cũng nhớ mãi. Giới đàn ông như mấy ông cậu tôi nói cho đến giờ sở dĩ vẫn có số nhà 38 phố Huế trong đầu bởi ngoài cái mốc là nhà người đẹp Ái Vân, còn gắn với địa chỉ bia hơi mậu dịch bên cạnh, số nhà 40.

Mua được cốc bia phải xếp hàng rất lâu và phải mua kèm lạc rang. Ngoài bia hơi thì nước giải khát kinh điển là chanh “ga” 2 hào/cốc, giải tỏa cơn khát mùa hè nực nội đầy kỉ niệm hàn vi.

Số nhà 17 ngoài nhiếp ảnh gia Quang Phùng có nghệ sĩ đàn thập lục Phương Bảo người xinh và tài của Nhạc viện HN, và cũng truân chuyên nốt (số 11 là gia đình đạo diễn Phi Tiến Sơn).

Nhà ngoài số 17 là gia đình Cường Ác-coóc làm nghề chữa đàn Ác-coóc-đê-ông và chữa đồng hồ. Thuở ấy mọi người ăn còn chẳng đủ mà họ trông lúc nào cũng sáng trưng, phong lưu, nghệ sĩ.

Ăn không đủ, và tắm bằng xà phòng giặt 72 của Liên Xô, đánh răng bằng thuốc bột Ngọc Lan. Nhà tôi không đến nỗi ăn thịt gà phải dùng kéo (dao chặt sẽ kinh động hàng xóm) nhưng có chuyện: Mỗi lần ra máy nước vo rá gạo tương đối ít sạn so với rá của các nhà - do mẹ tôi làm trong ngành lương thực, xóm giềng lườm nguýt chửi đổng, đại ý chỉ có bọn tham ô đục khoét mới sướng thế.

Nhà ông Cường suốt ngày vẳng tiếng đàn piano, khách đi đường bồi hồi dừng nghe. Người chơi đàn rất hay là Nghĩa “Ba toác” con ông Cường, bạn học cấp 2 của tôi.

Nghĩa kháu khỉnh lạ thường nhưng học lực bình thường, tôi thì trò ngoan. Là cán bộ lớp đồng nghĩa việc thỉnh thoảng phải làm những việc rất Gia-ve, cô bắt theo dõi bạn nào khuyết điểm thì ghi ghi chép chép. Nghĩa lém lỉnh hay chuyện riêng trong giờ học (ba toác mà), thỉnh thoảng có tên trong sổ. Không biết bây giờ bọn trẻ con đi học có tiết mục này không nhỉ.

Để chữa thẹn vì từng là sản phẩm mẫn cán của nền giáo dục ấy, về sau mỗi khi cắp làn đi chợ, qua nhà Nghĩa bị trêu chọc tôi thường phản ứng kiểu “đừng cậy có nhan sắc mà bắt nạt nhau nhé” nhận được nụ cười rất tươi, vẻ không để bụng chuyện cũ.

Rồi thời bao cấp qua. Chuyển nhà một thời gian tôi nghe nói cậu không thoát được cơn lốc nghiệt ngã, hết thời khó thì lại nguy cơ mới, phố Huế đầy người dính ma tuý, Nghĩa chết trẻ.

Một trong những thanh niên đẹp nhất mà tôi biết. Nhà 3 anh em may Kiều Hạnh thành đạt, tuổi 30 sở hữu biệt thự ven hồ Thiền Quang. Gặp trên phố thấy Hạnh vẫn duyên dáng xinh đẹp, thế mà... Nghĩa bạn ơi!

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.