Nháp - thay đổi một cách nhìn về sân khấu đương đại

Nháp - thay đổi một cách nhìn về sân khấu đương đại
TP - Mới, trẻ, năng động, Nháp - sân khấu của một nhóm bạn trẻ thế hệ 8X ở Hà Nội bắt đầu gây được sự chú ý của nhiều nghệ sĩ nước ngoài - kể từ khi trình làng Oe oe (tại bar Baku).
Nháp - thay đổi một cách nhìn về sân khấu đương đại ảnh 1
Một cảnh trong vở “Oe oe”

Vở diễn kể về cuộc sống từ khi hình thành đến lúc ra đời của một bào thai, do một nữ nghệ sĩ độc diễn. Trong vai em bé còn nằm trong bụng mẹ…

Phan ý Ly - Trưởng nhóm  trao đổi với Tiền phong.

Cái tên Nháp có ý nghĩa gì?

Ngày xưa khi đi học thầy cô thường bảo phải viết ra giấy nháp trước khi viết ra vở. Có thể nói nháp là tờ giấy ghi chép và thể nghiệm nhiều ý tưởng nhất, cũng là tờ giấy hồn nhiên nhất.

Khi viết nháp, ai cũng thoải mái, không hề có tâm lý e dè, sợ hãi… Vì thế, những gì được viết ra nháp - dù chưa hoàn chỉnh, bao giờ cũng là khởi đầu của những ý tưởng…

Còn mục tiêu của Nháp?

Là trình làng những tác phẩm biểu diễn chất lượng bằng phương thức nghệ thuật không lời nói, bằng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật biểu diễn như chuyển động hình thể, rối, bóng, mặt nạ thạch cao…, kích thích cảm xúc, trí tưởng tượng.

Mục đích của Nháp là “khuấy động”, kích thích sự sáng tạo của giới sân khấu bấy nay vốn trì trệ, già nua và tạo một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ.

Trên thế giới, các nhóm hoạt động nghệ thuật theo kiểu Nháp đã trở nên phổ biến, trong khi ở VN, riêng về lĩnh vực sân khấu, giới trẻ và những người yêu nghệ thuật lại không hề có những nhóm như thế - ngoại trừ tấu hài.

Nếu không có sự mở rộng, cọ xát, sân khấu tương lai sẽ vẫn nghèo nàn với kịch nói và tấu hài...

Nhưng khi xem Oe oe của các bạn thì rất khó có thể gọi tên chính xác loại sân khấu mà Nháp đang hướng tới?

Cách làm sân khấu của Nháp là đề cao sự ngẫu hứng... Trên sàn diễn, Nháp yêu cầu diễn viên tự tưởng tượng cho mình một cái bảng “không khí” rồi viết tên họ của mình lên.

Cái bảng tưởng tượng này là màn không khí trước mặt, dưới sàn nhà, trên trần nhà, hay bất cứ mặt phẳng tưởng tượng nào mà diễn viên có thể hình dung.

Theo đó, mỗi diễn viên sẽ tự chọn cho mình một chiếc “bút”. “Bút” là… bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, trừ ngón tay. Điều quan trọng không phải là ai “viết” nhanh hơn, mà là ai sáng tạo hơn!

Có vẻ bạn muốn thay đổi quan niệm về sân khấu đương đại?

Đúng vậy!

Nháp (có trụ sở tại 43 Hoàng An A, Lê Duẩn) gồm 6 thành viên: Phan ý Ly, Phan Khánh Băng, Nguyễn Vy Dung, Đặng Minh Thư, Nguyễn Hữu Hân, Nguyễn Lan Anh.

Thạc sĩ Phan Ý Ly sáng lập viên kiêm đạo diễn nghệ thuật của Nháp đã có 3 năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, là người VN đầu tiên nhận học bổng cao học ở Anh về Nghệ thuật và Media trong công tác phát triển xã hội.

5 thành viên còn lại đều có thâm niên tham gia các chương trình sân khấu cộng đồng, sân khấu giáo dục do các tổ chức nước ngoài tài trợ.

Kế hoạch sắp tới của Nháp?

Tháng 8 này, trong khuôn khổ Trại Nghệ thuật biểu diễn các nước sông Mê Kông năm 2006 do Philippines đăng cai tổ chức, được quỹ Rockefeller tài trợ, Nháp sẽ mang đến Nhìn - một tác phẩm nghệ thuật không lời nói, kết hợp các yếu tố sân khấu và điện ảnh. Nhìn kể lại “hành trình đi tìm giới tính” của mỗi cá nhân.

Kịch bản, đạo diễn, diễn viên là các thành viên của Nháp. Sau Nhìn, Nháp sẽ triển khai loạt đề tài về xã hội và những vấn đề giới trẻ quan tâm. Kịch bản của Nháp không phải là kết quả sáng tạo của 1-2 cá nhân, mà là sản phẩm tương tác của cả nhóm.

Về nước gần 1 năm, bạn có thường xuyên đến Nhà hát để xem vở mới? Có đạo diễn Việt Nam nào khiến bạn chú ý?

Tôi không xem nhiều lắm. Vì không quan tâm. Có mấy vở kịch hình thể của chị Lan Hương, Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi thấy báo chí Việt Nam giới thiệu rất hay, tiếc là không xem được, vì bây giờ vở đó đã bị cất vào kho.

Qua báo chí tôi cũng biết tên tuổi nhiều đạo diễn Việt Nam, nhưng chưa được tiếp xúc với họ nên cũng chưa biết thế nào… 

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.