Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc

Trước khi vào Đại nội, Vua và Hoàng hậu Nhật Bản dừng lại trước Ngọ môn - một biểu tượng của xứ Huế.
Trước khi vào Đại nội, Vua và Hoàng hậu Nhật Bản dừng lại trước Ngọ môn - một biểu tượng của xứ Huế.
TPO - Sáng 4/3, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko lần đầu tiên đến thăm Đại nội Huế và có dịp thưởng thức Nhã nhạc ngay trong Hoàng cung nhà Nguyễn. Tại đây, Vua và Hoàng hậu Nhật Bản có dịp tận kiến 3 di sản văn hóa thế giới, gồm kiến trúc quần thể di tích Cố đô Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình nhà Nguyễn, Nhã nhạc Cung đình Huế.

Đường 23 tháng 8 đoạn trước Ngọ môn - cổng chính vào Hoàng thành Huế sáng 4/3 rực nắng. Đông đúc người Nhật và Việt Nam tập trung ven tuyến đường này hân hoan vẫy cờ hai nước đón chào Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm Đại nội Huế. Đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu ngay trước Ngọ môn có các ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế.

Trước khi vào Đại nội, Vua và Hoàng hậu Nhật Bản dừng lại trước Ngọ môn - một biểu tượng của xứ Huế. Ngọ môn cũng là nơi đánh dấu quan hệ hợp tác về trùng tu, bảo tồn di tích giữa Nhật Bản và TT-Huế từ hơn 20 năm trước. 

Vào năm 1991, Chính phủ Nhật Bản tài trợ 100.000 USD để trùng tu công trình Ngọ môn, cổng chính Hoàng thành Huế. Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mối quan hệ hợp tác về trùng tu di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Cố đô Huế được đặt nền móng vào đầu thập niên 1990, bằng chính dự án trùng tu công trình kiến trúc Ngọ môn này. Năm 2013, Ngọ môn Huế tiếp tục được đầu tư 43 tỷ đồng để trùng tu và mang diện mạo đẹp như hiện nay.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 1
Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 2

Người dân Nhật Bản sinh sống tại Huế hân hoan chào đón Vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Đại nội.

Sau Ngọ môn, đoàn qua cầu Trung Đạo, dừng lâu trên lối chính dẫn vào sân chầu trước điện Thái Hòa. Nhà vua và Hoàng hậu đã có dịp nghe giới thiệu về không gian triều chính của nhà Nguyễn một thời, từ Ngọ môn đến sân điện Thái Hòa (còn gọi là sân Đại triều nghi). 

Nơi đây, xưa kia, vua Nguyễn tổ chức các buổi chầu, với sự tham dự của những đại quan, khi triều đình có lễ trọng tại điện Thái Hòa. Ngôi điện được xem là trung tâm của đất nước thời nhà Nguyễn là điểm dừng chân tiếp theo của Nhật hoàng và Hoàng hậu.

Đáng chú ý, điện Thái Hòa hiện còn lưu giữ 297 bài thơ bằng chữ Hán, được khắc chạm trên các ô hộc của công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng này. Đây là những bài thơ viết về cảnh thái bình thịnh trị, đất nước thống nhất, lòng tự tôn dân tộc… thời nhà Nguyễn. 

Chính những áng thơ văn độc đáo có một không hai trên toàn thế giới, được chạm khắc, bài trí trên kiến trúc cung đình Huế như thế này, đã làm nên Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, vừa được UNESCO công nhận vào năm 2016.

Phía sau điện Thái Hòa là một hệ thống sa bàn giới thiệu tổng thể Hoàng cung Huế. Nhật hoàng và Hoàng hậu đã xem và được nghe thuyết minh về sa bàn này để biết rõ quy mô, phân khu chức năng của Kinh thành Huế xưa. Điểm cuối của hành trình thăm Đại nội Huế là nhà hát Duyệt Thị đường - nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam.

Đây là nơi dành giới thiệu, biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế đến Vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Trong khuôn khổ chương trình, các bài bản biểu diễn về múa cung đình, Nhã nhạc được tổ chức tinh gọn, chắt lọc, độc đáo theo yêu cầu thời lượng chuyến thăm của nhà vua và Hoàng hậu, với 3 tiết mục chính: Đại nhạc, múa “Lân mẫu xuất lân nhi”, múa “Lục cúng hoa đăng”.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 3

Ba tiết mục Nhã nhạc cung đình giới thiệu đến Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tại Nhà hát Duyệt Thị đường (Đại nội Huế). Ảnh: Trọng Bình.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 4

Đại nhạc.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 5

Múa “Lân mẫu xuất lân nhi”.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Đại nội, thưởng thức Nhã nhạc ảnh 6

Múa “Lục cúng hoa đăng”.

Được biết, đây không phải là lần đầu, Nhã nhạc cung đình Huế được giới thiệu đến Vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Năm 2007, có một đoàn nghệ thuật đến từ Việt Nam vinh dự được vào biểu diễn trong Hoàng cung Nhật Bản, đó là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). 

Đây được xem là đoàn nghệ thuật  truyền thống đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này. Những nghệ sĩ Huế từng giới thiệu Nhã nhạc Việt Nam đến Nhật hoàng và Hoàng hậu năm nào nay lại có dịp giới thiệu một phần của loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng này đến với họ, ngay trong Hoàng cung Huế.

“Trong chuyến thăm Đại nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc tại Duyệt Thị đường của Vua và Hoàng hậu Nhật Bản, chúng tôi lại vinh dự được giới thiệu Nhã nhạc Việt Nam lần nữa đến với họ, nhưng lần này là ngay trên chính đất nước mình”, nghệ sĩ Lữ Hữu Ngọc chia sẻ.

Còn nhớ, tại Festival Huế 2014, một dòng Nhã nhạc có nguồn gốc Huế, sau 1.278 năm viễn xứ, lần đầu tiên cóp dịp trở về cố hương từ xứ Phù Tang, thông qua biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nantogakuso (Nhật Bản). 

Thông tin từ Ban Tổ chức Festival 2014 hồi đó cho biết, Nhã nhạc Nantogakuso hình thành và phát triển từ sự kiện năm 736, khi một vị sư có pháp danh là Phật Triết (người xứ Lâm Ấp, xuất thân ở Huế) đến xứ Nara, Nhật Bản, truyền nhạc khúc Rinyu hakkyoku (8 khúc nhạc của Lâm Ấp) cho dân Nhật Bản. Hơn một thiên niên kỷ qua, Rinyu hakkyoku vẫn luôn đóng vị trí quan trọng trong nền Nhã nhạc Nhật Bản.

Player Loading...
MỚI - NÓNG