Những kỷ niệm về Bác Hồ của một giáo sư Trung Quốc

Những kỷ niệm về Bác Hồ của một giáo sư Trung Quốc
TPCN - Giáo sư Văn Trang - nguyên Trưởng ban phiên dịch Đoàn cố vấn Trung Quốc, nguyên cán bộ Đại sứ quán TQ tại Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1967 đã có nhiều dịp được ở bên cạnh Bác.
Những kỷ niệm về Bác Hồ của một giáo sư Trung Quốc ảnh 1
Bác Hồ chụp ảnh với vợ chồng GS Văn Trang

Nhân dịp kỷ niệm 116 năm ngày sinh nhật của Người, giáo sư Văn đã mời tôi đến chơi và kể lại những thời gian được vinh dự ở bên cạnh Bác- một vị lãnh tụ mà ông hết sức kính trọng và ngưỡng mộ.

Lần đầu được gặp Bác

Nhớ lại những năm tháng được sống và làm việc bên Bác, ông kể:

“Một buổi chiều cuối thu năm 1948 trong vùng tự do Việt Bắc tôi được vinh dự gặp Hồ Chủ tịch. Qua sự chỉ dẫn của anh giao liên, ra khỏi trụ sở Ban Hoa kiều Trung ương tôi đi khoảng 2-3 cây số, men theo một con đường mòn trong rừng để tới một bản nhỏ chỉ có lèo tèo vài ba gia đình dân tộc Tày nằm dưới bóng cây sum suê.

Chúng tôi dừng lại trước một nếp nhà sàn ở bên đồi. Cởi giày lên gác vào nhà, tôi nhìn thấy một cụ già có bộ râu dài, đang ngồi khoanh chân trên sàn, tôi biết chắc đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tôi mong ước được gặp gỡ từ lâu kể từ sau khi đặt chân lên đất nước Việt Nam.

“Chào Bác ạ!”-Tôi vội bước tới chào Bác theo thói quen của người Việt Nam.

“Chào chú!”- Bác vẫn ngồi khoanh chân, vừa bắt tay, vừa mời tôi ngồi xuống. Bác rất hòa nhã và xuề xòa, khác hẳn những gì tôi tưởng tượng.

“Chú đã biết nói tiếng Việt chưa?”

“Dạ, cháu đã biết nói được một ít rồi, thưa Bác”.

“Thế tốt. Hoan nghênh chú sang Việt Nam công tác. Làm việc ở Việt Nam thì phải biết tiếng Việt”.

Lần đầu được gặp vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôi rất hồi hộp, tự bảo mình phải hết sức tập trung tư tưởng để suy nghĩ xem nên đối đáp như thế nào và diễn đạt bằng tiếng Việt ra sao.

Nhưng khi tiếp chuyện, với thái độ thân mật, tự nhiên của Bác coi tôi như người trong nhà, khiến cho tôi cảm thấy như đang nói chuyện với một người thầy của mình, không phải dè dặt gì cả.

Vinh dự được Bác đặt tên cho con

Trong lúc giở ảnh cho tôi xem, giáo sư Văn đã nhiều lần giới thiệu những tấm ảnh mà vợ ông cũng được vinh dự chụp chung với Bác. Ông xúc động kể lại: “Bác gọi tôi đến gặp, phần lớn là để trao đổi một việc cụ thể nào đó. Nhưng cũng có hai lần ngoại lệ.

Đầu năm 1955, được biết vợ tôi mới sinh cháu thứ hai, vừa từ Côn Minh quay lại Hà Nội, Bác bảo tôi bế cháu đến chỗ Bác. Đại sứ Lê Quý Ba đưa chúng tôi đến và cùng ăn cơm tối với Bác.

Theo yêu cầu của chúng tôi, Bác đặt tên cho cháu là “Việt Dũng”- cái tên này luôn gắn bó với con trai tôi trên bước đường trưởng thành, đó cũng là một niềm vinh dự vô cùng lớn lao đối với gia đình chúng tôi.

Năm 1959, trước khi tôi được điều động về nước, Bác gọi tôi đến và mời tôi ở lại cùng ăn cơm tối, trong buổi gặp đó Bác đã tặng tôi một tấm ảnh, trên ảnh có viết một dòng chữ viết bằng tiếng Trung “Chúc chú tiến bộ vượt bậc, ngày 3-6-59. Bác Hồ tặng”. Buổi hôm ấy cũng có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự và Thủ tướng cũng tặng tôi một tấm ảnh có ký tên”.

37 năm sau giấc mơ thành hiện thực:  trở lại Việt Nam viếng Bác Hồ

Khi được hỏi đến cuối đời ông có một nguyện vọng gì lớn nhất, giáo sư Văn đã cười và kể lại: “Hơn 30 năm qua, cho dù gia đình và bản thân cũng như xã hội đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ, chúng tôi vẫn giữ mãi những tấm ảnh quý giá mà tôi và vợ tôi được chụp với Bác Hồ ngày nào.

Tôi ước có một ngày nào đó được trở lại mảnh đất thân yêu- đất nước Việt Nam tươi đẹp và được tận mắt chứng kiến sự phát triển và những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được.

Tôi cũng ước ao có cơ hội được đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thăm một người bạn chân thành của nhân dân Trung Quốc, một người mà tôi mãi mãi yêu mến và kính trọng.

Và những điều mong ước của tôi, cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tháng 5 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên Phủ, chúng tôi được vinh dự sang dự lễ kỷ niệm trang trọng đó. Sáng mùng 6 tháng 5, chúng tôi đã được ưu tiên vào tham quan lăng Bác.

Bác nằm đó, dáng vẻ khoan thai, tôi có cảm giác như Bác đang yên giấc nghỉ trưa. Nhìn gương mặt quen thuộc của Bác, tôi chỉ mong lại được giống như 37 năm về trước được nói với Bác rằng: “Chào Bác ạ!”.

Mãi cho tới khi có người nhẹ đẩy lưng tôi, tôi chợt bừng tỉnh và vội vàng cúi người viếng Bác rồi sau đó theo đoàn đi ra. Vượt qua bao núi bao sông, cuối cùng tôi đã một lần nữa được đến bên Người, mặc dù khoảnh khắc được đứng bên Người là vô cùng ngắn ngủi.

Trước khi chia tay với giáo sư Văn Trang, ông tâm sự nguyện vọng lớn nhất của mình hiện nay là làm sao cuối đời ông sẽ cho xuất bản một cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh và Quốc tế Cộng sản in bằng hai thứ tiếng tiếng Việt và tiếng Trung.

Ông cũng mong muốn mai sau những bức ảnh quý giá mà ông được chụp chung với Bác và những tấm ảnh Bác tặng cho ông sẽ gửi tặng lại Viện bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ làm kỷ niệm. 

        Thành Nam (Bắc Kinh, Trung Quốc)

MỚI - NÓNG