“Những miền đồi tôi thức”

TPO - Lâu nay, những yêu thích cổ vật ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều biết tiếng Trần Văn Khang. Nhưng ít ai biết rằng, anh còn là một nhà thơ cần mẫn trên cánh đồng câu chữ. Chiều 19/9, tại NXB Hội Nhà Văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) đã có buổi ra mắt tập thơ mới của Trần Văn Khang: “Những miền đồi tôi thức”.
“Những miền đồi tôi thức” ảnh 1
 

Trần Văn Khang không phải tên tuổi quen thuộc trong làng thơ Việt Nam. Anh khá âm thầm trong công việc sáng tác và công bố tác phẩm. Nhưng nếu nhìn vào đầu sách anh đã xuất bản, không ít người sẽ giật mình: Sắc tình (NXB Thuận Hóa, 2002), Màu đất (NXB Văn học, 2003), Hà Nội trong tôi (NXB Văn học, năm 2007), Như thế (XNB Văn học 2008), Nỗi nhớ người đi xa (NXB Hội nhà văn, 2010), Dòng chảy (NXB Văn học, 2011), Những miền đồi tôi thức (NXB Hội nhà văn 2014).

 Trần Văn Khang từng viết: “Chuyện con rối” khá ấn tượng: “Tôi xem múa rối/Như lạc vào sân khấu cuộc đời/Có lúc giật mình, ngỡ ai đó giật giây/Lại có lúc vô tình, ngỡ mình giật giây người khác”.

Trong “Những miền đôi tôi thức” vẫn là một Trần Văn Khang giàu chiêm nghiệm, giàu ưu tư như khi anh nhìn vào hạt bụi: “Nhìn qua ánh sáng chiều hôm/Nghe lòng thức tỉnh cô đơn não nùng/Trong muôn hạt bụi trùng trùng/Hạt nào từ một cõi hồng vẩn vơ?”.

Nhưng khác với xu hướng hiện thời, người làm thơ thường đi vào tìm tòi cách tân hình thức mà đôi khi lãng quên nội dung, khiến người đọc không ít lần bị đánh đố, đọc thơ xong vẫn chẳng hiểu gì.

Thơ Trần Văn Khang tôn trọng lối sáng tác truyền thống, coi trọng nội dung, coi trọng cảm xúc, như quan niệm: “Thơ là tiếng lòng”.

Thơ anh bình dị trong câu chữ nhưng không vì thế mà khiến người đọc hờ hững cho qua. Trong 36 thi phẩm trình làng lần này, Trần Văn Khang đã dành một phần lớn cho dòng chảy ký ức, từ hình ảnh người cha làm ruộng: “Dáng cha lom khom/Như kéo mặt trời lên/Cha cố cuốc xong thửa ruộng” tới “bóng mẹ nhỏ nhoi/Tiễn con tới khuất con tàu năm đó”

Nơi anh sinh ra, Hà Nội với phố Nguyễn Du, đền Ngọc Sơn hay Sài Gòn, nơi Trần Văn Khang lập nghiệp, đều đi vào thơ anh bằng cảm xúc dạt dào. Như nhiều thi sĩ, Trần Văn Khang cũng sáng tác thơ tình.

Có đôi khi tác giả làm ta mỉm cười bởi những ý nghĩ khỏe khoắn, đầy màu nam tính, khá thiếu vắng trên thi đàn hiện nay. Thí dụ, khi anh vẽ chân dung đàn ông: “Gồng mình. Người đàn ông gánh nặng trên vai/Một bên trái đất, một bên người tình/Nếu phải vứt một bên nào đó/Người đàn ông tự vứt mình”. 

MỚI - NÓNG