Những mùa chim thương mến

Những mùa chim thương mến
TP - Mỗi lần rời Hà Nội về làng quê ven sông Ðà, tôi vẫn thường lặng lẽ đi lại những con đường thuở thiếu thời từng in dấu, để sống lại cảm xúc tươi rói, giàu thi ảnh tuổi thơ, mà đời người sẽ không bao giờ trở lại, ngoại trừ kí ức. 

Lại như thấy đâu đó trong không gian mờ chồng, đồng hiện bóng dáng bạn bè, người thân. Có người thi thoảng gặp, người đã vơi rồi trong ảo mờ sương gió phía cánh đồng cỏ may xao xác, người rời làng từ nhiều chục năm, xa lắc phương Nam, mịt mờ xứ khác, mà có lẽ cũng khó gặp lại trong đời.

Ðôi khi đứng tần ngần bên góc bờ ao xưa, từng mòn nhẵn những trưa hè câu cá. Ðôi khi nhớ bến sông náo nức hoàng hôn, nhớ một mái tóc dài buông chảy trong dư ảnh bồng bềnh sương khói. Trong muôn thầm thì dòng chảy kí ức, chợt có lúc dào lên sự trống vắng, hẫng hụt đến nao lòng, bởi nhớ một cánh chim. 

Thì ra, cái mà ta thiếu hụt, tưởng rất đỗi bình thường, nhưng bảng lảng mà da diết đến thế, chỉ một tiếng vỗ cánh hay tiếng chim nào đó của ban mai. Trong không gian bê tông ngột ngạt thị thành, lại càng thèm thế những mùa chim ríu rít, những vườn quê cây trái sum suê chim rủ nhau về làm tổ.

Nhưng đã lâu lắm, không còn được thấy những chú chim sẻ, chào mào… cắp những cọng rơm vàng ngó nghiêng ngộ nghĩnh, như sợ loài người phát hiện ra mình, trước khi tíu tít bay lên chái nhà, lên những bẹ cau, bụi chuối, cây xanh trong vườn làm tổ. Những chiếc mỏ chim nhỏ xíu, khéo léo và cần mẫn đan từng sợi mùa màng, đan hơi thở cánh đồng thấm đẫm hơi quê vào hạnh phúc đơn sơ tổ ấm và bầu trời cao xanh yên bình.

Sẻ là loài chim hoang dã, “bình dân” và thích ở gần con người nhất. Chúng thường làm tổ trên những ống dui bằng tre, bương bên chái nhà hoặc trên những bẹ cau; sà xuống góc sân, hiên nhà mổ thóc, nghịch ngợm bầy đàn. Chích choè (quê tôi gọi chìa vôi) và chào mào lại chọn tổ ấm trên những buồng chuối cong, hay trên nách những bẹ chuối um tùm, kín đáo. Sáo sậu và quạ thích làm láng giềng với nhau trên những cành đa, hốc gạo già xù xì thời gian.

Tuổi thơ đã bao lần hồi hộp và thích thú với những tổ chim, rình ngắm những chú chim non ngây thơ ngoác những cái miệng đỏ hỏn, tròn xoe chờ mồi, mỗi khi chim mẹ về, hoặc mỗi khi có tiếng động. Ấy là bản năng sinh tồn kì diệu của tạo hoá, giống những đứa trẻ mới lọt lòng đã lẩy bẩy cặp môi hồng tìm vú mẹ.

Những cú ngã cây, rách quần vì leo trèo nghịch ngợm với thiên nhiên hoang dã, những khi khóc dấm dứt vì lỡ để mèo vồ mất một chú chim hoặc trẻ hàng xóm rình bắt trộm… Tất cả niềm vui, nỗi buồn, tốt xấu, những tò mò tinh nghịch của tuổi thơ ấy đều làm giàu thêm kí ức, tâm hồn quê kiểng. Như vẫn bao đời nhọc nhằn và dân dã tương cà mà thẳm sâu thương nhớ!

Trong muôn thầm thì dòng chảy kí ức, chợt có lúc dào lên sự trống vắng, hẫng hụt đến nao lòng, bởi nhớ một cánh chim.

Giờ thì đã mấy thập niên, tôi không còn thấy những đàn sếu phương Bắc bay ngang sông Ðà về phương Nam vào tiết Ðông, nơi tuổi thơ có những khát khao kì lạ trào dâng, không định hình, mải miết dõi theo cánh chim về phương nào xa lắc, mà bịn rịn một nỗi buồn vô cớ.

Cũng tịch bóng trên đồng làng, trên ngọn đa, ngọn xoan bầy quạ. Quả thực lâu lắm rồi không còn nghe tiếng quạ kêu. Có lẽ trẻ em rồi sẽ chỉ biết quạ trong những câu chuyện cổ tích. 

Biết những chú gà mái xoè cánh che đàn con khi chấp chới cánh diều hâu săn mồi, một bản năng sinh tồn của thế giới tự nhiên, một tình mẫu tử mẫu mực ngay cả ở những loài muông thú, có lẽ chỉ còn trong sách vở ở những thế kỉ trước. 

Những cánh én mùa xuân tíu tít chao liệng, hoặc đậu dài trên đường dây điện thoại, như những dấu ngoặc đơn ngoặc kép trên khuông nhạc chạy ngang cánh đồng, dường như cũng sắp sửa chỉ còn trong thi ca, trong nỗi niềm hoài vọng mà thôi.

Những mùa chim thương mến ảnh 1

Cả những chú chích choè, chào mào, sáo sậu vốn gắn liền thuở chăn trâu cắt cỏ, luồn lách trốn tìm trong bờ ngô bãi mía cũng thưa thớt dần trong kí ức làng quê.

Có nhiều lí do để những loài chim chỉ còn lại trong quá vãng xa xôi của những người luống tuổi. Sự biến đổi khí hậu, môi trường sống? Vâng, cái giá mà con người đang gánh trả ấy ngày càng đè nặng. Ðến cả sẻ, loài chim bạo dạn và gần gũi với con người và làng quê là thế nhưng gần đây, các nhà sinh học đã lo lắng khi loài chim mắn sinh xôi nảy nở này cũng dần vơi đàn, bởi đã không còn những ngôi nhà tre, nứa; hoặc thiếu những hốc ngói, tàu cau… nơi chim có thể về làm tổ.

Thế cũng chưa là gì so với những mẻ lưới giăng lưới chụp, những thủ thuật săn bắt hàng loạt mới là cuộc càn quét tàn bạo nhất của con người vào môi sinh. Người Việt mình vẫn còn chìm lâu trong mông muội của kỉ nguyên săn bắn và hái lượm (nói như Các Mác). Vẫn một thói quen đục đẽo của thiên nhiên là chính, thì làm sao những cánh chim không lẻ bầy, vơi vỗ không gian! 

Ðể ăn một bát tiết canh sẻ, cái món đặc sản khoái khẩu của nhiều môn đệ rượu tiết kinh kì, sẽ là bao nhiêu con chim sẻ, khi mỗi chú chim tí xíu chỉ đủ nhểu vài giọt máu loãng dưới lưỡi dao tử thần?

Những mùa chim thương mến ảnh 2

Hàng ngày đi dọc đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội những năm trước, không khó gặp người ta bán hàng xâu chim diệc, trĩ, gà lôi, cò lửa, cuốc… Trong số nhiều xâu chim trúng bẫy, sa lưới, có cả những chú chim sẻ rán nóng hổi trên những cái bếp di động của vỉa hè. Dịch vụ ẩm thực phi mậu dịch quốc doanh này có vẻ năng động và thức thời khi nắm được thị hiếu và tiện lợi của vỉa hè. 

Món sẻ nóng, giòn, ngọt, ngậy, chặt, vừa gắp, lại ghếch xe vỉa hè vài phút là mua được một bịch, thậm chí ngả mẹt ngồi xệp cụng bia hơi luôn bên bếp rán cho đỡ thèm, sau một ngày lao tâm sinh kế. Nhưng cho đến bây giờ, dường như đã mất hút những cái bếp di động ấy ở những con phố xưa. Ðã cạn kiệt các loài chim đồng quê rồi ư?

Gần đây báo chí cũng nói nhiều đến việc làm hàng giả trong thương vụ chim sẻ rán vỉa hè, dọc đường. Thay vì chim, người ta rán những chú vịt “bây by” (vịt non) mới ra ổ cho săn lại và treo giá chim sẻ. Thế nghĩa là, thêm một lần chiêm nghiệm chim sẻ cũng đang trở thành hàng hiếm.

Nhiều như chim sẻ, nhiều đến nỗi vài thập kỉ trước, người Trung Quốc phải mở chiến dịch diệt chim sẻ bằng cách nơi nơi, nhà nhà cùng gõ thúng mủng, xoong nồi để chim bay mỏi cánh mà tự rơi xuống. Thế mà, bây giờ thị trường hàng nhái Hà Nội đã nhái cả chim sẻ, thì làm sao ta không lo những mùa chim đã và sẽ chết trong kí ức.

Tôi cảm thấy may mắn khi còn được nhìn những bầy quạ khoang đậu kín trên những vạt rừng bạch dương ngoại ô những thành phố Nga; thấy từng đàn bồ câu sà xuống, quấn quít chân người bên Nhà thờ Ðức Bà và những công viên ở Paris, thấy từng bầy bói cá, vịt trời, bồ nông… gần gũi bên những người nông dân tắm gội, sinh tồn trên sông Hằng vĩ đại. Tôi cũng thật thích thú và sung sướng khi thỉnh thoảng đến thăm một vườn cò ở Ba Vì, núi Tản hoặc miền Tây Nam bộ xứ mình.

Bạn biết không, khi bạn ở trong không gian cây xanh tíu tít, xôn xao những cánh chim tủa lên vòm trời xanh biếc và tiếng hót đa tần lay thức bình minh, hoang sơ như thế, bạn đã có một thế giới khác, thế giới của thiên nhiên và sự sống hoà quyện; thế giới của bình an, giàu xúc cảm, tự tin và khát vọng thật trong lành.

Có lẽ vì thế mà ta bỗng thấy chơi vơi, hoang vắng và bẫng lẫng biết bao nỗi nhớ cánh chim và những âm vang giai điệu của đất trời. Có cách gì để những mùa chim trở lại? Có cách gì để chữa chạy cho chính sự nhạt nhòa vô cảm của người đời? Tôi cứ lẩn thẩn trên con đường kí ức mà gọi những loài chim. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.