Những người mua vé về quá khứ

Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng (từ trái qua phải).
Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng (từ trái qua phải).
TP - Không chỉ có những văn nhân như Nguyễn Tuân, Vũ Đình Liên mới lưu luyến những gì vang bóng. Giữa thời “táo cắn dở” lên ngôi vẫn có những  người xếp hàng mua vé về quá khứ. Và những con chữ của cha ông đã được đánh thức trên hành trình ngược thời gian của họ.

Tìm thấy chiếc chìa khóa đa năng

Trước đây tôi đã từng đọc một bài phỏng vấn vị tiến sỹ sinh năm 1980 này  liên quan một vấn đề khá trần trụi: Chuyện tăng lương. Những câu trả lời của Trần Trọng Dương khiến người ta chạnh lòng: “Tôi cứ nói vui với bạn bè là “lương này thì cứ tập yoga-hít thở đều là sống”; “Hầu như sách tôi có được là từ trước khi lấy vợ. Còn từ ngày lấy vợ thì hầu như không mua được mấy. Vì mua sách là lạm ngay vào tiền sữa, tiền thức ăn của con”. Nếu việc đeo đuổi Hán Nôm khiến “áo cơm ghì sát đất” thì lí do nào để Trần Trọng Dương tiếp tục đam mê? Nếu không vì lợi, ắt vì danh? Tiến sỹ trẻ thẳng thắn: “Cái “danh” đối với tôi là một sự phiền phức. Nhưng tôi lại là người muốn đem những điều tìm hiểu được về văn hóa cổ truyền của Việt Nam đến với xã hội, nên đành phải “chường” mặt ra vậy. Riêng về Hán Nôm, đó là một thứ nhân duyên. Tôi là người thích mày mò, được học Hán Nôm và được theo nghề đó là điều may mắn lắm rồi. Cái thứ chữ cổ kính ấy như một chiếc chìa khóa đa năng để tôi đi vào khu rừng mênh mông của văn hóa Việt Nam. “Du lịch về quá khứ”, đó là điều lớn nhất mà tôi có được”.

Thực trạng khiến Nguyễn Quang Thắng day dứt là thư pháp Tiền Vệ chưa tìm được thị trường nội địa, những con chữ của anh phải du lịch bốn phương: Mỹ, Thụy Sĩ, Đài Loan, Hồng Kông… Bức thư pháp anh bán được giá nhất là 3.500 đô la.

Năm 2012, Trần Trọng Dương đã vinh dự được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ (VNPF) trao giải thưởng học giả trẻ nghiên cứu chữ Nôm. Nhưng với tiến sỹ trẻ dù có hay không có giải thưởng  thì tình yêu Hán Nôm trong anh vẫn không đổi: “Tôi làm việc như một thói quen, và làm việc như một trách nhiệm, ít nhất đó là trách nhiệm đối với chính bản thân. Vì thế, tôi tự coi tình yêu công việc và các sản phẩm mình làm được như là một phần thưởng lớn nhất rồi”. 

Bằng chiếc chìa khóa vạn năng Hán Nôm, Trần Trọng Dương đã mở cửa vào Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, đây được coi là cuốn từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi, cũng là cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt cổ thế kỷ 15. Một số cuốn từ điển đã xuất bản hiện nay gây không ít tranh cãi, thậm chí tạo “bão” trong dư luận, còn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, được giới chuyên môn đánh giá là cuốn từ điển đáng tin cậy. Không phải Trần Trọng  Dương là người đầu tiên và duy nhất nghĩ đến việc thực hiện cuốn từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi, tuy nhiên chỉ có anh bằng nhiệt huyết dồi dào với văn hóa cổ, bằng sự kiên nhẫn và chịu khó, chịu khổ mới dám bắt tay vào một công việc nhọc nhằn, ít lợi nhuận như thế.

Những người mua vé về quá khứ ảnh 1

Bức Ngựa đồng (tiếng Hán: Dã Mã) tác phẩm tâm đắc của Trần Trọng Dương. “Ta đang tìm gì trong khoảng thời gian sinh mệnh quá ngắn ngủi này? Vì cuộc đời mỏng mảnh và thoảng qua như một sợi khói dưới vó ngựa hoang trên cánh đồng bất tận kia...”

Không nhận mình là một thư pháp gia nhưng những người quan tâm đến thư pháp đều biết Trần Trọng Dương là một trong năm thành viên của nhóm thư pháp Tiền Vệ. Tuy nhiên anh chỉ coi đây là cuộc dạo chơi nghệ thuật. Và Hán Nôm với anh thực ra cũng là một trò chơi. Hãy nghe anh “quảng cáo” về độ hấp dẫn của trò chơi này, có kém gì trò chơi điện tử: “Mỗi một văn bản Hán Nôm như một “hố khảo cổ”, ở đó bạn có thể đọc được nhiều thông điệp của quá khứ, đó cũng là một cái thú. Nhưng thú hơn cả là bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những “hiện vật lạ lùng” chưa từng ai biết đến, đó là những con chữ “chưa từng xuất hiện trong từ điển”, đó là những mật mã của quá khứ chờ bạn giải mã. Nói một cách ví von, đó là một trò chơi trí tuệ, bạn có thể “game over” bất kể lúc nào, nhưng nếu “phá đảo” được, thì lúc đó chỉ còn lại hân hoan bất tận”.

Đưa chữ du lịch bốn phương

Thư pháp hiện nay ở ta có thể tạm chia thành ba dòng: Dòng vỉa hè là dạng phổ thông, mặc dù hành nghề tại vỉa hè Văn Miếu mỗi khi Tết đến xuân về có khá nhiều thư pháp gia nổi tiếng; dòng thư pháp cổ điển lôi kéo một lực lượng thư pháp gia không nhỏ chuyên phục chế hoành phi, câu đối trong đền chùa; dòng thư pháp tiền vệ, vẫn dùng chữ Hán và chữ Nôm để viết nhưng ảnh hưởng của trào lưu nghệ thuật đương đại tạo ra dòng tranh thư pháp tiền vệ (Tiền vệ có nghĩa là tiên phong). Thư pháp tiền vệ ban đầu có 5 thành viên, thăng hoa vào thời điểm 2010, hiện tại còn trụ lại hai thành viên vẫn đi với nhau và cùng sáng tạo. Một trong hai thành viên đó chính là thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng. Người còn lại là Lê Quốc Việt.

Những người mua vé về quá khứ ảnh 2

Triển lãm thư pháp “Trứng rồng” của Trần Trọng Dương và Nguyễn Quang Thắng, kết hợp nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật Hán Nôm cổ truyền, viết trên 1.000 quả trứng đà điểu chữ Long theo các thể khác nhau: Chân, thảo, lệ, triện.

Nguyễn Quang Thắng sinh năm 1973 vốn là sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học. Với sự phát triển rầm rộ của trào lưu viết chữ ngoài Văn Miếu vào mỗi dịp tết đến xuân về, ít ai nhớ rằng khởi nguồn cho trào lưu thư pháp vỉa hè lại chính là hai nhân vật của nhóm thư pháp Tiền Vệ: Nguyễn Quang Thắng và Lê Quốc Việt. “Cách đây hơn 10 năm chúng tôi mới ra trường chưa có việc làm, đói nên động viên nhau ra vỉa hè. Ban đầu xấu hổ lắm. Tiến sỹ Trịnh Bản Kiều còn lê la vỉa hè bán chữ, bán tranh, còn bị công an và dân phòng đến tịch thu đồ nghề nghĩa là chúng tôi”.

Mấy năm vừa qua nhà thư pháp không còn ra Văn Miếu bán chữ, bởi tự biết không thể cạnh tranh nổi với những người lớn tuổi có vẻ ngoài giống ông đồ xưa: “Khách hàng chỉ thích xin chữ của các cụ thôi, tầm tuổi như chúng tôi rất ít khách”. Cho nên “cái mã bên ngoài” xem chừng cũng giúp ích cho một số người và cũng lại hại không ít người. Hán Nôm đã trở thành “thứ văn tự chết ở nước ta gần trăm năm nay” (Trần Trọng Dương) nên việc “thượng đế” không tự phân biệt được “vàng, thau” cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Quang Thắng, trước khi định xin chữ của ai đó, bạn nên tham khảo tài liệu trên mạng để tự trang bị cho mình kiến thức nhất định về thư pháp. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra thông tin về thư pháp gia sẽ viết chữ cho mình, tránh tình trạng “adua” thấy ai bán chữ chạy thì vào: “Giống như nghe một bài hát bạn phải nghe cả nhạc lẫn lời. Thư pháp cũng vậy, phải song hành giá trị nội dung và hình thức. Cùng một chữ “Tâm” nhưng nhà thư pháp nào giàu tình cảm và tài năng hơn sẽ ra chữ đẹp hơn và đương nhiên đắt hơn.

Nhiều người được đào tạo chữ Hán nhưng cầm bút được, sáng tác được lại là câu chuyện khác. Muốn trở thành thư pháp gia phải hội tụ những phẩm chất: Tài năng, tư tưởng, học vấn, đạo đức”. Thư pháp gia nổi tiếng đã cùng với bạn của mình có những việc làm thiết thực để xây dựng công chúng, phổ biến kiến thức về thư pháp. Họ đã từng thực hiện trình diễn cộng đồng tại lễ hội, hướng dẫn cho học sinh tập viết, sáng tác chung với các em.

Tuy nhiên thực trạng khiến Nguyễn Quang Thắng day dứt là thư pháp Tiền Vệ chưa tìm được thị trường nội địa, những con chữ của anh phải du lịch bốn phương: Mỹ, Thụy Sĩ, Đài Loan, Hồng Kông… Bức thư pháp anh bán được giá nhất là 3.500 đô la. Đây quả là con số lớn với “thượng đế” bình dân nhưng không thấm tháp gì so với “thượng đế” sử dụng siêu xe, hàng hiệu đang ngày càng “vượng”  ở Việt Nam.

Năm 2015, hứa hẹn là một năm  thư pháp gia được mùa triển lãm ở trong nước và nước ngoài. Cụ thể, trước Tết Nguyễn Quang Thắng sẽ có một triển lãm tại Hà Nội, mở cửa trong vòng một tháng, tất cả những bức thư pháp trưng bày ở đây đều có giá khác xa với thư pháp vỉa hè.  Quan điểm của tác giả: “Tôi không thỏa mãn thú vui bình dân vì đã là nghệ thuật thì không thể bình dân được”.

 Một bức thư pháp nếu biết gìn giữ sẽ bền lâu: “Giấy xuyến nếu không bị dính ẩm có thể để được 300, 400 năm nhưng nếu bị dính ẩm sẽ tan ngay như… giấy vệ sinh”. Nguyễn Quang Thắng đang công tác tại Viện Hán Nôm, anh đang viết luận án tiến sỹ về thư pháp.

Anh tin tưởng vào sự tươi sáng của thư pháp trong tương lai: “Hồi chúng tôi mới làm thư pháp thấy xung quanh thưa vắng. Đời sống kinh tế đang trên đà phát triển, càng ngày lượng người biết thư pháp càng đông. Tôi tin thư pháp sẽ phát triển ở thế hệ con cháu chúng ta”. 10 tuổi đã học chữ Hán với ông nội. Đến nay đã vào tuổi tứ tuần, Nguyễn Quang Thắng chưa bao giờ nuối tiếc đã gắn bó với những con chữ xưa cũ: “Tôi sống được với nghề bán chữ, tuy không giàu”. 

Nhóm thư pháp Tiền Vệ gồm 5 thành viên: Nguyễn Quang Thắng, Lê Quốc Việt, Trần Trọng Dương, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn, bắt đầu hoạt động từ năm 2006. Trong 5 người này (gọi là ngũ tử Tiền Vệ) chỉ có Lê Quốc Việt học mỹ thuật, còn lại đều học Hán Nôm, không được đào tạo về mỹ thuật. “Chúng tôi mạnh dạn lập ra nhóm thư pháp Tiền Vệ dựa trên nền tảng cổ nhưng cởi mở hơn” (Lê Quốc Việt). Các triển lãm của nhóm: Hồn thu thảo, Chữ, Vô ngôn… Tại triển lãm Chữ kéo dài 2 tháng tại 87 Mã Mây bức Sỉ nhục của Lê Quốc Việt đã được bán với mức kỷ lục: 4.000 đô la. Hiện nay, trong 5 thành viên chỉ còn lại 2 thành viên vẫn tích cực hoạt động là Nguyễn Quang Thắng và Lê Quốc Việt, số còn lại bận du học hoặc những công việc nghiên cứu khác, ít có thời gian hơn cho cuộc chơi thư pháp. 

MỚI - NÓNG