Những thiên thần nhỏ của âm nhạc truyền thống

Những thiên thần nhỏ của âm nhạc truyền thống
Đáng yêu vô cùng là cảnh những cô bé cậu bé quần áo bà ba, tứ thân... đàn những bản nhạc ngộ nghĩnh.

Gần 200 “nghệ sĩ nhí” thuộc 10 CLB âm nhạc truyền thống có mặt từ rất sớm sáng 9/4 tại Phòng hoà nhạc Nhạc viện HN để tham dự Liên hoan Âm nhạc truyền thống các trường tiểu học HN, trong dự án Đưa âm nhạc truyền thống về giới thiệu và đào tạo tại các trường tiểu học, phát triển khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống tương lai - Quỹ Ford tài trợ.

Một tuần trước đó, cứ sau giờ học là các “nghệ sĩ” lại tập dượt làm quen với “sân bãi”. Cuối chiều 8/4 chúng tôi đến đúng buổi tổng duyệt của trường Lê Văn Tám,  mấy cô cậu áo quần xúng xính đâu ra đấy nhưng cứ nhảy tứ tung, chạy theo chóng hết cả mặt mới “túm” được 3 cậu, hỏi có thích học không, cả 3 vừa thở hổn hển vừa: “Có ạ”; hỏi học được bao nhiêu bài rồi? Nhẩm nhẩm: “30 bài ạ”.

3 cậu bé lại chạy tót đi. Hôm sau còn nhộn nhịp hơn, hành lang chặt kín các “nghệ sĩ” hồi hộp bên cây đàn ôn bài. Cậu bé Vương Viết Hùng (lớp 4A TH Kim Giang) đang chuẩn bị độc tấu đàn nhị bài  “Chị ong nâu và em bé”, nửa muốn xem các bạn “thi đấu’ nửa sợ quên nên cứ chạy vào rồi lại chạy ra với cây đàn. Cũng may phần độc tấu của cậu trót lọt không có lỗi nào.

Những bản hoà tấu mà các trường mang tới cũng hết sức đáng yêu, bên cạnh “Gà gáy le te”, “Inh lả ơi”, “Lý kéo chài”, “Trống cơm”... là những ca khúc thiếu nhi: “Lớp chúng ta đoàn kết”, “Chiếc đèn ông sao”, “Những em bé ngoan”, tất cả đều rất quen thuộc, phần lớn nằm trong sách giáo khoa. Khá bất ngờ bởi qua đây đã phát hiện được nhiều em có năng khiếu có thể theo học chuyên nghiệp, như Trâm Anh (TH Dịch Vọng B), Thu Hồng (TH Dịch Vọng B), Thuỳ Ngân (TH Phương Nam) ...

Ấn tượng nhất có lẽ là cô bé lai Ziana - TH Đoàn Thị Điểm, độc tấu đàn bầu bài “Lý thương nhau” rất có hồn. Bố cô bé người ấn Độ - anh Cmei Tuan Jerry Hajireen là TGĐ Khách sạn Quốc Hoa, bận việc nhưng  bố mẹ rất thích nghe Ziana đánh đàn bầu.

Dàn nhạc trường TH Hoàng Hoa Thám “hoành tráng”, ngoài 8 nhạc cụ (bầu, sáo, nhị, nguyệt, tỳ bà, tranh, tam thập lục, gõ dân tộc) trong giáo trình trường còn có thêm Krông- pút, T’rưng, thêm sự tham gia của các cô giáo.

Thì ra hiệu trưởng trường đã vận động ai có điều kiện nên tham gia, vậy là riêng ở trường này cả cô và trò đều là học sinh. Cô Nguyễn Kim Oanh cho biết: “Dạy văn hóa nhưng tôi rất thích chương trình này nên tuần nào cũng có mặt, tôi cũng đã áp dụng tiếng đàn tỳ bà minh hoạ cho một số tiết học kể chuyện”.

Cô giáo Oanh cũng “khoe” 16/3 vừa qua dàn nhạc truyền thống của trường đã vinh dự biểu diễn trong chương trình khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam á. Bà Ngô Bích Vượng, chủ nhiệm khoa Âm nhạc truyền thống NVHN  thì kể: “Chúng tôi xây dựng giáo trình theo kiểu vừa học vừa chơi, kể chuyện rồi cho các em đánh thử, sau đó mới dạy bài nhạc cụ thể”.

Lúc đầu dự án thí điểm ở 10 trường mỗi trường dự tính tuyển khoảng 30 em vậy mà các em hưởng ứng rất đông, nhưng khuôn khổ dự án chỉ tuyển được 354 em học chính thức. 2 năm, 600 em đã tham gia. Bên cạnh đó còn nhiều buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống cho hàng chục nghìn em.

GS. TS Nguyễn Thuyết Phong từng tâm sự với chúng tôi rằng ở Mỹ, cứ có thời gian rỗi ở trường đại học là ông lại tới trường mẫu giáo, tiểu học giới thiệu âm nhạc truyền thống VN. Đồng nghiệp của ông cũng vậy. “Không nên chỉ bó gọn trong khuôn khổ của một dự án, cần nhân rộng thành chương trình phổ cập” (kiến nghị của chị Lưu Thị Tường Vân- hiệu trưởng trường TH Hoàng Hoa Thám).

MỚI - NÓNG