Nơi bắt đầu “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh

Nơi bắt đầu “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh
TP - ...Tôi về Hà Nội năm 1983, khi vụ án trong văn chương đã im ắng, người ngưng viết đã ngưng viết còn Nguyễn Xuân Khánh thì sau ba năm nghỉ “mất sức” vì nó...
Nơi bắt đầu “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (phải) và nhà thơ Thi Hoàng tại Hội nghị lý luận phê bình (Đồ Sơn, 10/2006).  Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Song lại làm Bí thư Chi bộ, Trưởng khối 51, khu (quận) Hai Bà đã trở lại báo Thiếu niên tiền phong..., làm một viên chức vô danh.

Chứ thực ra, ông đã viết từ năm 1955 cùng với lớp nhà văn con đẻ của thời đại: Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Vũ Bão, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Kiên...

Năm 1957, truyện Một đêm của ông giành Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

- Ông ơi, tôi mới chỉ đọc có vài chương Trư cuồng mà thấy khốn khổ quá, thấy cái mùi lòng lợn trôi lập lờ dưới dòng sông đen Kim Ngưu át cái mùi chè Thái thấp thoáng như một nỗ lực xoa dịu bất lực. Ông sống có khổ thật như vậy không? Khổ thế sao văn lại đẹp thế?

Nguyễn Xuân Khánh nói:

- Tôi đã làm thợ may 7 năm, thợ khoá, dịch sách, hợp tác xã mua bán và lao động cải tạo cùng với lưu manh đĩ điếm 1 năm. Trư cuồng, một trong những cuốn tiểu thuyết viết về loạt đối thoại với Chúa, với quỷ trong ta. Đó là bối cảnh sống thực của tôi và có thể nói, đó là những năm cả thành phố nuôi lợn.

- Sống cùng lợn trong căn hộ khép kín quả thực đã để lại một mùi ám rất khó tẩy rửa trong ký ức phát triển của chúng ta. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn gọi đó chính là thời xa vắng và chỉ ra những di luỵ của nó... Còn ông, ông đã thành nhà văn, một nhà văn có những trang văn cứ ánh lên vẻ đẹp... Vì sao như vậy?

- Nhà văn là một nghề lầm lũi. Nhưng chảo đắng chỉ là một trong các vecter tác động vào nhà văn rồi tuỳ tạng mà thành ra phong cách.

- Vâng, không thế thì nhiều người sẽ bảo tại hoàn cảnh mà tôi không thành nhà văn. Nhưng, khổ mà viết hay thì dù sao cũng dễ hiểu hơn là khổ mà lại viết đẹp?

- Tôi mồ côi cha từ năm còn bé, năm sáu tuổi. Sống với mẹ quá lâu, đó là một vecter quan trọng làm nên giọng điệu tâm hồn.

- Vấn đề hình như đã vỡ ra: Mồ côi cha, ý thức tự lập sớm làm nên cái cứng cỏi còn môi trường mẫu phổ vào điệu tâm hồn?

- Cái vecter Tự lực văn đoàn cũng tác động vào điệu tâm hồn tôi. Ông ơi, cái tiếng Việt thế kỷ XIX nó còn thô sơ lắm.

Mới đây, nhân thông tin Nhật hoàng Minh Trị tiên khởi canh tân bằng việc cho dịch 700 cuốn sách phần lớn là triết học và lịch sử đã nâng tư duy của người Nhật lên tầm nhân loại, có người đã trách thời Tự Đức những Nguyễn Trường Tộ sao không cho dịch Platon, Aristoteles, Montesquyeu, Washington...

Họ có biết đâu tiếng Việt hồi ấy dịch làm sao nổi? Nửa đầu thế kỷ XX thậm chí có nhà lý luận còn muốn đưa tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thống - học đường nhưng sau 1930 - 45 không thấy ai còn ngo ngoe về vấn đề “tiếng Việt hay tiếng Pháp” nữa.

Có thể nói một sự thực mà còn ít người đánh giá công lao đúng với tầm của nó là bước đi khổng lồ của tiếng Việt trong thế kỷ XX. Nó là dưỡng chất nuôi lòng yêu nước yêu người, là lợi khí để tư duy phát triển... Trong bước đi khổng lồ ấy có sự đóng góp của các nhà văn Tự lực văn đoàn.

- Và ông lặng lẽ ghi công họ bằng cách làm cho tiếng Việt ánh sắc lên vẻ đẹp nhân ái và khát vọng?

- Vâng, nhưng khát vọng nhân ái thì đúng hơn. Cái vecter Marxit cũng tác động đến đời viết văn của tôi. Nó rèn dũa nghị lực, ý chí tranh đấu, chống lại cái ác. Cũng chính trong khi nghiên cứu về quá trình phát triển tiếng Việt mà ngôn ngữ dân gian đã gợi ý để mình phát triển thành Mẫu thượng ngàn.

- Lát nữa tôi sẽ nói đôi điều về Hồ Quý Ly, còn bây giờ, xin ông nói về cái được của Mẫu thượng ngàn?

- Nó được tái sinh trên cái nền bản thảo của Làng nghèo tôi viết từ những năm 1960. Sau Phá vây của Phù Thăng, một cuốn sách rất chiến tranh cách mạng, nhưng chỉ vì mấy câu lính tráng nói với nhau “Đời chó thế” mà một vị tướng bảo rằng như vậy là nói xấu xã hội...

Mình đã chột mà bỏ đấy. May Lê Bầu còn giữ cho mình một bản. Cho nên ông sẽ thấy về cấu trúc, nó cổ điển nhưng thủ pháp đã hiện đại. Ông sẽ thấy cái hồn Việt được đựng trong các mô típ dân gian, các câu hát hầu bóng, văn tế, chuyện tiếu lâm suồng sã, hoang đường. Tóm lại, thật bề bộn Folklo…

- Tôi cũng thấy như vậy...Thế còn cái chưa được của Mẫu thượng ngàn?

- Có lẽ nó hơi dài. Tôi không còn đủ thì giờ để gọt rũa nó.

- ...Thú thực, nếu không vì cái mặt nửa quỷ nửa thánh của Trịnh Huyền - Đinh Công Phác buộc tôi phải theo để biết kết cục và giải mã ẩn dụ nó, thì tôi đã bỏ không thể đọc tiếp. Tôi đã nói là văn ông rất đẹp, nhất là ở Hồ Quý Ly, nhưng nhiều chỗ dài dòng đến quê mùa... 

Nhưng, đó chỉ là vật cản thôi, chứng cứ là tôi đã đọc hết... Nhưng để nó là hiện đại, hình như Mẫu thượng ngàn cần sự dồn nén, cần thêm một chút bâng quơ, một chút hoạt ngôn bên cạnh cái hoạt náo làm tình đã có?

Thuần quê, hay thuần tỉnh cũng có thể rất thành công,  nhưng không hồn Việt , nửa quê nửa tỉnh như Tô Hoài và ông?

- Tôi không có nhiệm vụ chứng minh lý thuyết. Nhưng đúng tôi là nửa quê nửa tỉnh. Tôi quê gốc ở Cổ Nhuế, Từ Liêm. Ở đây là ở đất quê mẹ, xung quanh là các ông phán, ông cử, ông công nhân nhà đèn và các bà buôn thúng bán gánh. Tôi nhớ hình như Văn Chinh có viết ở đâu đó rằng tiểu thuyết là đứa con ngoài giá thú giữa ông bố quý tộc bất mãn và bà goá thị dân?

- Xin cảm ơn ông. Sau Mẫu thượng ngàn, và nhất là sau khi đã được nắm bàn tay rất cứng cỏi của ông, tôi rất tiếc là Hồ Quý Ly còn cần thêm một liều lượng cứng cỏi nữa, nó mới ra nhân vật rất bi kịch này...

- Tôi muốn nhìn Hồ Quý Ly qua nhiều góc độ: Trần Khát Chân, Trần Nghệ tông, Nguyễn Cẩn... và dành quyền tự lắng đọng lấy cái nhìn của bạn đọc đối với nhân vật lịch sử này.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng sau mấy lần tôi lách câu hỏi vào những năm oan trái của đời ông và bị bật ra: “Thôi thôi, xin ông. Nói làm gì”.

Nguyễn Xuân Khánh... dường như chỉ viết, viết hết ngàn trang này lại đến ngàn trang khác. Những con chữ lầm lụi và ly ti của ông đã ủ thành nụ và, trong tâm hồn bạn đọc, nó bật nở ánh trắng với ít nhiều huyền bí - hoa mai. Rất có thể, vì đất ông ở xa xưa là trại mai của Trần Khát Chân danh tướng.

Tháng 3/2007

MỚI - NÓNG