Nỗi niềm 'đào chính' đắt show bậc nhất Sài Thành một thuở

Báo chí thời đó ca ngợi Hoa Mỹ Hạnh như một đào hát đắt show.
Báo chí thời đó ca ngợi Hoa Mỹ Hạnh như một đào hát đắt show.
Không gia đình, nhà cửa, đào chính của đoàn cải lương Tấn Tài khi xưa mưu sinh bằng nghề sơn móng dạo.

Cải lương từng là hình thức giải trí thịnh hành tại miền Nam vài chục năm trước đây. Thời kỳ đỉnh cao, nghệ sĩ cải lương được hâm mộ không kém minh tinh màn ảnh rộng. Khi hình thức nghệ thuật này thoái trào vào thập kỷ 1990, nhiều nghệ sĩ lâm vào cảnh khốn khó, đi ở nhà thuê, mưu sinh vất vả bằng nhiều công việc khác nhau. Hoa Mỹ Hạnh là một trong nhiều nghệ sĩ như vậy. Hàng ngày, người dân sinh sống dọc bờ sông Sài Gòn, đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM vẫn gặp bà mưu sinh bằng nghề làm móng dạo.  

Hoa Mỹ Hạnh tên thật là Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1954 trong một gánh hát cải lương. Thân mẫu của nghệ sĩ là một phụ nữ mồ côi, vì ái mộ cải lương đã trốn nhà, phiêu bạt khắp nơi theo một kép hát. Hoa Mỹ Hạnh lớn lên giữa không khí nhộn nhịp của các đoàn cải lương nửa thế kỷ trước, lấy đoàn hát làm nhà, tứ xứ làm quê hương.

Lên 7 tuổi, Hoa Mỹ Hạnh đã vào vai “đào con” trên sân khấu. 17 tuổi, bà trở thành đào chính của các đoàn hát Tấn Tài, Hoa Đăng, Việt Nam Minh Vương. Mỹ Hạnh từng diễn chung với các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Phương Bình trong các vở Người hùng sơn cước, Nước mắt hùng ca, Mùa thu Bạch Mã Sơn...

Hoa Mỹ Hạnh kết hôn với nghệ sĩ Minh Hải vào năm 1976. Hai vợ chồng đem con theo các đoàn hát lưu diễn khắp các tỉnh. Thời kỳ đỉnh cao của cải lương, thù lao cho đào chính sau mỗi đêm diễn lên tới một nghìn đồng. Với số tiền kiếm được, Hoa Mỹ Hạnh cùng chồng lập đoàn hát Sơn ca, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ trong những suất diễn tỉnh. “Ngày trước nghệ sĩ nay đây mai đó, có tiền chỉ lo mua sắm quần áo, son phấn đâu nghĩ để dành. Riêng tôi giàu quá nên đứng ra thành lập gánh hát. Thời đó ăn nên làm ra, tôi còn mua một căn nhà trị giá mấy chục cây vàng ở vùng Châu Đốc, An Giang”, nghệ sĩ hồi nhớ.

Đến thời kỳ cải lương đi xuống, bà bầu Mỹ Hạnh phải bán rẻ căn nhà tại Châu Đốc để trả lương nghệ sĩ rồi giải tán đoàn hát. Sau khi chia tay chồng, cô đào Hoa Mỹ Hạnh ôm con theo các đoàn khác phiêu dạt các tỉnh. Năm 1991, con trai duy nhất của bà cũng qua đời sau một trận sốt xuất huyết. Hoa Mỹ Hạnh chôn cất con tại Long Xuyên, nơi gánh hát đang lưu diễn lúc đó. Vài năm sau, nữ nghệ sĩ bỏ nghề hát, theo học nghề uốn tóc rồi gom góp chút tiền mở tiệm tại khu vực Mỹ Thuận - Vĩnh Long. Ngày cầu Mỹ Thuận khởi công, khu dân cư bị giải tỏa, bà xách đồ lên Sài Gòn, sống bằng nghề làm móng dạo.

Nỗi niềm 'đào chính' đắt show bậc nhất Sài Thành một thuở ảnh 1

Thời vàng son của nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh trên sân khấu cải lương cùng NSƯT Minh Vương.

Cuối đời khốn khó nhưng nghệ sĩ vẫn hết lòng cưu mang người anh trai duy nhất. Mỹ Hạnh có người anh trai biệt danh Phúc "kèn". Ông là nhạc công chơi kèn nổi tiếng một thời tại các đoàn Huỳnh Long, Minh Tơ. Vợ và con trai đã ra nước ngoài sinh sống nhiều năm và mất liên lạc, nghệ sĩ Phúc "kèn" về bên em gái nương tựa tuổi già. Hai anh em thuê một căn phòng trọ chật hẹp tại quận 7, TP HCM mưu sinh bằng nghề đạp xích lô và làm móng dạo. Cách đây ít năm, người anh qua đời do bị xơ gan. Không có tiền lo tang ma, nghệ sĩ phải cậy nhờ lòng hảo tâm của những người quanh khu trọ. Trước đó, để có tiền trị bệnh cho anh trai, bà đã phải vay lãi một số tiền lớn, hiện vẫn chưa trả hết.

“Từ lúc sinh ra đến giờ tôi chưa hề biết quê quán, họ hàng mình ra sao do ba mẹ đều bỏ nhà theo gánh hát nay đây mai đó. Nên có mỗi anh trai bị bệnh, tôi phải lo chu đáo”, nghệ sĩ ngậm ngùi cho biết.

Ngoài cuốn album ảnh và tấm thẻ hội viên hội nghệ sĩ là tài sản quý giá nhất, mọi đồ dùng cá nhân trong phòng trọ hiện tại của bà đều được người khác cho lại. Công việc làm móng dạo đem đến cho nghệ sĩ thu nhập bình quân từ vài chục đến hơn trăm nghìn đồng một ngày. Số tiền vay lãi trị bệnh cho anh trai, đến nay bà phải đều đặn trả góp. Đến tháng đóng tiền nhà, nghệ sĩ lại chạy đôn đáo vay nóng người quen rồi tích cóp trả dần. Nghề làm móng dạo chỉ có khách vào ngày nắng, 6 tháng mùa mưa, bà hầu như không có thu nhập.

“Đi làm móng dạo, nhiều người biết tôi xưa là nghệ sĩ nên hay cho đồ lắm. Hàng cơm hay cho tôi đồ ăn thừa. Có người còn cho gạo, ăn đến giờ chưa hết”, bà nói rồi chỉ vào nồi cá kho còn nóng trên bếp, “còn khi không có thức ăn, tôi thường ăn cơm với muối trắng”.

Nỗi niềm 'đào chính' đắt show bậc nhất Sài Thành một thuở ảnh 2

Ở tuối xế chiều, nghệ sĩ già vẫn sống lay lắt bằng nghề làm móng dạo.

Chị Điền, hàng xóm cùng khu trọ cho biết: “Hoàn cảnh của bà rất đáng thương. Già cả mà đơn độc, làm được bao nhiêu gom góp trả nợ hết. Nhiều khi đi làm còn gặp kẻ xấu quỵt tiền”. Nhiều năm nay, Hoa Mỹ Hạnh gặp phải những chứng bệnh tuổi già như thấp khớp, đau tim, cao huyết áp. Nhưng tiền làm móng cùng 150 nghìn đồng trợ cấp từ Ban ái hữu Hội nghệ sĩ thành phố không đủ cho bà chữa bệnh.

  

Ở tuổi gần 60, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chỉ ao ước còn sức khỏe để lao động và dành dụm chút ít để về Long Xuyên thăm mộ con. “Hơn mười năm rồi, vì cuộc sống khó khăn tôi không có tiền về thăm con. Chẳng biết mộ nó có còn hay không ”, nghệ sĩ đưa tay lau giọt nước mắt trên má.

Theo Châu Mỹ


Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.