Nóng lại phim tài liệu về biển đảo

Phim “Andre Menras-một người Việt”. Ảnh: DSF
Phim “Andre Menras-một người Việt”. Ảnh: DSF
TP - Năm bộ phim tài liệu về biển Hoàng Sa, Trường Sa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư lâu nay cất kỹ trong kho, nay được dịp trình chiếu tại hãng phim, tối 31/5.

Những thước phim kinh điển

Đầu sóng ngọn gió, phim tài liệu nhựa của cố đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh dài 30 phút, sản xuất 1967. Nói về cuộc sống chài lưới, chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc bộ: Ngày đêm đánh trả máy bay Mỹ bắn phá, giữ gìn sinh hoạt thường ngày. Phim đoạt Huy chương vàng tại LHP Quốc tế Mátxcơva lần thứ 6. Trước đó phim tài liệu nổi tiếng Lũy thép Vĩnh Linh cũng do ông đạo diễn và cũng giành Huy chương vàng tại LHP này.

Đặc biệt, dịp này khán giả được xem Trường Sa tháng 4-1988 của cố đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích. Hỏi một số đạo diễn đủ thế hệ tại Hãng phim Tài liệu, dường như không ai nhớ hoặc từng được xem phim này.

Ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ hy sinh trên biển Đông, đạo diễn Lê Mạnh Thích cùng đoàn phóng viên từ đất liền ra đảo, ghi lại chân thực cuộc sống của những người lính chiến đấu trên con tàu HQ505 lịch sử, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn ngày đêm đối mặt gió bão và cướp biển để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo.

Nhà báo Trung Hiền (báo Tiền Phong) có mặt trong đoàn ngày ấy nhớ về đạo diễn say nghề:

“Thời chúng tôi đi tàu rất nhỏ, sóng chao đảo, gần như các nhà báo nằm liệt. Anh Thích say sóng nhưng mỗi lần sóng yên anh vùng khỏi buồng thủy thủ, leo lên boong ghi lại những khuôn hình biển quê hương trước khi ra điểm nóng: đàn cá heo bơi lội, những áng mây, con sóng đẹp.

Trường Sa ngày ấy rất nắng, tôi vẫn nhớ anh Thích đội mũ tai bèo, áo cộc tay nắng xuyên, mồ hôi đầm đìa cùng các nhà quay phim, có khi anh đích thân cầm máy, ghi lại những góc chân thực trên đảo Sinh Tồn”.

“Lên con tàu bị Trung Quốc bắn cháy ở gần đảo Gạc Ma, anh Thích đặc tả những gương mặt chiến sĩ sạm đen thuốc súng, những hố đạn pháo phá thân tàu nứt toác. Nhưng ấn tượng nhất là lúc anh trở lại đảo Sinh Tồn, nơi các chiến sĩ hy sinh được đưa về đó mai táng, những ngôi mộ chỉ là những nắm san hô trắng xóa, anh chỉ đạo các nhà quay phim ghi lại gần như nguyên trạng”, nhà báo Trung Hiền kể.

Khẳng định chủ quyền

Đảo Lý Sơn, Biển của người Việt và Andre Menras-một người Việt (kể về người Pháp yêu Việt Nam, chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử) nằm trong chùm phim hướng về biển đảo dịp này. Đạo diễn Công Thành Đức kể, năm 2009 khi biển Đông có dấu hiệu nóng lên, Hãng cử anh ra đảo Lý Sơn- khi ấy còn hoang sơ.

“Tôi thấy mình thật may mắn, ghi được hình ảnh chủ gia đình trên đảo còn lưu giữ văn tự đời cha ông để lại- từng được vua nhà Nguyễn cử ra đảo Lý Sơn. Tư liệu quý này khẳng định vai trò đội thủy binh được vua Nguyễn giao nhiệm vụ giữ đảo, khẳng định chủ quyền Việt Nam”, đạo diễn nói.

“Ngày đó tôi hy vọng có phim tốt, nhưng phim làm ra chưa đúng thời điểm. Tuy thế, dựa vào tài liệu Viện Hán Nôm, tỉnh Quảng Ngãi, nội dung phim xoáy sâu khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam”, anh nói thêm.

Biển của người Việt của đạo diễn Đào Thanh Tùng sản xuất năm 2012, phải chờ mấy tháng mới được duyệt chiếu, sau đó theo nhiều phim khác “xếp kho”. Phải chờ đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, khán giả mới được dịp xem phim này trên VTV.

Đào Thanh Tùng cho biết, phim sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu trong các phim về biển đảo anh làm trước đó, như chi tiết làm mộ gió cho ngư dân chết trong bão Chanchu năm 2010, lễ khao lề thế lính ở Quảng Ngãi.

Quan trọng hơn, phim tập hợp nhiều tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam với nhiều cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu như Phan Thuận An, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỉ, hay “tiến sĩ Hoàng Sa-Trường Sa”- Nguyễn Nhã.

Làm phim vốn cực khổ, với đoàn phim tài liệu lênh đênh trên biển hai, ba tháng- còn hơn thế. “Những người ít đi biển có thể tưởng tượng đủ thứ lãng mạn, thơ mộng, còn chúng tôi đi biển nhiều rồi chủ yếu nghĩ đến sự cố bất thường.

Nhiều khi gặp thời tiết xấu không vào đảo được, qua đảo chỉ hú còi chào nhau. Nhưng đúng là biển đẹp và ứng xử của con người trên biển cũng khác hẳn. Trên bờ người ta có thể lạnh lùng, so đo tính toán. Trên biển thì nồng nhiệt, tính cộng đồng mạnh mẽ hơn nhiều”, anh nói.

Ngoài đêm phim tài liệu tại Hãng phim, được biết Đài TH TPHCM mua bản quyền phát sóng Biển của người Việt.

Nhiều phim về Hoàng Sa, Trường Sa hơn nữa

Đạo diễn Đào Thanh Tùng, phụ trách nội dung của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư nói, hãng chuẩn bị ra biển quay Biển xanh màu lá-dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy.
Hãng gửi ba kịch bản đề tài biển đảo lên Cục Điện ảnh, chờ thẩm định. Hai kịch bản do anh viết là Đất nước giữa biển khơi, về người Việt đặt dấu ấn khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo được ghi chép lại từ xưa. Một kịch bản khác là Vòng tròn bất tử-về những người lính Gạc Ma năm xưa, chụm lại với nhau quyết giữ đảo trước súng đạn kẻ thù.

MỚI - NÓNG