Núi Cấm ở đâu?

Núi Cấm ở đâu?
TP - Câu chuyện về dự án xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Người ta tranh luận nhiều về khoản tiền trên 410 tỷ đồng, nhưng địa danh núi Cấm nơi đặt tượng đài là gì, ở đâu, người dân địa phương nghĩ gì, thì ít người rành rẽ.

Dự án tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng:

Núi Cấm ở đâu?

411 tỷ đồng dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Vì sao lại núi Cấm?

Nghe nhiều người dân Tam Kỳ kể, ban đầu hình thành ý tưởng dựng tượng đài, lãnh đạo tỉnh chia làm hai “phe” tranh cãi rất căng về việc chọn địa điểm. Một bên bảo nên đưa về quê hương mẹ Nguyễn Thị Thứ (xóm Rừng, Thanh Quýt, Điện Bàn) dựng tượng trong khuôn viên một vườn tượng quy mô vừa phải. Hoặc dựng tượng đài gần thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), là nơi đông đúc khách thập phương qua lại. Bởi Điện Bàn mới là đất thiêng, nơi có nhiều Mẹ VNAH và nhiều liệt sĩ nhất cả nước. Đặc biệt vị trí này gần với hai di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, thuận tiện cho đông đảo du khách trong và ngoài nước thăm viếng, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, phương án núi Cấm vẫn thắng thế, bởi quan điểm của tỉnh là mở mang thành phố về hướng ấy. Một cán bộ của tỉnh (xin giấu tên) nhận xét: Đây là nơi khá hẻo lánh, xa lạ ngay cả với người dân địa phương. Và thành phố Tam Kỳ dù có mở rộng, cũng quá ít khách dừng chân, so với Hội An, Mỹ Sơn. Tượng đài đặt tại đây hoành tráng đến mấy, cũng sẽ rơi vào cảnh hoang vắng.

Cấm lên đó, mới có tên núi Cấm!

Núi Cấm cách trung tâm TP Tam Kỳ hơn 5km về phía đông, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, bên tuyến đường An Phú chạy ven biển. Đường vắng người, khu dân cư thưa thớt. Một khoảng đất rộng đã được san ủi cho công trình tượng đài. Đối diện là gần chục hộ dân. Núi Cấm chỉ là quả đồi đất, đã xói mòn, nứt nẻ. Hỏi chuyện người dân về núi Cấm không ai biết, nhưng nhắc đến tượng đài Mẹ VNAH ai cũng nói nhanh: “Tượng mẹ Thứ !”.

Ông Nguyễn Sơn cho rằng, đặt tượng đài Mẹ VNAH tại núi Cấm là không tương xứng
Ông Nguyễn Sơn cho rằng, đặt tượng đài Mẹ VNAH tại núi Cấm là không tương xứng.

Chị Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi), nhà cạnh bên núi Cấm, cho biết: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây, nhưng chưa nghe nói quả đồi này có lịch sử gì. Hồi xưa, cây cối còn um tùm, người dân không được lên đó nên gọi là núi Cấm!”. Ông Lương Sơn Bá (61 tuổi), ở đối diện công trình cứ đinh ninh: “Tượng đài mẹ Thứ 81 tỷ đồng!”. Ông Bá còn nhớ như in ngày khởi công là 27-7-2009, hoàn thành năm 2011. Khi biết con số 410 tỷ đồng, ông Bá ngạc nhiên: “Sao tăng nhiều thế? Công trình chậm tiến độ mấy năm nay ai cũng biết. Chỉ mong sớm làm xong để dân làng bớt lầy lội mùa mưa gió. Dân vùng này nằm trong quy hoạch nhưng không biết quy hoạch gì nên giờ chẳng xây dựng cơi nới được gì hết.

Theo ông Bá, nguyên trong bản đồ cũ của Pháp vẽ mà ông đã từng được thấy, núi có tên là núi Cam, rồi người dân địa phương đọc là Cấm. Ông Bá cho biết: “Gọi là quả đồi thì đúng hơn. Hồi nhỏ là nơi để chăn thả trâu bò, nghe đâu có căn cứ của địch rồi sau đó quân ta giải phóng. Núi Cấm có vàng nên từng bị người dân kéo đến đào bới tan nát. Sau này, cũng bị cấm luôn”.

Tìm đến ông Nguyễn Sơn, 79 tuổi, người được xem là nắm rõ về lịch sử núi Cấm. Ông Sơn cho biết: “Núi Cấm có tên là Quảng Phú. Trước đây có bom mìn nên khu vực này bị cấm không cho dân làng vô chặt cây nên gọi là Cấm”. Chỉ tay về cánh đồng trước nhà mình, ông nói: “Tượng đài Mẹ VNAH lớn nhưng đặt ở núi Cấm không tương xứng về ý nghĩa lịch sử, tâm linh. Dân làng chưa biết tượng đài sẽ to lớn cỡ nào. Mấy trăm tỷ cho công trình nhưng mấy năm nay thi công chậm trễ dân làng phải bỏ hoang ruộng đồng vì đất đỏ và bùn từ trên núi chảy xuống”. Toàn bộ cánh đồng của thôn Phú Thạnh đã bỏ hoang hơn hai năm nay, khiến nhiều hộ dân chịu khổ.

Ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tam Phú cho biết: “Núi Cấm không phải là di tích. Trước đây núi Cấm có chốt, đồn của quân địch. Tam Phú đang nằm trong quy hoạch là xã mở rộng của Tam Kỳ.Việc chọn núi Cấm là chủ trương của tỉnh, địa phương mừng vì được chọn là địa điểm xây dựng tượng đài và hi vọng sẽ tạo được lợi thế cho địa phương”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG