Ông lão bảy mươi làm thơ World Cup

Ông lão bảy mươi làm thơ World Cup
TP - 31 ngày đêm World Cup lần trước, ông lão bảy mươi tuổi Trương Đình Đăng đã có cháu, chắt ròng rã một mình “thi đấu” bên cái tivi Samsung 16 in đen trắng toét loè cả mắt. Bên cạnh là giấy bút để... làm thơ.
Ông lão bảy mươi làm thơ World Cup ảnh 1
 Ông lão Đăng và bản thảo những tập bình luận World Cup bằng... thơ

Có bữa căng quá lên cơn đau tim, suýt phải “ra sân”. Bà lão “thổi còi”, bảo thôi ông nghỉ dưỡng thương vài trận, đợi vào sâu các vòng trong hẵng thi đấu tiếp, nhưng ông “nỏ” chịu. Kết quả là 3 tập vở học trò đầy ắp nhằng nhịt những bài bình luận bóng đá bằng... thơ.

Ông lão khá... kỳ quặc Trương Đình Đăng ấy quê gốc ở Triệu Phong, Quảng Trị, hiện ở tại một ngôi nhà gần bên bờ biển thành phố Đà Nẵng.

Vóc dáng cao lớn, cười tươi, giọng sang sảng, ban đầu ông lão hơi ngỡ ngàng khi thấy khách không mời là tôi gõ cửa hỏi thơ. Ba cuốn vở học trò nhằng nhịt một màu mực sậm nét bút to.

Mở màn là bài thơ tặng vợ nhân kỷ niệm 47 năm ngày cưới. Tiếp theo là chùm ảnh 32 anh tài đến Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia kỳ World Cup đầu tiên của thế kỷ 21 (2002) được cắt dán cẩn thận. Và rồi là sơ đồ các đội gặp nhau vẽ bằng tay.

Tiếp đến là 68 bài thơ gồm 64 bài về 64 trận đấu, và 3 bài sơ kết các vòng loại, 1 bài tổng kết giải.

“... Em đá vào tôi một trái buồn/Còn tôi đá lại trái cô đơn/Đôi ta đều bỏ khung thành trống/Chẳng thấy bên nào có thủ môn ...”.

Tôi “giao bóng” bằng cách đọc mấy câu thơ đầy ám ảnh từng được giải cao cuộc thi “Thơ bóng đá” trên tuần báo Văn Nghệ dạo nào của cố thi sĩ Nguyễn Văn Phương tức Phương Xích lô quen thuở xưa ở Huế.

“Hay, mà buồn quá hỉ - ông lão nay đã sang tuổi bảy tư nghe xong ngẩn người -  May mắn tôi và bà lão chẳng ai sút buồn phiền sang “khung thành” của nhau, cũng chưa khi nào “đốt lưới nhà”.

Rồi ông ngâm nga “trả bóng” lại phía tôi mấy câu “Đây nỗi đam mê tuổi xế chiều/ Đây hồn khách bút phút tiêu diêu/ Câu thơ theo bóng trời gieo nắng/ Trái bóng vào thơ biển dậy triều”.

“Sân bãi” thế là đã bắt đầu nóng lên rồi. “Tôi mê bóng đá thế giới, bà lão nhà tôi chỉ mê bóng đá Việt Nam, và là fan ruột của Thể Công và tuyển bóng đá nữ" - ông bắt đầu vào chuyện.

"Mấy kỳ World Cup trước ở châu Âu toàn đá lúc 2 giờ sáng, tôi “thua”. Hơn nữa khi ấy điện đóm thiếu thốn, lại phải coi ké tivi nhà khác nên cũng khó.

Kỳ World Cup 2002 vừa rồi đá ở châu Á, thuận tiện múi giờ không phải thức đêm, tôi quyết “chơi” trọn vẹn, lúc đầu cũng chưa có ý định bình luận trận đấu bằng thơ. Nhưng sau khi coi xong trận mở màn giữa đương kim vô địch Pháp với Senegal, thấy Pháp bị thua bể mặt, tôi bực quá bèn lôi giấy ra... làm thơ ngay tại chỗ.

Bài đầu tiên thế này: “Trận đầu tuyển Pháp tưởng ngon xơi/ Kết quả ai hay lại ngược đời/ Gà trống Gô Loa tắc nghẹn họng/ Ngựa vằn Phi Lục hí vang trời/ Chuyên gia cố vấn uy danh sụp/ Cá độ fan ghiền sản nghiệp vơi/ Pháp thiếu Di Đan xương sống gãy/ Bất ngờ đổ gục giữa đường chơi”, và khoá đuôi bằng  cặp lục bát “Bất ngờ chú Đại bàng xanh/Quật gà Gô Pháp lăn kềnh tả tơi”.

Sáng hôm sau ra ngõ uống cà phê, đọc cho mấy ông bạn già nghe, mọi người thấy cũng hay hay, khuyên nên làm tiếp những trận sau.

Và thế là: “Suốt tháng như ma quỷ hớp hồn/ ít quan tâm vợ biếng chăm con/ Sáu tư trận đấu đôi tròng dán/ Ba mốt ngày đêm mặt ghế mòn ...”. Đến đây, ông lão bật cười sảng khoái.

Tôi tỷ mẩn ngồi lật tập thơ bóng đá của ông lão đã được một anh bạn trong câu lạc bộ thơ phường trình bày giúp bằng vi tính. Đầu mỗi bài là ngày giờ, số thứ tự lượt trận, tên hai đội và tỷ số, đúng kiểu nhật ký.

Phần thơ thì phải nói là vừa rất chuẩn theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, cũng lại rất hóm hỉnh u-mua kiểu “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Những cái “tít” khá gợi, tỷ như: “Thanh mục đấu hắc bì”, “Cua gặp bão lớn”, “Chồn Cốt gặm vịt Bắc Kinh”, “Ghi bàn chưa thấy đã te tua mồm”, “Ba keo một tá nợ bồi”, “Bạn có visa, ta làm lộ phí”, “Bờm Rô đã hạ Kan ngầu”...

Vẫn mang chút hơi hướm của các ông Tú (Xương, Mỡ...), nhưng phải nói lối chơi chữ của ông lão Đình Đăng khá uyển chuyển biến hoá giữa ta, Tây và Tàu.

Ông lão bảy mươi làm thơ World Cup ảnh 2
Kết quả của 31 ngày đêm chong mắt xem World Cup

“Chỉ biết may cho thằng chống gậy/ Mà buồn số phận chú Gô Loa: “Thằng chống gậy” Jonny Warker - hàng độc xứ Ireland - may mấy cũng chỉ khua gậy vào tới vòng 2 rồi bị Bò Tót thu mất gậy sau loạt đấu súng luân lưu...

“Tôi khi đó nhà vẫn còn cấp 4 xập xệ nóng hầm hập cả ngày lẫn đêm, muỗi mòng thì vô kể - ông lão Đăng hồn nhiên kể lại - tivi thì chỉ Samsung 16 in đen trắng nhập nhòa. Nhưng máu mê quá, đâu có thấy mệt. Xem bóng trong đầu tôi nảy ra cái tứ của bài thơ, sáng hôm sau ra đường ngồi đọc “ké” các báo để tham khảo và chỉnh sửa lại tên tuổi các cầu thủ, đội bóng, huấn luyện viên cũng như những diễn biến ngoài sân cỏ”.

“Chắc bác cũng có đọc thơ bóng đá của các “cao thủ” Thanh Thảo, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Quang... trên các tờ Tin nhanh, liệu có bị ảnh hưởng chút nào không ?”.

“Có đọc qua, nhưng không hề bị ảnh hưởng. Các anh ấy là những “cầu thủ” quốc gia, còn tôi là “tuyển thủ”... phường, nên lối đá khác nhau. Tôi chủ trương ít thiên về triết lý nhân sinh thời cuộc, mà đi thẳng vào sân cỏ  với mong muốn bình luận trọn vẹn một kỳ bóng đá thế giới bằng thơ”.     

Mấy chục năm trước anh cán bộ tập kết làm ngành xây dựng yêu thể thao văn nghệ Trương Đình Đăng lúc rảnh rỗi lại lẩn mẩn lục vỏ bao thuốc lá ghi vội những tứ thơ bất chợt.

Có lẽ suốt 23 năm ròng sống trên đất Lam Hồng đã phần nào thấm vào lối viết chặt chẽ theo thể Đường luật của các cụ đồ Nghệ. Tác phẩm của ông khi ấy hầu như chỉ “xuất bản” trên bích báo của đơn vị, nhưng đó là niềm vui không thể thiếu.

Cho tới tận bây giờ, khi ngoài 70 tuổi mới được kết nạp vào Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng sau 1 tập thơ đã in và nhiều thơ đăng rải rác trên báo chí.  

Dịch thơ Tagore từ tiếng Việt sang… tiếng Việt

Ông lão bảy mươi làm thơ World Cup ảnh 3

Bản thảo tập thơ lục bát được ông Đăng “phiên tác” từ Thơ Dâng của R. Tagore

Ông Đăng còn cho tôi xem bản thảo tập “Thơ Dâng” kiệt tác của R.Tagore được ông “phiên” sang thể lục bát, dày tới trên 150 trang đánh máy, đặt tên là “Phiêu khúc hiến dâng” với bút danh Đăng Sơn.

“Tôi nào biết chút ngoại ngữ nào đâu - ông lão bộc bạch - nhưng sau khi đọc bản dịch của Đỗ Khánh Hoan (NXB Đà Nẵng, 2001), tôi mê quá, bèn “dịch” từ tiếng Việt sang tiếng ... Việt, từ thơ văn xuôi sang lục bát. Đưa sang nhà xuất bản để in, anh biên tập viên khen hay, nhưng khuyên tôi tìm gặp dịch giả để xin ý kiến về bản quyền. Tôi chịu không biết dịch giả ở đâu, đành xếp đó”.

Tôi giở xem vài bài, thấy phục về khả năng lục bát của ông lão: “Chiều buông nắng khuất bên đồi/Lưới chài kĩu kịt vai tôi gánh về/ Bên vườn, dưới tán cây che/ Người yêu tôi dáng ngồi nghe gió lười / Thẫn thờ tay xé hoa tươi/ Đợi tôi, từng cánh hoa rơi phũ phàng ...”

....

Dãy bao lơn cạnh gốc tùng/ Tôi ngồi ngóng đợi nhớ nhung tới chàng/ Đêm chìm trong giấc miên man/ Gió không ve vuốt trên cành lá si/ Sông im nước chẳng buồn đi/ Im như lính gác ngủ khì, kiếm ôm ...”.

Lời kết cuối tập thơ lạ lùng ấy, ông lão bảy mươi tư tuổi dành lời tri ân với đại thi hào:

“...Ngàn năm nguyên vẹn hình hài/ Vườn xuân nhân loại từ tay Người trồng/Tôi là đứa trẻ cuồng ngông/ Đem bình đất vụng cắm bông hoa vàng ...”

MỚI - NÓNG