Ông lão vỉa hè và xe cá viên chiên

TP - Từ truyện cổ của anh em nhà Grimm (Đức), thi hào Nga Pushkin viết nên truyện thơ lừng danh “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Nội dung thế nào hẳn không cần kể lại. Chỉ thấy tội nghiệp ông lão phải sống với bà vợ tham lam. Suy cho cùng bà vợ có trở thành nhất phẩm phu nhân, hay nữ hoàng nằm trên châu báu như phép màu mà con cá vàng trả ơn cho ông lão, hay trở lại ngồi bên cái máng lợn như ngày nào, thì ông lão cũng chẳng được gì. Đúng hơn là vẫn chả là gì trong mắt bà ta.

Chuyện ông lão vỉa hè và xe cá viên chiên ở Sài Gòn mà thiên hạ đang ồn ào mấy ngày qua tất nhiên mang nội dung hoàn hoàn khác. Ai muốn biết thì lên mạng xem clip. Mớ cá viên chiên đương nhiên cũng không phải là con cá vàng. Nên chả có phép thần thông nào giúp ông lão thoát khỏi cuộc giành giật, xô đẩy bặm trợn để thu giữ chiếc xe của mấy nhân viên chuyên dẹp dọn vỉa hè hôm ấy.

Nhưng cũng thử làm đạo diễn phân vai xem sao. Ông lão U80 bán cá viên chiên vào vai ông lão đánh cá, thôi cũng tạm được. Ai vào vai bà lão và con cá vàng? Cái vỉa hè hay đội quân quy tắc? Hay chính cái xe cá viên chiên, tác nhân trực tiếp khiến ông lão một phen khổ sở và “nổi tiếng” bất đắc dĩ? Còn ông phó quận đứng bên chỉ đạo vụ việc vào vai nào thì hợp?

Con cá viên chiên không có phép màu. Nhưng chắc cũng đỡ gánh mưu sinh cho ông lão và gia đình. “Tôi thừa nhận có sai khi lấn chiếm vỉa hè. Nhưng lẽ ra sự việc nên được giải quyết nhẹ nhàng hơn chứ không ầm ĩ thế. Chúng tôi đều đã lớn tuổi, chỉ cần nhắc nhở thì chúng tôi sẽ nghe ngay. Mất chi lời nói !”, ông lão phân trần.

“Tôi đang làm đẹp cho quận, làm đẹp cho thành phố nên tôi sẵn sàng đối mặt với khó khăn” – vị lãnh đạo quận trực tiếp đứng chỉ đạo vụ việc hôm ấy, nói với báo chí.

Khó khăn đối mặt ở đây có bao hàm cả hình ảnh “xấu xí” được chia sẻ tràn lan, bằng hành động giành giật quyết liệt đến đổ lăn đổ lóc một cái xe cá viên chiên giữa đông đúc phố phường?

“Ông lão đánh cá và con cá vàng” suốt mấy trăm năm qua, không chỉ là bài học về tham thì thâm. Mà còn là thái quá sẽ bất cập, già néo đứt dây. Pushkin, tác giả chuyện ông lão đánh cá, còn có câu thơ tình trác tuyệt: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Mình muốn gì, thì hãy để người khác cũng có được điều đó. Sự bình yên vỉa hè cũng cần như sự tử tế trong ứng xử, như phần trắc ẩn sâu thẳm con người.

Anh em Grimm cũng có truyện “Chu du thiên hạ để học rùng mình”. Có anh chàng từ bé đến lớn chưa bao giờ biết rùng mình, lúc nào cũng “ước gì ta biết rùng mình”. Đi học rùng mình, nhưng cả những thứ ma quỷ, chết chóc cũng phải “rùng mình” trước anh ta. Nhờ biệt tài lạnh lùng ấy, anh thắng cược nhà vua, được làm phò mã, giàu sang phú quý. Nhưng cuối cùng, bài học rùng mình đến một cách thật đơn giản. Chỉ với một xô nước lạnh giá bất ngờ tạt thẳng vào người từ đầu đến chân. Có thế chứ ! Làm gì lại có con người không biết rùng mình.

Hết truyện ông lão vỉa hè và xe cá viên chiên.

MỚI - NÓNG