PGS.TS Nguyễn Văn Huy, về bảo tàng Nguyễn Văn Huyên:

Phải kể những câu chuyện như viết tiểu thuyết

PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể câu chuyện về bố mẹ mình tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể câu chuyện về bố mẹ mình tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: NVCC.
TP - Khai trương được nửa tháng nay, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ 1946 - 1975) do con trai ông - PGS.TS Nguyễn Văn Huy và gia đình tạo lập, trước hết thỏa tâm nguyện kể câu chuyện bố mẹ mình, sau nữa hướng đến nhu cầu giáo dục, kết nối con người.  

Dù mới ở giai đoạn đầu “chạy” thử, ông có thể đo được phản hồi của người xem chưa?

Trước khi khai trương, bảo tàng mở cửa cho bạn bè, bà con cô bác ghé thăm. Những ai từng đến đều xúc động, họ thấy lịch sử cuộc đời của ông Huyên, gia đình gắn liền lịch sử đất nước trong thời gian dài.

Điều thích thú là khi giao lưu, mọi người liên tưởng đến câu chuyện về ông bà, bố mẹ họ ở các thời điểm khác nhau. Đấy chính là sự gắn kết giữa Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và các câu chuyện của mỗi gia đình, của từng người khách thăm bảo tàng. Cách kết nối như thế, tạo cho bảo tàng sức sống bền vững, gắn kết bảo tàng với con người, với quá khứ và đương đại.

Vị trí xa trung tâm có gây trở ngại cho công chúng, du khách?

Trước Tết dương lịch, tôi đón đoàn một trường PTCS ở huyện Đan Phượng. Có em nói đây là lần đầu được đến một bảo tàng. Điều đó làm tôi giật mình, đồng thời phấn khởi. Bởi vì cách Hà Nội 15km về phía Sơn Tây, nếu các xã thuộc huyện Hoài Đức, Đan Phượng, các trường học lân cận biết cách khai thác, thì bảo tàng có thể là địa điểm rất tốt để học sinh học và hiểu về con người, lịch sử địa phương, gắn liền lịch sử đất nước.

Tôi hỏi chuyện hai cô giáo ở trường và phòng giáo dục huyện Quốc Oai, họ nói mong tìm ở đó bài học cho công việc của mình. Tôi mừng thầm, bảo tàng của mình có thể đáp ứng nhu cầu, khát vọng của xã hội. Quan trọng là phải làm thế nào cho hiệu quả mỗi chuyến thăm của khách.

Sau gần 20 năm ấp ủ, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nên hình hài. Ngoài thỏa nguyện kể câu chuyện cả trăm năm của gia tộc, bố mẹ mình, ông còn kỳ vọng nào nữa?

Thứ bảy vừa rồi, tôi gặp vị giáo viên già là một chàng trai Hà Nội xung phong lên Cao Bằng dạy học từ năm 1957. Ông chia sẻ,  năm 1960 được đón Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lên Cao Bằng, đích thân ông chuẩn bị cho Bộ trưởng đến thăm các trường ở huyện vùng cao Bảo Lạc, đường sá khi ấy vô cùng khó khăn. Ông giáo già chia sẻ thêm về công việc làm thầy của mình, cả chuyện Bộ trưởng khi ấy giao “nhiệm vụ” cho trưởng ty cần quan tâm giúp chàng trai Hà Nội này sớm xây dựng gia đình.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đặt tại làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội), gợi nhắc không gian sinh sống của gia đình vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục tại vị hơn 29 năm, trên diện tích khoảng 200m2, gồm 4 tầng với gần 400 tài liệu, hiện vật. Bảo tàng mở cửa hai ngày cuối tuần, khách muốn đến ngày thường có thể hẹn trước, sẽ có người trong gia đình ông Huyên đến kể chuyện.

Cũng một thầy giáo già khác kể câu chuyện ông ấy được nghe lại từ người anh mình: Có thời Ty Giáo dục quản lý các thầy cô giáo rất chặt, theo 8 giờ vàng ngọc. Trong một lần đến nói chuyện ở Ty, ông Huyên nói rằng không thể quản lý lao động tri thức theo kiểu gõ kẻng được, nhiều khi “họ nằm đấy nhưng đang nghĩ về công việc”. Sau này, các ty giáo dục thay đổi cách quản lý. Tôi nghĩ đó là cách tiếp nối, đến với bảo tàng, người ta có thể hồi tưởng quá khứ, kết nối để kể câu chuyện về ông Bộ trưởng xưa, cũng là dịp họ chia sẻ với con cháu, với chúng tôi về cuộc đời của chính họ. Đó là mong muốn của chúng tôi - tạo ra những kết nối, qua đó những người chia sẻ thấu hiểu giá trị của họ từ những câu chuyện kể.

Nhiều khi các trường tổ chức cho hàng trăm học sinh ồ ạt vào bảo tàng, liệu có hiệu quả tốt?

Nhìn vào chương trình của học sinh bây giờ thấy có vẻ tiến bộ, cũng đi thăm bảo tàng, ngoại khóa như nước ngoài. Nhưng, với lượng gần một nghìn học sinh mỗi đợt tham quan, người thuyết minh cứ nói tràng giang đại hải, chả học sinh nào nghe đâu. Nhiều trường quốc tế ở Hà Nội cũng tổ chức thăm bảo tàng nhưng họ đi theo lớp, chia làm nhiều lần trong năm, mỗi lần chỉ để kể một, hai câu chuyện. Nếu biết cách tổ chức sẽ tạo hiệu quả, bằng không, cách tham quan bảo tàng như hiện nay là phản sư phạm.

Sự chia sẻ, tương tác rất đáng quý mà nhiều khi những người làm bảo tàng không nhận ra. Tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chẳng hạn sau khi xem xong phả hệ 6 thế hệ, tôi đặt câu hỏi cho các cháu hãy suy nghĩ, vẽ phả hệ của gia đình mình. Với nhóm khác, tôi đặt câu hỏi tại sao ông Huyên và em trai có điều kiện học ở Pháp. Tôi được dịp kể cho các cháu nghe câu chuyện về bà mẹ tần tảo một mình nuôi dạy sáu người con, một người chị gái cả là nữ giáo sư toán đầu tiên tại trường Đồng Khánh đã dành hầu hết lương và hi sinh tuổi thanh xuân cho các em ăn học. Chúng ta nêu cho các cháu câu hỏi và để chúng nhận chân giá trị tình cảm gia đình, bớt đi những sứt mẻ nhan nhản trong xã hội ngày nay. Cách gieo những câu chuyện nho nhỏ như thế là bài học giáo dục sống động, sâu sắc vô cùng.

Nhiều bảo tàng lớn vẫn vắng khách. Sức hấp dẫn của tư liệu chưa đủ, hay do cách kể chuyện nghèo nàn?

Chúng ta có nhiều bảo tàng lớn như Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Tăng thiết giáp, Bảo tàng Hà Nội... đều có hiện vật quý. Có thời Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thưa vắng khách, mọi người nghĩ giới trẻ quay lưng lại với lịch sử. Tôi không nghĩ vậy. Mỗi hiện vật đều có câu chuyện, chủ nhân, người làm bảo tàng phải mất thời gian nghiên cứu lịch sử hiện vật, bối cảnh và biết kết hợp hiện vật thành chuỗi câu chuyện giống như nhà văn viết tiểu thuyết. Chúng ta nên kể những câu chuyện nho nhỏ xuất phát từ hiện vật, đời sống của hiện vật và chủ thể của nó. Đừng nói kiểu đao to búa lớn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.