Phạm Phương Thảo - ca sĩ có khả năng ngoại cảm?

Phạm Phương Thảo khi quay MV “Ru em nắm đất Truông Bồn”. Ảnh: NVCC.
Phạm Phương Thảo khi quay MV “Ru em nắm đất Truông Bồn”. Ảnh: NVCC.
TP - Cơ quan đoàn thể tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ là chuyện bình thường, song tư nhân sản xuất chương trình ca nhạc về anh hùng liệt sĩ kể cũng đáng nói. Đó là bộ đĩa CD, DVD “Tri ân” của NSƯT Phạm Phương Thảo do cô đầu tư sản xuất cho chính mình. 

Đặc biệt trong đĩa có ba bài cô tự sáng tác: Đất mẹ ngày về - hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ru em nắm đất Truông Bồn - về các liệt sĩ TNXP ở Đô Lương- Nghệ An và Mười đóa sen thơm về 10 nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc.

Đa có kha khá bài hát tự viết nhưng Phạm Phương Thảo vẫn dè dặt khi nói về việc sáng tác: “Tôi tay ngang, không biết kỹ thuật sáng tác, chủ yếu dựa vào cảm xúc và sắp đặt câu từ. Giờ nếu ai bảo phải sửa về âm nhạc, tôi cũng chẳng biết sửa thế nào”. Chính vì thế việc sáng tác của Thảo có phần… kỳ bí. Đất mẹ ngày về ra đời khi Thảo đang đứng trong dòng người tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê hương Quảng Bình. Theo cô chia sẻ: Trong tiếng nhạc hùng tráng của những bài háthô vang tên Đại tướng, Thảo muốn cái gì đó nhẹ nhàng thấm thía hơn. Và tự nhiên những câu thơ vang lên trong đầu. Lần đầu tiên gặp hiện tượng này nên cô thấy chân tay hơi bủn rủn nhưng đầu óc thì lại bay bay.

Mười đóa sen thơm ra đời khi Thảo được mời về Ngã ba Đồng Lộc hát và muốn hát cái gì đó mới. Cô nghĩ như vậy và đi ngủ. Thảo kể: Nhưng đặt mình xuống giường thì không sao ngủ được, lời và nhạc cứ vang vang trong đầu. “Tôi như được chắp duyên và hát cả bài như đã thuộc từ bao giờ”. 

Câu chuyện về sự hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ TNXP tại Truông Bồn - một địa danh trên quê hương mình, Thảo được nghe mẹ kể từ bé. Và chỉ mất hai tiếng để hoàn thành bài hát với những câu: “Nắm đất này có phải là em/ Có phải là em cho tôi ôm vào lòng/ Ru em ru em ngủ giữa nắng trưa Truông Bồn…”.

Xem một số MV trong DVD của Phạm Phương Thảo không khỏi cảm động vì cảm xúc của người hát và khung cảnh quen thuộc của dải đất miền Trung anh hùng trong rưng rưng hương khói. Đạo diễn Dương Lan Hương kể khi quay cảnh Thảo hát bên nấm mộ còn tươi mùi đất ở nghĩa trang liệt sĩ tại Hà Tĩnh, ca sĩ khóc và đạo diễn cũng khóc. Đó còn là những cảnh quay may mắn không có trong kịch bản mà các liệt sĩtặng cho ca sĩ và đoàn làm phim khi đi quay Con xin ở lại nơi này. Vừa đến nghĩa trang, họ được thông báo sắp có một liệt sĩ được đưa về quê sau 43 năm. Lập tức đoàn xin gia đình cho quay cảnh lễ truy điệu. Thảo tự nhiên thổn thức hòa mình vào khung cảnh trang nghiêm cùng đoàn tiêu binh như một người đồng đội. Bài hát có những câu giản dị mà thấm thía: “18 xuân xanh hiến dâng cho đất nước/ Con chưa một lần biết trái cấm là chi… Mẹ ơi vì nước vì non/ Mất con nhưng tổ quốc còn hôm nay”.

Đạo diễn kỳ cựu Phạm Đông Hồng kể: “Cô này được giơi thương hay sao ấy. Nắng mưa là việc của giời nhưng cô ấy lại biết được. Khi chúng tôi đi quay mà bị mưa là hạn nặng, ảnh hưởng máy móc. Lần đang quay Chút tình em gửi ở Đèo Ngang thì mưa. Mọi người phải giải tán, định đi về nhưng Thảo nói: “Em biết chỉ độ 11h10 trời sẽ tạnh”. Nể lời, mọi người ngồi trên ô tô đợi, quả nhiên 11h mấy phút trời tạnh và chúng tôi tiếp tục chiến đấu”.

Phạm Đông Hồng quay phim ở Quảng Bình leo thác bị ngã may chỉ bị sây sát nhẹ nhờ túm được cành cây, Thảo lý giải: “Đấy là ở đây nhiều bộ đội đỡ anh chứ không là anh không qua khỏi”. “Cô ấy có ý thức về tâm linh, đi đâu cũng lễ”, anh Hồng nhận xét về Thảo. Đạo diễn Dương Lan Hương kể kỷ niệm đi quay Mười đóa sen thơm. Trời tạnh đúng lúc cần thiết và khi mọi việc đã xong, máy móc đã được cất lên xe, mưa lại trắng trời. Lan Hương cho đó là sự ủng hộ của các anh hùng liệt sĩ.

Được hỏi về khả năng gần như “ngoại cảm” của mình, Thảo chia sẻ: “Không hiểu sao tôi luôn đau đáu, trăn trở với người đã khuất, từ trong gia đình mình tới những con người lỗi lạc hy sinh vì nước. Hát những ca khúc về các anh hùng liệt sĩ ảnh hưởng tới tố chất, tình cảm con người tôi rất nhiều”. Cũng thường hay sáng tác về đề tài này nên Thảo được bạn bè đặt biệt hiệu “nhạc sĩ của những người đã mất”.

MỚI - NÓNG