Phần đời lộng lẫy của họa sĩ Lemur Cát Tường

Cô Hòa Vân trong bộ y phục tân thời mùa Thu của Lemur 1983. Tư liệu của gia đình bà Hòa Vân
Cô Hòa Vân trong bộ y phục tân thời mùa Thu của Lemur 1983. Tư liệu của gia đình bà Hòa Vân
TP - Họa sĩ Cát Tường mời thêm hai người bạn họa sĩ nổi tiếng là Tô Ngọc Vân và Lê Phổ thay nhau đến trực tại cửa hiệu Lemur để đón tiếp và tư vấn thời trang cho các quý cô quý bà…

Ngày 11/2/1934, nhà văn Nhất Linh đã giao cho người họa sĩ trẻ Nguyễn Cát Tường đảm nhiệm một chuyên mục mới trên báo Phong hóa mang tên: “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Ở chuyên mục này, họa sĩ Cát Tường vừa viết bài, vừa vẽ kiểu. Những bài báo đầu tiên, ông phân tích những sự bất tiện của các trang phục nữ truyền thống. Ông đề nghị thay đổi trang phục sao cho  phù hợp với thời tiết bốn mùa của Việt Nam, sao có lợi cho sức khỏe, máu huyết lưu thông, nhất là có được sự thoải mái trong cử động, trong sinh hoạt hàng ngày. 

Chỉ riêng bộ trang phục của người nữ, họa sĩ thiết kế phân biệt các bộ khác nhau theo mục đích sử dụng: bộ để mặc trong nhà, bộ dành cho tắm biển, bộ dành cho dạ tiệc. Khi thiết kế, ông để ý tỉ mỉ từng chi tiết: có/không cổ, có/ không tay, tay ngắn, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xòe, có/không khuy, vạt dài/ngắn, kiểu vai chéo…

 Chuyên mục này trên báo dần đi vào ổn định. Đến năm 1936, báo Phong hóa đổi thành tờ Ngày nay, họa sĩ Cát Tường tiếp tục viết những bài báo phổ biến cách làm cho phụ nữ đẹp và khỏe mạnh. Những bài báo và các bức vẽ phổ biến cách sử dụng son phấn, cách chọn màu trang phục, quảng bá thời trang làm đẹp cho người phụ nữ Việt Nam các lứa tuổi đã tạo nên sức hấp dẫn và uy tín cho cơ quan ngôn luận của nhóm Tự lực văn đoàn.

Năm 1937, hai vợ chồng họa sĩ tiến hành mở cửa hiệu mang tên “Hiệu may Lemur” (Lemur, tiếng Pháp nghĩa là bức tường; họa sĩ tên là Tường, nên lấy tên kiểu Pháp như vậy). Khi mở hiệu may này, ông đã được báo Ngày nay giúp cho phần quảng cáo với nội dung khá hấp dẫn: “Đầu tháng Juillet 1937 sẽ khai trương Hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc kỳ: LEMUR. Có 1.000 mẫu y phục do nhà họa sĩ Cát Tường mới nghĩ ra. Có bà Cát Tường đứng tiếp các bạn gái cùng coi thử y phục”.

Phần đời lộng lẫy của họa sĩ Lemur Cát Tường ảnh 1

Chân dung họa sĩ Cát Tường 

Y phục của Hiệu may Lemur rất nhanh chóng nổi tiếng và đi vào đời sống, được các quý cô quý bà nồng nhiệt đón nhận, quảng bá. Lúc bấy giờ, những người ủng hộ đầu tiên phải kể đến giới mỹ thuật, văn nghệ sĩ Tây học, con cái các gia đình quyền quý. Ở Hà Nội lúc này, người ta thấy thi thoảng hình ảnh các cô gái áo dài tân thời tha thướt từ trên xe bước xuống, thả bộ trên bờ hồ Hoàn Kiếm, trông rất thơ mộng, yêu kiều. Các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương đua nhau vẽ chân dung các cô gái mặc áo dài Lemur như một vẻ đẹp duyên dáng rất truyền thống mà cũng thật hiện đại.

Trong lần về thăm đất nước cách đây hơn năm, ông Nguyễn Trọng Hiền, con trai của cố họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã tin cậy trao cho tôi mấy tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của một số tác giả là thành viên hoặc cộng tác thân thiết thuộc nhóm Tự lực văn đoàn (do Nhất Linh chủ trương, với cơ quan ngôn luận là tờ Phong hóa, sau đổi thành Ngày nay, và Nhà xuất bản Đời nay, tồn tại từ năm 1932 đến năm 1940), trong đó có một số thông tin quý về cố họa sĩ Cát Tường với tư cách cộng tác viên phụ trách phần mỹ thuật của hai tờ báo nói trên.

Ông nói: “Người ta chỉ biết đến họa sĩ Cát Tường trong tư cách là người sáng tạo ra chiếc áo dài Việt Nam, nhưng họ đâu có biết ông còn là người có công đáng kể  trong việc làm đẹp cho phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ”. Hỏi ra mới biết họa sĩ Cát Tường không chỉ thiết kế trang phục áo dài nổi tiếng, mà ông còn là tác giả thời trang của toàn bộ các chi tiết, phụ kiện trên cơ thể người nữ: cách sử dụng kem phấn, cách để kiểu tóc, cách sử dụng giầy dép, cách chọn và đeo nhẫn, đeo hoa tai, vòng cổ; cách lựa chọn và sử dụng đầm, ví, màu vải…

Phần đời lộng lẫy của họa sĩ Lemur Cát Tường ảnh 2

Bìa báo xuân Ngày nay, Tết 1940

Ông Nguyễn Trọng Hiền tỏ ý lấy làm tiếc khi giới nghiên cứu và bạn đọc trong nước chưa đánh giá công tâm và đúng tầm vóc cũng như đóng góp của nhóm Tự lực văn đoàn, trong đó có sự nghiệp và đóng góp của họa sĩ Cát Tường.

Ông Hiền còn ngậm ngùi cho biết về số phận của cha mình. Ông kể: vào tháng 12/1946, cùng với người dân Hà Nội, họa sĩ Cát Tường đưa gia đình đi tản cư về phía mạn Hà Đông. Khi vợ ông sắp sinh con, ông trở về Hà Nội để lấy thuốc men, quần áo cho vợ và các con, không hiểu vì lý do gì, ông bị mất tích.

Theo tư liệu ông Nguyễn Trọng Hiền cung cấp, được biết, sinh thời họa sĩ Cát Tường không chỉ sáng chế y phục phụ nữ, mà ông còn cải tiến mỹ thuật cho chiếc xe xích-lô đạp chân, sáng chế đồ mộc và đồ chơi cho trẻ em, vận động mở hiệu cắt tóc và tắm nước nóng cho nam giới, tham gia dạy mỹ thuật ở trường tư thục Thăng Long, tham gia vào Đoàn Ánh sáng làm việc nhân đạo và xã hội…Tên tuổi của họa sĩ Cát Tường đã được đưa vào cuốn Đại từ điển Danh nhân thế giới của NXB Iwanami (Nhật Bản).

Tôi bày tỏ niềm ao ước với người con trai của họa sĩ Cát Tường rằng giá có ai đó cất công sưu tầm toàn bộ những bài báo và các bức vẽ thời kiểu của họa sĩ Cát Tường trên các số báo Phong hóa, Ngày nay cũng đủ hình dung một sự nghiệp và những đóng góp không nhỏ của họa sĩ vào công cuộc canh tân văn hóa của đất nước những năm đầu thế kỷ XX. Những mong ao ước của tôi sẽ trở thành sự thật vào một ngày không xa.

Phần đời lộng lẫy của họa sĩ Lemur Cát Tường ảnh 3
Phần đời lộng lẫy của họa sĩ Lemur Cát Tường ảnh 4

Một trong những kiểu tay, ống quần, áo dài, giày, dép do họa sĩ Cát Tường thiết kế, vẽ kiểu

_______________

Hà Nội ngày 10/12/2016

(Viết theo tư liệu do ông Nguyễn Trọng Hiền,

 con trai họa sĩ Cát Tường cung cấp)

Nguyễn Cát Tường

(Bút danh: Cát tường, Lemur), sinh năm 1912, mất ngày 17/12/1946. Quê quán: Tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông theo học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1928-1933. Ông cùng với họa sĩ Nguyễn Gia Trí được giao phụ trách phần mỹ thuật cho hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn do nhà văn Nhất Linh chủ trương.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.