Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành

Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành
TP - Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện dấu tích đường nước rất lớn và dấu tích móng tường chạy song song với đường nước tại Hoàng Thành Thăng Long, đây cũng là kiến trúc chưa từng được phát hiện ở Việt Nam.

> Phát lộ bí mật tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội
> Tận thấy hầm bí mật 'chống được bom nguyên tử' dưới Hoàng thành Thăng Long

Kết quả do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học công bố sáng 26-12.

Từ tháng 6 đến tháng 12, Trung tâm và Viện tiến hành khai quật 500m2, khu vực bắc Đoan Môn, trong không gian của chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Khu vực này cũng chính là nơi giới nghiên cứu giả thiết là thuộc khu vực không gian của chính điện Thiên An thời Lý-Trần và chính điện Càn Nguyên thời Lý.

Trong số các lớp văn hóa khai quật được, đáng chú ý có lớp văn hóa thời Lý-Trần dày 3,4 m. Đặc biệt, lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực bắc Đoan Môn- trước đó chỉ phát hiện ở khu vực 18 Hoàng Diệu.

Đó là đường nước lớn xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ chạy suốt chiều Đông-Tây của hố khai quật phần rộng nhất 2m, phần cao nhất 2m. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành là dấu tích của móng tường thời Lý, rộng 1,6m.

Có thể nói đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam, kể cả ở khu vực 18 Hoàng Diệu.

Kích thước quá lớn, xây dựng rất kỳ công của di tích khiến cho giới nghiên cứu đặc biệt chú ý. Một số nhà khoa học tâm huyết đã tham quan và đưa ra giả thiết: Đường nước có quan hệ với việc thoát nước của một khu vực quan trọng thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý, có quan hệ chặt chẽ đến khoa học phong thủy của khu vực này, thậm chí là dấu tích một móng nền kiến trúc lớn.

Hiện tượng khảo cổ học đáng chú ý nữa là có rất ít mảnh gốm sứ. Bởi theo kinh nghiệm nghiên cứu của GS. Ueno Yamanaka và chuyên gia Inoue nghiên cứu các kinh đô của Nhật Bản, thì trong hoàng cung, những cung điện quan trọng liên quan tới các nghi lễ Đại triều Quốc gia thường tìm thấy rất ít đồ gốm sứ.

Đây là một trong số yếu tố khiến nhiều chuyên gia giả thiết khu vực đang được thăm dò có thể thuộc vị trí trung tâm trên “trục trung tâm” của hoàng cung thời Lý. Hay nói cách khác là thuộc khu vực chính điện Thiên An thời Lý và sau đó được thời Trần sửa sang, sử dụng lại.

Thực tế, khái niệm “trục trung tâm” của Hoàng Thành Thăng Long qua từng triều đại luôn là điều gây tranh cãi.

Cụ thể, nếu “trục trung tâm” của Hoàng Thành các thời Lê, Nguyễn được thống nhất nằm tại khu vực thành cổ (từ cửa Đoan Môn - điện Kính Thiên – Hậu Lâu), thì một số ý kiến cho rằng “trục trung tâm” thời Lý nằm ở nơi khác-18 Hoàng Diệu.

GS. Phan Huy Lê phát biểu: “Tôi và một số chuyên gia không tán thành điều này, bởi theo thuyết phong thủy, trung tâm của Hoàng Thành phải luôn hướng về phía núi Nùng. Hiện tại, việc phát hiện đường nước thời Trần là một minh chứng rất quan trọng của chúng tôi: Trục trung tâm của Hoàng Thành trong các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều đồng nhất với nhau và nằm ở phía thành cổ Hà Nội”.

Theo GS. Phan Huy Lê, giới khảo cổ sẽ kiến nghị tiếp tục khai quật khu vực thành cổ Hà Nội trên diện tích rộng hơn.

Kết quả thu về là cơ sở cho việc xây dựng cụm công viên văn hóa - lịch sử trên nền Hoàng Thành Thăng Long cũ, cũng như phục vụ ý tưởng nghiên cứu phục dựng một phần hoặc toàn bộ điện Kính Thiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG