Phim mới về 30/4: Không phải là chuyện ai thắng ai

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975
Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975
TP - Không dùng những từ như chiến thắng, giải phóng đất nước để nói về ngày 30/4 của 40 năm trước, đạo diễn NSND Lê Thi đặt tên đứa con tinh thần, phim tài liệu mới nhất vừa ra mắt là 30/4-ngày thống nhất.

6 tháng, 60 phút phim

Gặp đạo diễn, NSND Lê Thi sau buổi ra mắt phim của Điện ảnh Quân đội, ông nói tạm thở phào. 30/4 - ngày thống nhất chỉ được đặt hàng, làm vỏn vẹn trong 6 tháng - có phần gấp gáp quá cho một tác phẩm trình chiếu dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất. “Phim tài liệu nhựa, mà phải xử lý khối tài liệu khổng lồ và thời gian hậu kỳ lâu kinh khủng”, ông nói. Ta vẫn chưa thoát được tư duy ăn xổi ở thì là ở chỗ đó, ông chua thêm.

Sau khi Lê Thi cùng NSƯT Phạm Minh Lợi viết kịch bản, thời gian còn lại để làm phim không nhiều. Thời lượng có hạn, lại phải chọn loại hình phim nhựa cũng khá gò bó trong việc trích phim, bù lại đạo diễn gắn bó với quân đội mấy chục năm này tiếp cận được kho tư liệu khổng lồ. Bản thân ông cầm máy quay từ những năm 1966, may mắn quay lại được những thước phim chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến trường B, đường dây 559, đường Trường Sơn, đỉnh điểm là quay cảnh đánh B52 năm 1972 ở Hà Nội. Thời đó, Lê Thi trực ở trận địa tên lửa.

“Ấn tượng nhất là khi Mỹ ném bom xong, tôi trực ở Chèm về, qua Khâm Thiên đổ nát, đầy tiếng gào, khóc nhưng kinh khủng nhất là tiếng xe chở quan tài vứt xuống đường, mùi hương khói đậm đặc. Qua khu An Dương tôi cũng thấy cảnh đổ nát tương tự, còn ấn tượng mãi hình ảnh cháu bé nhỏ bê tấm ván. Tiếc là phim nhựa của ta thời đó phải đủ sáng mới quay được, những điều này chỉ có thể đọng trong tâm trí tôi”, đạo diễn kể thêm.

Phim mở đầu bằng hình ảnh Sài Gòn thay đổi sau 40 năm. Nhìn lại lịch sử, đạo diễn lựa chọn điểm đến dinh Độc lập. Ông nói rằng, muốn để các thế hệ có già có trẻ đánh giá, nhìn ra bản chất ghế quyền lực của ông Ngô Đình Diệm dẫn đến việc cả dân tộc Việt Nam phải đi một chặng đường dài. Phim đưa ra cái nhìn tổng quát từ hội nghị Geneve, rồi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, sau đó hội nghị Paris và hành trình dài sau này để đi đến ngày sum họp.

Mới, cởi mở hơn

Xem phim xong có người nói cách làm cũ, chỉ được cái góc nhìn cởi mở và tinh thần hòa hợp dân tộc xuyên suốt. Đạo diễn thừa nhận, cách làm phim lâu nay của điện ảnh quân đội về ngày 30/4 thường bắt đầu từ chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện hội nghị Geneve, điểm qua các mốc quan trọng. “Tuy nhiên tôi cố gắng bóc được đến lõi, làm sao cô đọng nhất và để giới trẻ chấp nhận. Tôi cung cấp cho người ta thấy sự gian khổ chiến tranh, con người nhân đạo chứ không chỉ hô hào, nối các trận đánh với nhau. Phim này không biết có mới với nhiều người không, ít nhất mới với bản thân tôi”.

Ông từng làm phim Mùa xuân toàn thắng nhân kỷ niệm 25 năm ngày 30/4, đến phim này ông tự nhận cái nhìn hòa hợp khác hẳn: Ký ức chiến tranh ăm ắp, đi vào tác phẩm, tùy giai đoạn lịch sử mà đưa ra hình ảnh phù hợp. 15 năm trước, phim của ông tập trung phản ánh giai đoạn lịch sử, với các chiến dịch chủ yếu. Nhưng ở phim mới nhất này, xuyên suốt là tinh thần hòa hợp. Xem phim xong người ta hiểu hơn về cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất.

“Kết phim theo truyền thống thường là hình ảnh bộ đội thừa thắng xông lên, đất nước đổi mới, biểu dương lực lượng này nọ. Tôi chọn hình ảnh thời hội nhập, các nhân sỹ, trí thức, Việt kiều về xây dựng đất nước, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam rất thoải mái, không gò bó. Hòa hợp là đấy chứ đâu. Có thể có người không thích, nhưng tôi thích và tin rằng nhiều người cũng như tôi”, đạo diễn lí giải.

Điều mới hơn trong phim này mà đạo diễn tự nhận là thông tin đa chiều, không ép buộc. “Cũng có những người đưa sẵn nội dung cho nhân vật đọc. Tôi không làm như thế, cứ để họ tự do bộc bạch, cái tâm họ thật thoải mái. Như ông Hà Văn Lâu, ông ấy gần trăm tuổi rồi còn ngại gì nữa đâu. Kể cả về vấn đề hòa hợp, phải để họ nói đúng cách của họ, không có chuyện mồi cho họ nói”, NSND Lê Thi nói. Ông kể thêm, ban đầu nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng luôn cáo mệt, ốm, sau này thì chính ông còn chủ động hỏi có cần thêm gì không. “Cái lỗi chính là chúng ta không tìm thấy họ (nhân chứng lịch sử) thôi, đừng bao giờ ép người ta”, ông nói.

Dân tộc Việt Nam chiến thắng

Phim mới về 30/4: Không phải là chuyện ai thắng ai ảnh 1

Một tàu của Việt Nam cộng hòa bị đánh chìm trong trận hải chiến trên biển Đông

Phim chia làm hai phần, phần đầu đạo diễn cố gắng lướt nhanh các mốc lịch sử, phần còn lại chính là Dân tộc Việt Nam chiến thắng. Không phải Việt Cộng thắng phía Việt Nam Cộng hòa, mà là dân tộc Việt Nam thắng giặc ngoại xâm. Như chiến thắng Buôn Ma Thuột, đấy cũng là nhờ dân, chúng ta huy động được sức mạnh từ dân. Đạo diễn trích lại quan điểm của Nguyễn Trãi, ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước “chúng ta mất dân là mất tất cả”.

“Ngoài những thứ quen thuộc, bắt buộc phải nhắc đến, điều tôi làm cho khán giả đỡ chán là các nhân vật lịch sử”. Đạo diễn thuyết phục được ông Hà Văn Lâu, một nhân chứng của hội nghị Geneve, hay ông Võ Văn Sung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp nói về những điều quanh hai hội nghị này. Ở giai đoạn Geneve rõ ràng thế của ta không có, đến hội nghị Paris, Mỹ dùng các nước lớn ép ta ra sao.

Chuẩn tướng, nguyên Đô trưởng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh cũng nói đại ý, làm gì có miền Bắc đánh miền Nam, dân tộc Việt Nam là một. NSND Lê Thi cũng trích tư liệu phát biểu của ông Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến trở về Việt Nam ít lâu trước khi chết, rằng tất cả đều có khát vọng thống nhất, chỉ là không làm được, và “không có chuyện phục quốc”. Đạo diễn cũng ghi nhận ý kiến của thuyền nhân Nguyễn Lịnh Nhân Đức, giờ trở về xây dựng công ty chuyên robot lặn biển-đại diện của hàng triệu kiều bào ta.

Đoàn làm phim phải cam kết với bệnh viện để đón nhân vật trong nhóm tình báo H63 về nhà ghi hình, và sau đó đưa trở lại bệnh viện. Đó là thượng sỹ Nguyễn Văn Minh trong Bộ Tổng tham mưu Sài Sòn, chép tài liệu về các mệnh lệnh hành quân đưa ra ngoài. Cả gia đình ông gồm vợ, em trai, em gái đều hoạt động tình báo, nhưng không ai biết ai. “Có thể gọi là sự liều mạng. Ông ấy ốm mệt, đưa ra ngoài nhỡ chết thì tôi cũng chết”, đạo diễn chia sẻ.

Lí giải cách đưa biển Đông vào phim này, NSND Lê Thi nói “không nhắc đến là có tội với lịch sử. Điều tôi muốn nói đến ở đây chính là tinh thần của người Việt Nam ở trong và ngoài nước trước sự kiện giàn khoan 981. Quan trọng là độc lập dân tộc, chủ quyền không thay đổi”. Minh chứng cho điều này, ông dẫn lời nhà sử học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, sưu tầm gần 2.000 bản đồ Việt Nam, trong đó khoảng 200 bản đồ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng là người chứng kiến những giây phút cuối trước ngày 30/4 thống nhất.

Một trong những trường đoạn ấn tượng là toàn cảnh nghĩa trang nơi chôn cất ba anh em nhà ông Ngô Đình Diệm. Đoàn làm phim sau nhiều hồi lọ mọ cũng tìm đến đây, nhìn vào những nhân vật này với cái nhìn điềm đạm hơn. Đại ý lời bình cho hình ảnh này: Ông Ngô Đình Diệm gây nhiều tội ác với đồng bào miền Nam, nhưng khi ông chết đi, đất đai quê hương vẫn bao dung, và nền đệ nhất cộng hòa theo ông về đây”.

“Đề tài này rất nhiều người làm, còn nhiều người sẽ làm, nhưng không nhanh chúng ta sẽ hết nhân chứng lịch sử. Phía ta gần như không còn nhân chứng ở tầm hoạch định chiến dịch, những người có thể kể về góc khuất nữa. Những gì còn tiếc nuối chưa nói được, nếu làm tiếp tôi muốn đưa vào nhiều nhân vật, con người bình dị hơn”, đạo diễn NSND Lê Thi nói. Ông nói thêm, kinh phí hạn hẹp và các nhà làm phim chưa thực sự được tạo điều kiện thuận lợi có thể tìm được nhiều nhân chứng lịch sử còn chưa được biết đến.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.