Phim “Sắc đẹp ngàn cân”: “Đơ” so với nguyên bản Hàn?

Phim “Sắc đẹp ngàn cân”: “Đơ” so với nguyên bản Hàn?
TP - Đúng mùa các người đẹp, ca sỹ đua nhau khoe “chiến công” đại tu nhan sắc bằng dao kéo thì bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt chính thức ra mắt. Các nhà làm phim trong nước có ý trung thành với bản gốc, xuất xứ Hàn Quốc. Nhưng càng trung thành với “con đẻ” thì hình như phiên bản càng bị chê quyết liệt hơn.

Bởi vì càng cố giống nhau bao nhiêu người ta càng có điều kiện để so sánh bấy nhiêu. Có lẽ phần Việt hóa rõ rệt và dễ dàng nhất trong phiên bản là tên các nhân vật chính được thay đổi: Hà My, Ly Ly, Duy Khang…  Hay một số chi tiết nhỏ, khi chuẩn bị phẫu thuật cho cô gái có giọng hát vàng xấu xí, béo phì, bác sỹ thẩm mỹ hỏi: Cô muốn gương mặt mình thế nào? Hà My (nhân vật chính) đưa ra nguyện vọng: Mắt Tăng Thanh Hà, miệng Thanh Hằng, mặt Minh Hằng, toàn tên các “ngôi sao” giải trí đương thời của Việt Nam.

Phần ca khúc trong phiên bản Việt, bị chê khá nhiều, vì độ nhạt nhẽo, không lưu dấu ấn. Đáng tiếc, ca khúc chủ đề của bản gốc, bài Maria trứ danh do nữ diễn viên chính Kim Ah Joong trình bày, từng thu về 1,5 tỷ won (tương đương 1,6 triệu đô la thời ấy) không xuất hiện trong phiên bản “Sắc đẹp ngàn cân” Việt, thay vào đó là ca khúc “Muốn có anh”. 

Có khán giả đưa ra lí do mang tính “chọc ngoáy”: Do ca sỹ, diễn viên Minh Hằng (thủ vai chính) không đủ nội lực để hát “Maria”.  Một số fan của cô đã bảo vệ “thần tượng” bằng lí lẽ: Sao ngày trước, người người, nhà nhà nghe Minh Hằng hát “Một vòng trái đất” mà không than gì, nay Minh Hằng vào vai ca sỹ có giọng hát vàng, mọi người lại bới móc giọng ca cô ấy? Song cũng phải lẽ, diễn viên nào vào vai mỹ nhân thì bị “soi” nhan sắc, vào vai giọng hát vàng ắt bị “soi” giọng ca, vào vai học sinh phổ thông bị “soi” tuổi tác…

Phim “Sắc đẹp ngàn cân”: “Đơ” so với nguyên bản Hàn? ảnh 1 “Trai xinh, gái đẹp” Minh Hằng, Rocker Nguyễn trong “Sắc đẹp ngàn cân”.

Thua mặt, thua giọng

Nhiều người nói: Không muốn xem “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt vì sợ hỏng mất cảm xúc từng có khi xem “Sắc đẹp ngàn cân” Hàn Quốc. Thế nhưng, sau vài ngày công chiếu, “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt đã công bố doanh thu ấn tượng: 13 tỷ đồng. Chẳng biết con số thực hư ra sao song ngay tại rạp Kim Đồng (Hà Nội), nhân viên bán vé cho biết, ngày thường phim vắng khán giả. Thậm chí, theo quan sát của phóng viên có suất chiếu cả rạp chỉ được 5 “thượng đế”.

“Sắc đẹp ngàn cân” từng gây sốt ở Hàn Quốc cách đây 11 năm, năm 2006.  Khi phiên bản Việt ra mắt, với ai đã từng xem bản gốc, sẽ thoáng buồn, bởi tuy “sinh sau đẻ muộn” tới hơn chục năm nhưng “copy” những màn biểu diễn hoành tráng như trong nguyên bản vẫn là thách thức với những nhà làm phim của ta.

Xem bản gốc, khán giả như lạc vào một không gian mà nhân vật chính, nữ ca sỹ có giọng ca đẹp, nhan sắc hút hồn được tôn vinh tột bậc. Ở phiên bản của ta, không tránh được cảm giác “ao làng”. Ngay việc hóa trang, biến nữ diễn viên Minh Hằng thành cô gái xấu xí, thừa cân, phiên bản cũng không thể làm tốt như bản gốc.

Mặt cô gái xấu xí không mang lại cảm giác thật, khán giả biết rõ ràng đó là hình nộm silicon, không cần Minh Hằng hay ai đó trong đoàn làm phim quảng cáo. Đó phải coi là một thất bại trong khâu hóa trang. Cho nên có khán giả kêu: “Sắc đẹp ngàn cân “đơ” so với bản gốc”.

Những sự nhầm lẫn dở tệ

“Sắc đẹp ngàn cân” nguyên bản cũng không thật sự là một bộ phim quá hấp dẫn. (Phim ăn khách chưa chắc là phim hay, cũng là chuyện thường). Nói chính xác, đó chỉ câu chuyện hợp thời sự của ngành giải trí Hàn Quốc bấy giờ (cũng như hợp thời sự giải trí ở ta bây giờ). Ngay trong bản gốc, có những tình tiết không thuyết phục: Cô gái xấu xí sau cuộc phẫu thuật đã trở thành cô gái đẹp hoàn hảo.

Do va chạm giao thông, cô bị đưa vào sở cảnh sát, muốn ra, phải có người bảo lãnh. Cô bèn gọi  bạn thân đến giúp. Cô bạn thân không thể nhận ra cô gái xinh đẹp là bạn mình, cũng  dễ hiểu. Nhưng đáng nói là, cô bạn lại nhận nhầm một người đàn bà xấu xí khác, đang nằm đói lả trên ghế băng.

Cô ôm lấy người đàn bà ấy, hỏi han,  rồi trách cảnh sát: Tại sao không cho bạn tôi ăn, để cô ấy đói lả thế này? Đời thực, làm gì có chuyện những người thân nhận nhầm nhau một cách quá hồn nhiên như thế, trừ khi, họ là chị em sinh đôi. Tình huống thiếu thuyết phục này cũng được các nhà làm phim bê nguyên xi vào phiên bản Việt. Cớ sao không Việt hóa để vừa gây cười, vừa chân thật hơn? Sao cần thiết phải trung thành với ngay cả tình huống dở?

Hay trong nguyên bản có chuyện:  Người cha của cô gái xấu xí có vấn đề thần kinh, thường phải ở trong bệnh viện. Mỗi khi cô đến thăm, hai cha con lại ôm nhau nhảy, người cha nhầm cô là vợ, nên thắc mắc: “Mình ơi, sao bữa nay mình tăng cân vậy ?”. Rồi bàn tay người cha rờ đến mông con gái…Cha nhầm con gái là vợ, chuyện có thể xảy ra khi ông ấy có vấn đề tâm thần song chi tiết này gây “ớn”  với không ít khán giả. Nhầm con gái là ai mà chẳng được sao phiên bản Việt cứ phải nhầm giống nguyên tác?

Chỉ muốn “đập đi xây lại” 

Những người sinh ra “Sắc đẹp ngàn cân” ở Hàn Quốc chắc chắn muốn gửi gắm một thông điệp lớn: Phẫu thuật thẩm mỹ có thể thay đổi được vẻ ngoài, có thể biến vịt thành thiên nga nhưng sự trả giá của nó không hề nhỏ: “Giờ thì tôi xinh đẹp, nhưng tôi không còn là tôi của ngày nào. Tôi cũng không nhớ hình ảnh của mình ngày trước. Tôi từ người bạn thân nhất, từ bỏ bố tôi… và chính bản thân tôi” (Lời Jenny, nhân vật chính trong nguyên bản).

Những lời thoại gây xúc động trong phim vẫn không thể nào xóa đi  cảm giác rất thực khi  xem xong “Sắc đẹp ngàn cân”, dù ở trạng thái nguyên bản hay phiên bản: Em đẹp, em có quyền. Cuối cùng với nhan sắc hoàn hảo, người con gái trút bỏ dáng vẻ xấu xí đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, trở thành một ngôi sao mới trên bầu trời ca nhạc. Cô cũng lật ngược tình thế: Biến người đàn ông trước đây cô thầm thương mến nhưng không dám tỏ lòng thành “cái đuôi” phải đi theo cô.

Ngay sau khi xem “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt, “chân dài” Trang Trần đã bình luận bằng hình thức livestream: “Đàn bà đẹp là một quyền năng, đàn bà đẹp là một tài năng. Trời ơi! Xem “Sắc đẹp ngàn cân” về chỉ muốn đập mặt đi làm lại, vậy đó”. Nếu người ta từng tranh luận chương trình truyền hình Change Life (Thay đổi cuộc sống), góp phần tạo ra các “hot girl dao kéo” là có tội hay có công thì cũng có thể đặt ra băn khoăn như vậy với “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt, khi bộ phim này đang kích thích giới trẻ nhu cầu “đẹp nhân tạo”, vĩnh biệt “xấu tự nhiên”.

Lợi thế trai xinh, gái đẹp

Có một ưu điểm của “Sắc đẹp ngàn cân” phiên bản Việt so với nguyên bản đó là: Dàn diễn viên của ta đẹp ngang ngửa, nếu không muốn nói, trẻ đẹp hơn hẳn so với dàn diễn viên Hàn trong bộ phim này. Minh Hằng đương nhiên xinh đẹp, ngay cả trước khi có tin đồn dao kéo. Nam diễn viên chính, ca sỹ Rocker Nguyễn  thủ vai chàng nhạc sỹ Duy Khang trong phim, có lẽ tới đây sẽ là cái tên đình đám bởi vẻ ngoài đốn tim chị em của mình. 

MỚI - NÓNG