Phim tài liệu gập ghềnh ra rạp

“Chuyện ngày hôm qua” chuẩn bị đến với người hâm mộ ở TPHCM, Hải Phòng và nhiều thành phố khác.
“Chuyện ngày hôm qua” chuẩn bị đến với người hâm mộ ở TPHCM, Hải Phòng và nhiều thành phố khác.
TP - Chuyện ngày hôm qua về ban nhạc Bức Tường và Trần Lập ra rạp và nhận phản hồi tích cực của khán giả. Đây cũng là một trong những phim tài liệu gần đây cố gắng làm sống lại thời ăn khách mấy chục năm về trước.

Manh nha trở lại

Chuyện ngày hôm qua của đạo diễn trẻ Đặng Linh trụ lại Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ 17-25/3 mỗi ngày ba suất chiếu. Dù không phải là thời gian trụ rạp dài như phim truyện nhưng đây cũng là sự ưu ái hết sức dành cho một phim tài liệu. Phim của hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương (DSF) được xem là sự trở lại sau mấy chục năm của hiện tượng Hà Nội trong mắt ai Chuyện tử tế của đạo diễn gạo cội Trần Văn Thủy.

“Tôi nghĩ phim thành công về mặt phát hành bởi phản hồi khán giả và số lượng khán giả đến rạp đều đáng mừng”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc hãng phim DSF nói. Phim cũng được chiếu ngày bốn suất tại Hãng phim, suất nào cũng có khán giả. Ước tính hàng nghìn khán giả bỏ tiền mua vé. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia khá ưu ái khi chia tỷ lệ doanh thu vé ở mức 70-30 (nhà rạp chỉ
lấy 30%).

Trước Chuyện ngày hôm qua cũng có những đốm sáng nhen nhóm. Có thể kể tới hiện tượng Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, 2014. Lửa Thiện Nhân ra rạp sau đó một năm. Bộ phim của đạo diễn Đặng Hồng Giang chinh chiến ở LHP quốc tế trước khi ra rạp. Đây cũng là hiện tượng rạp với cả trăm suất chiếu và gây hiệu ứng mạnh với khán giả. Năm 2016, Đặng Hồng Giang tiếp tục đưa Đáng sống ra rạp. Dù phim được đầu tư công sức và có những tìm tòi sáng tạo nhưng chưa thể gặt hái thành công như kỳ vọng.

Không bỏ cuộc

Các nhà làm phim tài liệu vẫn nhắc lại thời hoàng kim với hai phim Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy khiến người ta xếp hàng dài mua vé. Phim dự và nhận giải ở liên hoan quốc tế và cũng là phim tài liệu được bán ra nước ngoài nhiều nhất. Phim tài liệu sau này lâm cảnh khó hơn phim điện ảnh rất nhiều, nhiều phim làm ra dự thi xong rồi cất kho, thi thoảng được phát sóng trên truyền hình khá lặng lẽ. Những năm gần đây với làn sóng cởi mở với thế giới, phim tài liệu Việt âm ỉ sống nhờ các trung tâm hỗ trợ phát triển điện ảnh, các liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam hay trong sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim độc lập.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng bảo việc Chuyện ngày hôm qua ra rạp là sự trở lại với rất nhiều kỳ vọng, tất nhiên các nhà làm phim không đặt nặng vấn đề doanh thu. Sau Hà Nội, phim chuẩn bị đến với khán giả TPHCM, Huế, Hải Phòng và có thể Nha Trang. Một kênh truyền hình Malaysia cũng đang đặt vấn đề mua phim phát sóng truyền hình. Tháng 9 tới hãng DSF dự kiến tung ra phim tài liệu về thời bao cấp. Đương nhiên để thực hiện kế hoạch này các nhà làm phim phải viện tới nhà tài trợ. Với phim kinh phí nhà nước như DSF không hề có kinh phí phát hành nên làm xong họ phải tự bơi và tìm cách để đưa phim ra rạp. Với các đạo diễn độc lập và đạo diễn trẻ, cơ hội còn hiếm hoi hơn nhiều. NSND Nguyễn Như Vũ, Tổng GĐ Hãng phim DSF thừa nhận phim tài liệu muốn ra rạp phải hội tụ rất nhiều yếu tố.

Sau khi Đáng sống phát hành rạp chưa được như ý, Đặng Hồng Giang tiếp tục tìm mọi con đường để đưa phim tới khán giả. Có những suất chiếu đặc biệt như nghìn khán giả là học sinh trường THPT Trần Nguyên Hãn và nhận được phản hồi tích cực. “Tôi không từ bỏ ý định tiếp tục đưa phim tài liệu ra rạp. Mấy chục năm qua sau phim của đạo diễn Trần Văn Thủy chúng ta đã ngủ quên. Không riêng tôi mà các bạn trẻ say nghề như Nguyễn Thị Thắm, Đặng Linh đang làm lại thị trường cho dòng phim tài liệu. Khán giả mấy chục năm qua họ bị mất thói quen xem phim tài liệu thậm chí hiểu sai lệch về nó”, Đặng Hồng Giang nói.

MỚI - NÓNG