Phục trang Đêm hội Long Trì có cải lương?

Đêm hội Long Trì với diễn xuất của Thế Anh và Lê Vân
Đêm hội Long Trì với diễn xuất của Thế Anh và Lê Vân
TP - Sau khi nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh khẳng định trên Tiền Phong ngày 12-7 rằng phục trang phim Đêm hội Long Trì “toàn lấy từ đoàn cải lương ra”, đạo diễn và phó đạo diễn bộ phim- NSND Hải Ninh và NSƯT Nguyễn Thanh Vân đã lên tiếng.

>> Coi 50 tỷ là to thì khó làm phim lịch sử lắm!

Đêm hội Long Trì với diễn xuất của Thế Anh và Lê Vân
Đêm hội Long Trì với diễn xuất của Thế Anh và Lê Vân.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, con trai đạo diễn Hải Ninh đồng thời là phó đạo diễn phim Đêm hội Long Trì cho hay: “Cố họa sĩ Đào Đức và họa sĩ Phương Thảo đã mất một năm- từ lúc nghiên cứu họa tiết cho đến khi may xong trang phục Đêm hội Long Trì. Toàn bộ phục trang vẫn đang lưu ở kho Hãng phim Truyện Việt Nam, chứ không nằm ở bất cứ đoàn cải lương nào. Nhiều đoàn làm phim trong đó có Hoàng Lê nhất thống chí mượn toàn bộ phục trang này để làm phim”.

Đạo diễn chính của phim- NSND Hải Ninh- khẳng định: “Tìm ra trang phục cho Đêm hội Long Trì Kiếp phù du là cả một công trình rất thành công của các họa sĩ, mà trước tiên là NSND Đào Đức. Phim ra mắt gần như không có ý kiến của bất cứ một nhà lịch sử nào phê phán về vấn đề y phục và đạo cụ cả. Chúng tôi có một tài sản về y phục cổ rất sớm. Những phim lịch sử trong vòng 20 năm sau này phần lớn sử dụng quần áo của Đêm hội Long Trì, kể cả truyền hình”.

“Chúng tôi nghiên cứu tỉ mỉ để khi phim hoàn thành, người ta thấy đấy là văn hóa Việt Nam”, ông Hải Ninh cho biết. “Chẳng hạn, chúa mặc khác vua như thế nào. Có lần truyền hình làm phim về thời Lê-Trịnh để cho chúa mặc hoàng bào. Thế là hỏng! Trừ vua ra, không ai được mặc hoàng bào. Họa sĩ Đào Đức tìm mãi các tư liệu khảo cổ, sử ký mới ra chúa mặc tía bào, chỉ có 1 rồng thôi, còn vua là lưỡng long chầu nguyệt, hoặc 9 rồng”.

Theo đạo diễn Hải Ninh, đoàn làm phim của ông đã bỏ ra một năm tìm kiếm ở các đền chùa quanh Hà Nội, xem xét, nghiên cứu trang phục của các pho tượng cổ, ứng dụng vào phim. “Có những bà chúa vì cống hiến xây dựng chùa Bút Tháp nên người ta làm tượng, còn nguyên quần áo của thời Lê-Trịnh.

Chúng tôi còn chụp ảnh nghiên cứu. Đền chùa ở Việt Nam, đặc biệt xung quanh Hà Nội, chính là những bảo tàng. Người làm sân khấu, điện ảnh không thể chỉ tìm trong bảo tàng của quốc gia, mà phải tìm cả trong các chùa đền. Đến chùa Pháp Vân ở Thuận Thành cũng thấy mẫu những bộ quần áo của tố nữ thời kỳ gần như đầu công nguyên”.

Khi được hỏi, nhỡ đâu, những trang phục đó đã được người sau làm lại, không còn giống nguyên bản thì sao, đạo diễn lão thành trả lời: “Chúng tôi căn cứ vào miêu tả của các nhà sử học và hiện vật. Bản thân người giữ chùa còn có thể nói ngôi tượng ấy tạc từ lúc nào”. Đạo diễn Hải Ninh cũng bày tỏ sự vui mừng khi Đêm hội Long Trì vừa được Hãng phim Truyện Việt Nam kết hợp Phương Nam phát hành bản DVD.

Trong khi đó, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh tiếp tục khẳng định: “Phim của anh Hải Ninh vào thời điểm đấy là sáng tạo, sâu sắc, nhưng lấy làm chuẩn mực cho các nhà làm phim lịch sử Việt Nam hiện nay thì chưa được, nhiều khâu phải bàn.

Cụ thể khâu phục trang, đạo cụ chẳng khác gì ở sân khấu cải lương. Vì chẳng có gì chuẩn hóa cả. Phục trang của vua chúa, cung phi, hoàng hậu lại nghiên cứu ở đình chùa thì làm sao chuẩn(?). Nhưng thời điểm đó, những gì anh Hải Ninh và đoàn làm phim làm được là rất đáng trân trọng”.

Theo ông Quỳnh, vật dụng, quần áo… qua các thời kỳ lịch sử đã được các nước phát triển xác định rất rõ trong từ điển bách khoa toàn thư. Các nghệ sĩ căn cứ đó mà sáng tạo. “Phải chuẩn hóa các ngành nghề trong điện ảnh lịch sử, mới hy vọng có tác phẩm mẫu mực”, ông Quỳnh nói.

Thực hiện cách đây 20 năm có lẻ, Đêm hội Long Trì Kiếp phù du là hai bộ phim truyện nhựa lịch sử hiếm hoi và có thể nói thành công hơn cả cho đến thời điểm hiện nay của điện ảnh Việt Nam. Đáng tiếc, phim cổ sử Việt dậm chân tại dấu mốc đó quá lâu.

MỚI - NÓNG