Quá quá tam

Quá quá tam
TP - Nhiều ở đây là những cuốn sách cho trẻ em có dính tới chút… nhạy cảm. Chục ngày trước là chuyện “cổng trường em cắm cờ Trung Quốc” của NXB Dân Trí.

> Phát hiện sách mẫu giáo in 12 con giáp của Trung Quốc
> Sách tiếng Hoa thiếu nhi in ‘đường lưỡi bò’

Dư luận mổ xẻ, vài ngày sau lại tới cuốn Bé làm quen với chữ cái của NXB Đại học Sư Phạm với lá cờ Trung Quốc ở mục học về vần C. Rồi, như đùa dai, tới lượt cuốn Dạy tiếng Hoa cho trẻ em (Việt Nam) của công ty Nhân Văn bị phát hiện… in trọn vẹn “đường lưỡi bò” khi nhắc tới bản đồ của quốc gia này.

Khi câu chuyện lặp lại tới lần thứ ba trong một tuần, người ta mới giật mình: “Sao nhiều thế?”. Nhiều giả thiết động trời. Nhiều lời phẫn nộ đòi cho nghỉ việc những người làm sách - cũng như nhiều lời có cánh muốn… ngược dòng câu chuyện, tìm bằng được học sinh nào đã phát hiện ra sai sót chết người này để trao phần thưởng cho em.

Kể ra, cũng đáng thưởng, nếu tìm đúng một cô/cậu nhóc nào đó là người đầu tiên ngơ ngác “Ơ, sao sách vẽ cổng trường cháu lại có lá cờ này?”. Bởi, từ cái ngơ ngác được đăng trên báo ấy, người ta bỗng tá hỏa phát hiện ra có cuốn sách kiểu này được in từ tận năm 2008. Ngần ấy thời gian, chẳng thầy cô giáo, ông biên tập viên hay bậc cha mẹ nào bỏ thời gian “nhặt sạn” từ hình vẽ này thì rõ ràng thua đứt em bé vô danh kia thật.

Ừ thì lỗi của người làm sách. Nhưng xa hơn, cái lỗi ấy còn dính tới sự bát nháo lộn xộn của thị trường sách, cũng như tới “ma trận” hệ thống sách tham khảo, sách dạy tư duy, sách dạy kiến thức… làm phụ huynh lúng túng không quản nỗi. Có nghĩa, lỗi lớn hơn là thuộc về ngành xuất bản, ngành văn hóa - và trong một chừng mực nào đó, là lỗi của ngành giáo dục nữa, ở góc độ hệ thống và chuẩn hóa những công cụ để đào tạo con người.

Lại nói về cô/cậu học sinh đã “phát hiện” ra lá cờ lạ kia. Giả sử, em lại đọc tiếp ngay cuốn sách của NXB Dân Trí mà em đang có, trong trường hợp nó chưa được các nhà sách thu hồi.

Khi đó, có lẽ em sẽ lại “Ơ” một lần nữa. Tất nhiên không phải vì câu chuyện cũ về lá cờ Trung Quốc. Mà cái “ơ” này dành cho tít “Bé tập kể truyện” được in phía trên lá cờ.

Lúc đó, người lớn mới giật mình lần nữa để nhận ra rằng: một tuần qua, mình quá tập trung vào lá cờ, mà quên mất việc cuốn sách dạy tham khảo này viết sai chính tả, biến “kể chuyện” thành “kể truyện”.

Đấy mới là cái bát nháo cần lưu tâm, khi chúng ta vẫn luôn nói rằng phản văn hoá chỉ có thể chống lại bằng văn hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG