Quanh vụ tố NSND Anh Tú chèn ép: Vợ Xuân Bắc nói gì sau cuộc họp dài 9 tiếng?

Chị Nguyễn Hồng Nhung sau cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường. Ảnh: Nguyên Khánh.
Chị Nguyễn Hồng Nhung sau cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Cuộc họp giữa giảng viên Nguyễn Hồng Nhung (vợ NSƯT Xuân Bắc) và Ban giám hiệu trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội kéo dài 9 tiếng, kết thúc 5h chiều 13/9. Trước đó tối 11/9 chị Nhung chia sẻ trực tuyến trên facebook về bức xúc dồn nén lâu ngày trong quá trình giảng dạy tại ngôi trường này.

Cánh báo chí được phen cố thủ chờ giảng viên Hồng Nhung, dù lúc 16h chị “nhắn nhủ” qua facebook rằng các nhà báo cứ đi ăn và về trước. Khoảng 17h bước ra khỏi khu nhà B trường Cao đẳng Nghệ thuật, chị Nhung dắt xe máy ra khỏi cổng trường và đứng trong vòng vây báo chí…

Chị có thể cho biết nội dung kết quả cuộc họp?

Đã có những kết luận ban đầu nhưng tôi cũng chưa thể trả lời ngay được. Đảng ủy, Ban giám hiệu, Thanh tra nhân dân, Công đoàn đã có những trả lời xác đáng. Tôi nghĩ, sau này khi xác minh một số việc nữa để cho những thông tin công khai và chính xác từ hai bên. Cuộc họp kéo dài 9 tiếng, chưa có cuộc họp nào dài như thế, nhiều vấn đề được đưa ra để giải quyết. Tôi cảm thấy rất khả quan, sinh viên của tôi sắp có một nơi đúng nghĩa là sân khấu để phục vụ cho việc học tập. Đó là những thành quả mà tôi đạt được, nó xứng đáng với những gì tôi trăn trở.

Nhà trường có ý kiến gì về câu chuyện chị tố NSND Anh Tú chèn ép?

Tôi không biết Anh Tú trả lời thế nào, nhưng tôi nghĩ có thế nào thì nó cũng sáng tỏ cả thôi. Còn sáng tỏ thế nào thì các bạn hãy đợi. Tôi sẽ có phản hồi với công chúng để có thông tin chính xác từ hai phía. Còn như thế nào thì các bạn có đủ trình độ để thẩm định đâu là đúng, sai. Sau 9 tiếng họp giờ tôi rất mệt.

Trong cuộc họp có những câu chuyện nào được đưa ra?

Hôm nay nhà trường mời tôi đến để giải quyết vấn đề tôi nêu trong đơn và về việc tôi không trong ban chấm thi tốt nghiệp. Nhà trường đã có câu trả lời. Tôi hoàn toàn đủ tư cách trong ban chấm thi tốt nghiệp, nhưng đây là sự điều hành, điều động vì quyết sách và hướng phát triển của nhà trường do NSND Anh Tú tư vấn.

Còn ý kiến riêng của tôi: Nhà trường tôn trọng ý kiến của giảng viên bên ngoài, vậy thì còn ý kiến của chúng tôi, chuyên môn tại khoa tại sao không tham khảo, không lấy ý kiến từ khoa? Sự sai sót từ phía khoa chính là không làm chức năng tham vấn cho Ban giám hiệu. Bây giờ, tôi chưa đủ sức khoẻ và tỉnh táo để trả lời thấu đáo.

Chị chọn hình thức livestream trên facebook thay vì gửi kiến nghị, như thế có ảnh hưởng tới danh dự nhà trường?

Tôi nghĩ không có gì ảnh hưởng đến danh dự nhà trường, bởi vì những vấn đề đó hãy coi nhẹ đi. Tôi nghĩ các giảng viên hay sinh viên nếu như muốn để minh bạch và công khai, hãy phỏng vấn sinh viên của tôi vì đó là những bằng chứng sống. Tôi không nói sai điều gì. Tôi nói trong biên bản nhà trường là tôi chịu trách nhiệm với những gì mình nói. Khi tôi phát ngôn trên mạng đúng hay sai tôi chịu trách nhiệm.

Chị có bằng chứng tố NSND Anh Tú chèn ép mình? 

Tôi có bằng chứng.

Trong bài phỏng vấn gần đây đại diện nhà trường nói rằng phát ngôn của chị về việc chị là người thành lập khoa là không chính xác. Chị có thể nói gì về điều này?

Trong cuộc họp nhà trường đã nhận lỗi về phát ngôn sai về nhân thân của tôi. Cái này có trong biên bản. Tôi nghĩ tôi là người cầu thị. Tôi là giảng viên của trường, nhưng trường không hiểu nhân thân của tôi thì trường cũng phải xem lại. Ai là người phát ngôn thì đính chính với báo chí và nhà trường rất thiện chí. Tôi đấu tranh cho sinh viên, cho cái chung, chứ không vì cá nhân.

Không khí cuộc họp ra sao, tại sao phải kéo dài tận 9 tiếng đồng hồ?

Không khí cuộc họp rất thoải mái. Có nhiều vấn đề, 8-9 vấn đề đều là vấn đề nóng của trường.

Thông tin từ phía nhà trường rằng chị chỉ là người dựng tiểu phẩm thôi, nên chị không được ngồi ghế hội đồng chấm thi tốt nghiệp?

À, đó là phát ngôn của phía đại diện nhà trường, nhà trường đã xác minh điều đó là sai.

Chị nghĩ gì khi nhà trường nói tâm lý của chị không ổn định?

Tôi khẳng định, tôi là diễn viên, đạo diễn, tôi có trình độ Thạc sĩ sân khấu, Cử nhân kinh tế (ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội). Tôi về đây 14 năm, là một trong ba người gây dựng khoa cùng với đồng chí Trần Đức và Lan Anh?

Tại sao chị không đưa ra đơn đề nghị với ban giám hiệu mà dùng facebook?

Tôi nghĩ đưa ra dư luận là nhanh nhất, được quan tâm nhất, đòi được quyền lợi nhanh nhất. Mọi người hãy nhìn vào nguyên nhân và bản chất của vấn đề và vì sao mà tôi phải đấu tranh như vậy.

Trước buổi họp này chị tuyên bố sẽ sẵn sàng nghỉ việc. Vậy sau buổi họp này chị có thay đổi ý định?

Tôi nghĩ toàn bộ ban lãnh đạo nhà trường sau cuộc đấu tranh của tôi có những giải pháp để giải quyết những vấn đề tôi thắc mắc, khúc mắc, hay đề đạt. Việc tôi xin nghỉ hay không thì đó là quyết định mọi người sẽ biết được ngay sau thời gian này.

Bằng chứng NSND Anh Tú chèn ép của chị theo hình thức nào?

Tất nhiên là có văn bản. Ban đầu văn bản ấy không phải để tôi dùng cho mục đích đấu tranh gì cả, nó là những thứ rất vô tình. Đến khi nó trở thành hành động ảnh hưởng đến danh dự của tôi thì tôi nghĩ đó là minh chứng cho việc những gì Anh Tú đã đáp trả và trả lời báo chí.

NSND Anh Tú: Tôi và Xuân Bắc vẫn cười phe phé với nhau

NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bị chị Nguyễn Hồng Nhung (vợ NSƯT Xuân Bắc) tố chèn ép. Anh Tú trao đổi với Tiền Phong quanh câu chuyện này.

Chị Nguyễn Hồng Nhung nói rằng anh can thiệp, chèn ép để chị ấy không ngồi trong hội đồng chấm thi thực hư điều này ra sao?

Tôi cũng thấy băn khoăn. Chuyện xảy ra từ hồi tháng 6 khi Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức thi tốt nghiệp cho các em, bây giờ tự nhiên bới móc chuyện này ra. Tôi thấy cũng hơi lạ.

Trước khi livestream (nói chuyện trực tuyến trên Facebook) với công chúng, chị Nhung có bao giờ trao đổi trực tiếp với anh về khúc mắc này?

Không, hoàn toàn không. Học sinh đang nghỉ hè nên mấy tháng rồi tôi không đến trường, bây giờ vào năm học mới quay lại. Xuất phát điểm chính là kỳ thi tốt nghiệp cho các em khoa Sân khấu. Có năm họ mời tôi ngồi hội đồng chấm thi, có năm họ cũng chẳng mời, có năm họ mời tôi bận không tham gia được. Đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Năm nay tôi khuyên Ban giám hiệu tận dụng cơ hội quảng bá cho nhà trường bằng cách mời các NSND, NSƯT ngồi hội đồng chấm thi như Hoàng Dũng, Lê Khanh, Lan Hương, Trần Đức, Minh Vượng, Lan Anh. Nhà trường làm theo ý kiến của tôi.

Ngoài nghệ sỹ có danh hiệu, giảng viên dạy trực tiếp cũng nên có trong hội đồng chấm thi chứ?

Quan điểm của tôi là không nhất thiết. Giống như vở diễn của tôi vào Hội diễn do người khác chấm, tôi có được chấm đâu. Người ngoài nhiều khi lại càng công tâm hơn bởi các nghệ sỹ này ngồi nhiều hội đồng rồi, có uy tín nghề nghiệp cho nên giáo viên giảng dạy nhưng chấm thi là người khác cũng được chứ sao. Có lẽ bạn ấy hiểu nhầm sang chuyện gì đó nên mới phản ứng như thế.

Trong quá trình giảng dạy hai người có khúc mắc gì không?

Khoa Sân khấu của nhà trường có sáu lớp, tôi được mời dạy một lớp, các lớp còn lại của khoa và nhà trường lo nên tôi cũng không quan tâm. Tôi dạy một mình một khung giờ vào buổi tối, giao cho tôi  lớp nào tôi cố gắng làm tốt nhất, còn lại tôi không quan tâm.

Một số người đặt nghi vấn có thể mối quan hệ giữa anh và Xuân Bắc rạn nứt chăng?

Chẳng có gì cả đâu. Tôi với Xuân Bắc vẫn cười phe phé với nhau ở nhà hát, thậm chí còn vừa ngồi nhậu với nhau, ghé tai nhau bảo đang được báo chí nhắc đến nhiều lắm. Bắc bảo tôi “chuyện đàn bà”. Những vở gần đây nhất của tôi ở Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc thường đóng vai chính.

Cảm ơn anh

Toan Toan

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.