Quốc phục: Bao giờ mới có?

Quốc phục: Bao giờ mới có?
Người Việt Nam khi đi ra thế giới, nên mang theo trang phục gì để thể hiện rõ bản sắc Việt? Với các bạn nữ, chắc không có gì ngần ngại khi thốt lên: “áo dài”. Nhưng, các đấng mày râu thì sao?

Chuyện thứ nhất: Năm 2001, tôi được tham gia trại hè thanh niên về nghệ thuật ở Malaysia.Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị khá kỹ. Mọi việc đều diễn ra trôi chảy và thành công, nhưng...Trong chương trình mà ban tổ chức gửi trước cho mỗi nước có nhắc đến trang phục truyền thống trong buổi sinh hoạt tập thể 10 đoàn.

Đoàn Việt Nam ta có mấy cô gái trẻ trung xinh đẹp thì mang theo vài bộ áo dài truyền thống. Còn hai anh con trai chúng tôi? Chị trưởng đoàn đã có ý định chọn bộ áo the, khăn xếp, giống như các liền anh quan họ. Nhưng do thời gian gấp rút quá, chúng tôi không may kịp, đành mang bộ đồ âu mới toanh mua vội ở một cửa hàng trên phố Ngô Quyền (Hà Nội).

Đến buổi sinh hoạt hôm đó, tự dưng chúng tôi thấy mình hơi… lạc lõng, dù không khí rất hữu nghị, rất đoàn kết. Đó là bởi, các bạn thanh niên các nước trong khu vực đều có những bộ trang phục truyền thống rất riêng. Nam thanh niên Malaysia, Myanmar chẳng hạn, họ đều mặc váy, khoác áo dài với những màu sắc rực rỡ. Một số đoàn  nước bạn nhìn chúng tôi bằng con mắt ngạc nhiên vì chúng tôi đều vận đồ âu!

Chuyện thứ hai: Sáng ngày mồng 7 Tết Ất Dậu năm nay, chương trình thời sự  của Đài THVN phát lúc 9 giờ sáng có đưa tin Hãng Hàng không của mỹ United Airline mở cửa đón khách hàng trong năm mới. Hai vợ chồng người Mỹ là trưởng đại diện của Hãng Hàng không nọ ăn vận những bộ quần áo rất đẹp.

Chồng áo the, khăn xếp màu tím. Vợ áo dài có khăn vấn màu đỏ rực. Cả hai vui vẻ mở cửa đón khách đầu năm. Trong khi đó, các nhân viên người Việt mình thì áo sơmi, cà vạt chỉnh tề. Ông Tây nọ còn chủ trì buổi họp đầu năm với nguyên bộ trang phục ấy. Tôi có cảm nghĩ, ông Tây thì muốn được níu gần cái không khí truyền thống của dân tộc Việt Nam. Còn các nhân viên nọ dù có biết sếp mình mặc như vậy, nhưng lại mặc đồ Tây?!                         

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cũng đã nêu: Những lần các đại sứ nước ta khi trình quốc thư lên nước bạn thì rất lúng túng, không biết mặc quần áo như thế nào mới đúng là quốc phục của nước mình.Cuối cùng phải mặc bộ quần áo comlê đuôi tôm, bộ quần áo mà ai cũng biết rằng đấy là lễ phục của xứ người!

Câu trả lời cũng không mấy vui

Trên thực tế, năm 2000, dư luận  cũng đã từng “sôi” lên về chuyện quốc phục trong lễ hội Đền Hùng. Tôi tìm đến  nhà văn Hoàng Quốc Hải, nguyên chuyên viên phong tục của Cục VH-TT cơ sở ( Bộ VH-TT). Không ai khác, chính ông là người đã đưa ra ý tưởng xây dựng bộ lễ phục đó.

Ông Hải nhớ lại:  Ngay từ  quãng năm 1994, Bộ VH-TT đã được giao nhiệm vụ xây dựng bộ lễ phục phục vụ công tác đối ngoại cho lãnh đạo Nhà nước. lúc đó đã có ý kiến đề nghị thiết kế theo kiểu Tôn Trung Sơn, cắt dài đến đầu gối với nhiều túi.  Trong một cuộc họp về vấn đề này, ông Hải cho rằng, không thể làm như thế được vì nó giống trang phục Trung Hoa. Mặt khác, nước ta đã có một nền văn hóa y phục xuyên suốt.

Chúng ta có thể căn cứ vào quốc phục để làm lễ phục. Quốc phục chẳng qua là một thứ quần áo của một dân tộc đã được cộng đồng chấp nhận và nó đã được dùng ổn định qua nhiều đời.Trên thực tế, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa lễ phục và triều phục (trang phục dùng trong triều đình). Lễ phục được may trên cơ sở quốc phục nhưng được thiết kế kỹ hơn.

Theo ông Hải nên chọn bộ y phục truyền thống áo the, khăn xếp đã được cộng đồng chấp nhận và nó được sử dụng ổn định, lâu dài làm quốc phục cho nam giới. Trước những ý kiến khác nhau, phương án tổ chức thi để lựa chọn mẫu áo được triển khai.

Thế nhưng, năm đó, cuộc thi được phát động lại không mang lại kết quả như mong đợi.Tới năm 1999-2000, chuẩn bị cho lễ hội Đền Hùng, Cục VH-TT cơ sở lại được giao xây dựng bộ lễ phục. Việc làm này không dễ xuôi chèo mát mái vì một số nhà văn hóa lúc đó tỏ ý không ủng hộ. Nhưng rồi cuối cùng bộ lễ phục cũng được ra đời.

“Bộ lễ phục Đền Hùng năm 2000 là kết hợp trí tuệ giữa nhiều nhà văn hóa, nhưng chủ yếu là Cục VH-TT cơ sở, trao cho Viện Mốt Fadin thực hiện khá thành công”- ông Hải nói. Tất nhiên, bộ lễ phục dù phóng tác theo y phục truyền thống nhưng đã được cách tân rất nhiều, cho phù hợp với thời nay. Mũ được phỏng theo chiếc khăn xếp cũ nhưng to bản hơn, nhiều nếp gấp hơn để tôn cao người đội. áo dài (nam) thay vì phải cài cúc khuy đã được bố trí bằng miếng dán dính, thuận tiện cho việc cởi ra mặc vào.

Ông Hải tâm sự: “Nhiều người lầm tưởng rằng, y phục truyền thống của chúng ta  không còn nữa hoặc là nước ta không có. Nhiều vùng quê như từ Huế vào Nam Bộ, trong các ngày huý kỵ, cưới hỏi, tang ma, những người đứng tuổi đều mặc quốc phục. Rồi ở Miền Bắc, ta có thể bắt gặp điều này qua hình ảnh những liền anh quan họ trong ngày Hội Lim”.

Tuy nhiên mong muốn bộ lễ phục trong ngày Giỗ Tổ Hùng vương trở thành quốc phục của nhà văn Hoàng Quốc Hải cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực. Bởi lẽ vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Bộ quốc phục sẽ có hình hài thế nào, không ai dám chắc, nhưng nhà văn Hoàng Quốc Hải “gút” lại một câu mà chúng tôi cũng đồng tình: “Nếu không dám thừa nhận cũng như không dám sở hữu một tài sản văn hóa mang tính truyền thống lâu đời của cả dân tộc là quốc phục để đi tới một thứ y phục không liên quan đến văn hoá dân tộc, sẽ chẳng bao giờ thành công”.

Người viết bài này cho rằng: không lẽ vì có ý kiến khác nhau trong vấn đề này  mà chúng ta ngại ngần? Đề nghị những cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này để có thể xây dựng một bộ quốc phục xứng đáng với truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc.

MỚI - NÓNG