Quốc thể

TP - Facebook dạo này thành một loại tòa án nơi dân ta sát phạt lẫn nhau. Một người phạm một tội dù là nhỏ một khi đã bị bêu lên đây rất dễ làm cả nước bị vạ lây(!) 

Gần đây hai du khách chơi Thụy Sĩ theo đoàn đã bị cảnh sát bắt vì ăn cắp kính ở cửa hàng. Hướng dẫn viên cú quá tung hê (gần) hết hình ảnh và thông tin của mấy khách hàng trót dại. Sự việc làm bùng nổ một làn sóng lên án những người không kìm nổi tật táy máy ở nước ngoài.

Ngượng thay người khác là loại cảm xúc chỉ con người mới có. Nó cũng mang tính tự vệ. Vì những hành động xấu của một bộ phận người Việt phổ biến đến một mức nào đó sẽ bị quy thành thói xấu của cả dân tộc. Và những người Việt khác cũng bị vạ lây. Nhiều người Việt vô can vẫn bị Singapore cấm nhập cảnh mới đây là ví dụ.

Phải đợi người nước ngoài chỉ ra tật xấu của mình kể cũng hơi muộn. Chứng tỏ các việc xấu đã đủ độ “bão hòa” trong nước rồi mới lan ra nước ngoài như thế. Mới đây có người viết bài Nghề ăn cắp của người Việt ở Đức. Đọc xong thì thấy đúng là chữ “nghề” khỏi cần thêm ngoặc kép.

Việt Nam là nước có chỉ số cảm nhận tham nhũng khá cao, ổn định ở vị trí 119/175, vẫn nằm trong nhóm 10 nước tham nhũng nặng nhất. Nhiều người Việt Nam đã quen với môn “chạy” từ nhỏ đến lớn. Nhỏ thì “chạy trường”, lớn thì “chạy việc”, “chạy chức”, hoặc “chạy tội”- nếu chẳng may công cuộc tham nhũng bị vỡ lở. 

Nhiều người Việt Nam từ bé xem ra đã thích nghi với việc nhận những gì không phải của mình là của mình. Đó là văn mẫu, đó là “nạn” học sinh giỏi tràn lan... Vì mải chạy theo thành tích, mải nhồi nhét kiến thức... mà việc rèn nhân cách ngay từ ghế nhà trường bị xao lãng chăng.

Có lẽ vì thế mà chúng ta đang để cho nhiều nước khác dạy lại những bài học làm công dân sơ đẳng, bao gồm cả những điều như: ăn cắp là phạm pháp, sẽ bị bỏ tù. Có thể nhiều người trong chúng ta đủ tiêu chuẩn làm công dân Việt Nam nhưng công dân toàn cầu e rằng còn xa.

MỚI - NÓNG