Quyết định "lịch sử" của Bắc Kạn

Quyết định "lịch sử" của Bắc Kạn
TP - Tháng 1 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn có một quyết định mang tính “lịch sử” về việc cấm cán bộ công chức (CBCC) sử dụng rượu bia trong bữa sáng, bữa trưa, tại các cuộc tiếp khách, liên hoan, hội họp (kể cả T.Ư và địa phương).
Quyết định "lịch sử" của Bắc Kạn ảnh 1

Tỉnh còn khuyến khích CBCC không dùng rượu bia vào buổi tối và sau giờ làm việc.

Có thể nói đây là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định về vấn đề này, cho thấy Bắc Kạn đang quyết tâm hạn chế tối đa những tiêu cực ảnh hưởng đến cán bộ nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tình trạng CBCC sử dụng rượu bia trước, trong và sau giờ làm việc có lẽ không riêng gì ở Bắc Kạn, đây đang là một “văn hóa”… phổ biến trong đội ngũ CBCC nam giới nước ta.

Một số CBCC “gặp nhau lần nào cũng rượu”, rượu bia trở thành một tiêu chí đánh giá “tính cách, phẩm giá” cán bộ. Ai không uống rượu bia thì bị “quy” là sống khép mình, không tình cảm, chỉ nghĩ đến bản thân, không “sống hết mình” với bạn bè và đồng nghiệp, bị đánh giá “thấp”!

Đã có nhiều trường hợp, cán bộ trẻ khi bắt đầu nhận công tác, thì thủ trưởng thường thăm dò “tửu lượng của cậu có khá không?”.

Một cuộc điều tra mới đây cho thấy tình trạng sử dụng rượu bia trong giới CBCC nước ta đang trở thành phổ biến, có hệ thống, và chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người trong xã hội.

Ép… nhậu

Vui nhậu mà buồn cũng nhậu. Gặp người quen nhậu, người lạ mời cứ nhậu rồi “trước lạ sau quen”. Chuyện nhậu đối với đàn ông con trai thì không bàn gì thêm, nhưng con gái phụ nữ cũng nhậu là điều muốn nói.

Nạn này không chỉ diễn ra ở thành thị mà cả nông thôn. Xã tôi (Phong Chương - Thừa Thiên Huế) có một chị phó chủ tịch xã mà nhắc chuyện nhậu thì ai cũng biết, nam giới cũng bị cho rớt tại trận hoặc là phải bỏ chạy. Các chị em phụ nữ trong xã cũng nhậu như cánh đàn ông.

Thật là thương cảm cho các chị ở nông thôn sinh hoạt văn hóa nghèo nàn, phải mượn tiệc tùng nhậu nhẹt để có chút vui vẻ và ngoài giờ lao động cực nhọc hay nông nhàn.

Ở nông thôn là thế, còn thành thị “biết nhậu” đang trở thành “lợi thế” cho những ai muốn thuận tiện trong giải quyết công việc, nhậu trở thành một biện pháp xã giao không thể thiếu.

Trong bữa tiệc mà không uống với anh này một ly, anh kia một ít thì bị coi là “khô khan tình cảm”. Ngược lại, bưng ly mà mời khắp lượt và “uống hết” với anh em thì được coi là  “giỏi giao tiếp”.

Không ít trường hợp vì tửu lượng khá nên được sếp trưng dụng dành tiếp khách, riết rồi thành “oai” không kém. Một điều nữa, trong văn hóa nhậu là người Việt ta là có tính ngồi lâu, giờ này qua giờ khác.

Người nước ngoài có phong tục trong bữa tiệc rất hay là mỗi người một bộ đồ ăn riêng, một chai rượu riêng, một cái ly riêng ai thích uống bao nhiêu thì uống - tự giác rót, không có chuyện ép đến mức không chịu nổi ói mửa ở bàn tiệc như ta. Ước gì ta học được nét văn hóa “uống rượu tự giác” của họ.

Văn Khánh Trình
Lớp Sử K29 Đại học Khoa học Huế

MỚI - NÓNG