Rạp riêng của... Chí Trung (!)

Rạp riêng của... Chí Trung (!)
"Tôi muốn có một rạp riêng ở Hà Nội để thực hiện như Idecaf trong Nam. Tại sao không thể thu phục ngay khán giả trên đất của chúng ta? Đừng đổ tại thói quen của người Hà Nội không thích bỏ tiền mua vé", nghệ sĩ Chí Trung bộc bạch.
Rạp riêng của... Chí Trung (!) ảnh 1
Nghệ sĩ Chí Trung

Ở trường Anbe Sero ngày ấy có một cặp trai tài gái sắc tên là Quý Dương và Phùng Thúy Lan. Cuộc vui nào, hai người cũng là tâm điểm. Cứ bên này là Quý Dương, ắt phía bên kia là Thúy Lan. Họ song ca rất hay, và yêu nhau rất say đắm.

Khi kết hôn, hai người có một con trai, một con gái, hạnh phúc không còn gì để ao ước. Nhưng một bầu trời không đủ chỗ cho hai ngôi sao cùng tỏa sáng. Họ theo hai ngả đường, hai đứa con ở với bà nội.

Chí Trung sống trong nỗi mặc cảm của đứa trẻ thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Nhưng khi bươn chải vào đời kiếm sống, 17 tuổi trúng tuyển vào Nhà hát Tuổi Trẻ, ở nội trú và học nghề, trưởng thành rồi lập gia đình, làm cha, đi nhiều, diễn nhiều, chiêm nghiệm về cuộc sống ngày càng sâu... thì khái niệm về bố mới định hình trong anh. Mọi đau buồn cứ xẹp dần bên cạnh sự thông cảm, hiểu bố và tha thứ.

Giọng nói không chút bi kịch, Chí Trung bảo: "Càng ngày tôi càng giống bố. Ngày xưa tôi đi tới đâu cũng được giới thiệu: Đây là Chí Trung, con nghệ sĩ Quý Dương, để họ gật gù: Thế à, con trai Quý Dương đã lớn bằng chừng này sao? Còn bây giờ, bố tôi đi đâu cũng giới thiệu: "Tôi là Quý Dương, bố Chí Trung".

Vui vẻ tiết lộ về những "ngày xưa yêu dấu", nghệ sĩ này kể lại thời ngang dọc của mình. Vào nghề, mới lấy vợ, nghệ sĩ nghèo quá cũng chạy chợ kiếm ăn như thường.

Năm 1982, anh bắt đầu đi buôn, từ những cái nhỏ nhất như thuốc lá, bóng đèn đến xăm lốp xe đạp... Năm khó khăn nhất 1986, anh buôn không thiếu thứ gì, lấy hàng từ tỉnh về Hà Nội bán, mang hàng từ Hà Nội đi bán ở bên ngoài. Tính ra, thời gian đứng chợ xe máy của anh cũng có thâm niên 8 năm.

Suy cho cùng, đó cũng chỉ là kế sinh nhai, lấy ngắn nuôi dài. Chung thủy với nghệ thuật và để thành công với nó chẳng dễ dàng. Anh bảo: "Làm nghệ thuật cũng giống như kinh doanh sản phẩm của trí tuệ, văn hóa nhưng nghệ thuật là cái đẹp, vì thế lúc đi buôn đừng có ai nói nghệ thuật, còn trong nghệ thuật đừng ai nói tới chuyện đi buôn".

"Này, em vừa vừa thôi nhé. Anh là trai mồng 1 đấy". "Anh đừng có bắt nạt em, em là gái hôm rằm đấy". Đối thoại ngắn đó thỉnh thoảng lại diễn ra ở nhà Chí Trung, chồng Sửu, vợ Dần. Hơn nhau có một tuổi nên họ cũng hay chảnh chọe, nhưng cả hai đã chiến thắng bản thân mình để các nhà báo mỗi khi tìm mẫu gia đình hạnh phúc lại đến gõ cửa nhà Ngọc Huyền - Chí Trung.

Hồi còn yêu nhau, Chí Trung sợ nhất câu hỏi trắc nghiệm của người yêu: "Đố anh biết ngày mai là ngày gì", bởi nào rồi anh cũng lại nhầm lẫn lung tung sinh nhật của nàng. Ngọc Huyền lại phải nhắc nhở khéo để khơi gợi trí nhớ kinh khủng của chồng. Nếu vợ muốn chồng "mắc tóc" thì hãy hỏi: "Con học lớp mấy? Học giỏi môn gì? Học lực kỳ này ra sao? Con thích gì?...". Cho dù để cả tiếng suy nghĩ nhưng chồng vẫn trả lời sai. Đó là lý do vì sao mọi quyết định cho gia đình đều nằm trong tay Ngọc Huyền.

Ngay cả chồng ăn mặc như thế nào, cũng một tay Ngọc Huyền đảm đương hết. Anh tâm sự: "Tôi là người rất... ngu về thẩm mỹ. Vợ sắp cho bộ nào thì mặc bộ ấy, có khi quần áo chưa kịp giặt vẫn có thể mặc lại như thường. Quan niệm sống của tôi là nhà không có "sao".

Tôi và Huyền tuy cùng đoàn, nhưng chẳng thảo luận công việc ở nhà bao giờ. Huyền là người sống tình cảm, giàu nữ tính và biết nhịn. Tôi luôn cố gắng hoàn thiện hình ảnh người chồng trong mắt Huyền, và cô ấy đã giúp tôi - con công, cái tủ to rỗng - trở thành rường cột thực sự cho gia đình".

Chí Trung tự nhận mình thuộc tuýp người cá tính mạnh, đa sầu đa cảm, mắc những căn bệnh không loại thuốc nào trị nổi. Trong cuộc sống hằng ngày, anh luôn đặt ra những thử thách khác nhau.

Và anh còn là con người sống rất nguyên tắc, thời gian chính xác đến từng phút, từng giây, kế hoạch gì đã vạch ra là phải thực hiện bằng được, ví như chuyện phải giảm 9 kg trong vòng hai tháng để vào vai, không ngủ nướng...

Trong cuộc sống hưởng thụ, anh lại thu mình, sợ phải ngồi máy bay, sợ phải đi du lịch hay phải ngồi nhậu nhẹt ở quán bia nào đó. Cơm nhà là tiêu chuẩn ISO 2006 của chàng béo Chí Trung. Anh rất ghét những kẻ nào đọc báo qua vai người khác.

Anh nhớ từng đồng tiền kiếm được nhưng lại không biết mình có bao nhiêu tiền. Rất thích giúp đỡ người khác nhưng lại quên những gì họ nợ mình. Đó là một chân dung khác của anh.

"Tôi muốn có một rạp riêng ở Hà Nội để thực hiện như Idecaf trong Nam. Tại sao không thể thu phục ngay khán giả trên đất của chúng ta? Đừng đổ tại thói quen của người Hà Nội không thích bỏ tiền mua vé. Bậy! Thực tế là nhu cầu văn hóa của người Hà Nội đang rất thiếu.

Tôi thèm được làm nghề theo đúng nghĩa, có được khán giả tự nguyện vào rạp. Một thánh đường chỉ có ý nghĩa khi con chiên vào trong đó, sân khấu chỉ tồn tại khi có khán giả. Vấn đề là chúng ta cần làm gì và chúng ta có xứng đáng với nó không?", anh nói đầy nhiệt huyết.

Nguyện vọng lớn nhất của anh vẫn lại là chuyện nghề. Chí Trung nguyện sống chết với nghề: "Đâm đầu vào đâu thì sẽ chôn chân ở đấy", anh nói vậy.

Theo Thế Giới Nghệ Sĩ

MỚI - NÓNG