Rocker lập dị nhất nước

TP - Một cao bồi già Hà Nội kể: Thành Đà Nẵng có thái độ đối với những người chơi rock ở Việt Nam như là V.Nabokov đối với những nhà văn cùng thời. Đối với “nó”: Ngũ Cung, Microwave, hay thậm chí Bức Tường… đều chỉ là rock cuội!

Rất yêu, rất ghét!

Lê Chí Thành sinh năm 1969, chơi guitar từ năm 10 tuổi và toàn bộ cuộc sống của anh từ đó đến nay, mọi yêu ghét hạnh phúc khổ đau đều chỉ xoay quanh âm nhạc.

Thành sinh ra ở Đà Nẵng, bạn bè gắn tên anh với quê cho dễ phân biệt, sau đó thành nghệ danh. Anh chơi rất nhiều loại nhạc nhưng gắn bó lâu nhất với rock. Người hâm mộ của Thành chia hẳn ra làm hai phe: rất yêu hoặc rất ghét, hầu như không có loại trung dung.

Người yêu Thành ca ngợi anh: “không có những liveshow rầm rộ, fan không quá đông, cũng chẳng bao giờ khẳng định phong cách rock của mình nhưng nhắc đến Thành Đà Nẵng, cả giới nghe Rock tại Việt Nam không ai là không biết. Trước hết, người ta kính nể trình độ chuyên môn của anh” (Jacob Trần - người sáng lập ra VnRock.com). Hoặc như Tuấn Bass: “Thành Đà Nẵng là một đỉnh cao về guitar, ít nhất là ở Việt Nam không có đối thủ”.

Ngược lại, những người khác tầng bay với Thành coi anh như một thứ “nhà quê vĩ cuồng”, “đánh nhiều hơn chơi đàn”, “kỹ thuật ấn tượng, tốc độ cao nhưng tiếng đàn không thoát, cứ nghẹn nghẹn giật giật” v.v…

Nhân vật chính của những thị phi này khẳng định: “những người chơi rock ở Việt Nam còn rất nghiệp dư, nói gì đến khán giả nghe rock. Tôi rất ghét những người nghe rock theo phong trào. Cứ nghĩ phải hú hét gào rú lên mới thể hiện được thái độ phản kháng hay lòng yêu tự do. Rất nhà quê! Số nghe nhạc có thẩm mỹ ít lắm. Ít đến mức tôi có thể thuộc tên từng người”.

Hơn một năm nay Thành chăm chút cho facebook của anh như một kênh chính thức để tương tác với khán giả. Trước đây, trung bình hai ba ngày anh đều post một bản thu mới. Hiện tại vì quay phim bận có khi năm sáu ngày mới có một bài nhưng “đổi món” thường xuyên: từ blue, rock đến pop v.v... Khách nghe 90% là người nước ngoài. 10% còn lại đều là khán giả trung thành của anh. Ấy thế mà, trong một khoảng thời gian không lấy gì làm dài, Thành cũng phải xóa kết bạn vĩnh viễn với hơn 3.000 người vì quá khích và “ăn nói thô lỗ”. Nói thêm về tiêu chuẩn “có văn hóa” của Thành: “chỉ cần biết ăn nói và cư xử lịch sự là được”!

Rocker lập dị nhất nước ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Người của “bộ lạc cây”

Khách đến chơi nhà Thành Đà Nẵng đều được hẹn trong khung giờ hành chính: 8-12h sáng hoặc 2-6h chiều. Đây là lịch làm việc hàng ngày của anh, buổi tối, sẽ có thêm một cữ từ 7-12h đêm nữa.

Thành bây giờ không đi diễn, không nhận dạy học trò, cái gọi là làm việc chính là: sáng đàn, chiều đàn, tối đàn. Bảy ngày trên một tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm. Không có thứ bảy chủ nhật, không có lễ Tết. Tính từ năm 11 tuổi đến giờ, thời gian dành cho âm nhạc của Thành gần như không thay đổi. Tập đàn nhiều đến mức vân tay trái của anh hoàn toàn biến mất.

Hiện “tay guitar khét tiếng” sống một mình trong căn phòng thuê cấp bốn trong ngõ Kim Mã. Căn hộ chỉ khoảng hơn mười mét vuông được anh sơn màu vàng cam rực lên giữa một rừng beton xam xám nhàm nhạt. Lối vào nhà để rải rác các loại cốc café đã cạn đáy. Thành tiếp tôi với một cốc café đen dạng take away và anh uống bằng ống hút. Theo như giải thích, mọi giao tiếp của anh với thế giới bên ngoài đều được hạn chế tối đa. Café là của một “người nhà quê” giao hàng ngày, mỗi ngày hai cốc, trị giá hai mươi ngàn cho cữ sáng và cữ chiều.

Trong khi chờ tôi, anh đang thu dở một bản cover. Mắt Thành cận nặng, phần lời bài hát anh phải zoom rất to, cỡ font chữ hai mươi mấy để nhìn cho rõ. Thành cũng nghiện thuốc. Căn phòng cấp bốn chỉ có duy nhất một cái quạt tường mù mịt khói thuốc. Dấu hiệu duy nhất của cuộc sống thường nhật trong phòng là một cái đệm gấp anh dùng để ngủ. Còn toàn bộ là guitar các loại và loa, đài. Trên tường có mấy bức sơn dầu “được tặng” để anh làm background khi thu âm.

Thành nhận anh sống tự thân như một cái cây. Bạn anh bảo, “nó” giống cái cây cô đơn nổi tiếng ở Đà Lạt ấy! Hạn chế mọi sự giao tiếp (vì mất thời gian) và di chuyển (vì sợ bất thình lình tai nạn gãy tay không đàn được). Sáng trưa chiều tối toàn bộ tâm trí chỉ loanh quanh với các giai điệu. Ở góc cửa ra vào có một chiếc Cub 82 đã phủ bụi. Anh bảo, cả tháng nay không đổ xăng vì không đi đến. Thảng hoặc ra phố uống cà phê đổi gió thì cũng là bạn bè đến tận nhà chở đi.

Các dấu hiệu bề ngoài đều khiến người ta nghĩ Thành sống bản năng, có phần bệ rạc, trong khi anh khẳng định mình là “tín đồ kế hoạch và các con số”. Trong các clip Thành phiêu và thay đổi biên độ cảm xúc linh hoạt bao nhiêu, thì trong khi làm việc anh chỉn chu, nguyên tắc bấy nhiêu. Thường anh lên kế hoạch làm việc cho một tuần, các bản thu đều được chọn lựa, tính toán kỹ càng dựa trên sự thích của bản thân (quan trọng nhất) và một chút tính toán đến khả năng tiếp nhận của nhóm thính giả của anh. Mỗi tuần sẽ có một người bạn mang máy quay nghiệp dư đến giúp anh thu âm hai đến ba bài. Đều đặn hàng năm nay như vậy. Thành “làm cho vui” song cực kỳ đúng hẹn. Kiên trì như vậy dù anh “biết thừa là chả để làm gì, cũng chả bán được”!

Rocker lập dị nhất nước ảnh 2 Rocker Thành Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đạt.

Chưa từng thỏa hiệp

Toàn bộ chi phí trong cuộc sống của Thành Đà Nẵng hiện nay đều có nguồn gốc từ “quỹ cộng đồng”. Các fan “không phải là giàu” gửi tiền cho anh thuê nhà, mua nhạc cụ, đổ xăng, đi chợ v.v… Cuộc sống tạm gọi là tối giản song anh hài lòng.

Nhiều người khuyên Thành chọn hát những dòng dễ nghe để có thêm thu nhập, hoặc nhận dạy học sinh để cải thiện đời sống, anh đều từ chối. Trước đã làm những việc như vậy, song “không vui, không vui gì hết”. Thế là bỏ cả, để mỗi ngày ngồi nhà hát những show 0 đồng, mà bỏ thời gian, tâm huyết và sức khỏe vào đó y như những show tỷ đồng.

Một khán giả lớn tuổi của Thành nhận xét: “Tôi phục cậu ấy không chỉ về nghề, điều này là đương nhiên, mà còn vì Thành có dũng khí để làm nghệ thuật theo cách cậu ấy muốn. Kể cả phải trả giá bằng sự cô đơn, nghèo khó. Thành không bao giờ thỏa hiệp gì cả. Với khán giả, với tiền bạc, danh lợi. Đó thực sự là phẩm cấp của một nghệ sĩ lớn. Nghệ sĩ lớn chỉ làm những thứ anh ta thích, không phải làm những thứ khán giả thích”.

Nhiều học trò, người quen của Thành không tiếc lời bày tỏ lòng hâm mộ với lựa chọn của thầy, mặt khác họ vẫn ngậm ngùi tự nhận: “mình không làm được như anh ấy”! Thành bảo: vẫn chỉ là biện hộ thôi. Vì khi đã muốn thì sẽ làm được, đã nhấc chân đi, thể nào cũng có đường. Và rằng, bạn luôn có thời gian cho những thứ thực sự quan trọng với bạn.

Trong số những nghệ sĩ đời sau, duy nhất Thành dùng từ “kính trọng” đối với Lê Cát Trọng Lý. Mặc dù con đường đi của hai người khác nhau, song anh đánh giá cao tính nghệ sĩ và sự thành thật của Lý. 

Không có những liveshow rầm rộ, fan không quá đông, cũng chẳng bao giờ khẳng định phong cách rock của mình nhưng nhắc đến Thành Đà Nẵng, cả giới nghe Rock tại Việt Nam không ai là không biết, trước hết người ta kính nể trình độ chuyên môn của anh.

(Jacob Trần - người sáng lập ra VnRock.com)

Ăn cơm nhà như công chức

Căn phòng thuê của Thành Đà Nẵng có một góc nhỏ lộ thiên để làm bếp. Không có tủ lạnh và mỗi ngày anh buộc phải “xử lý hết thức ăn” mua về, nếu không là đổ đi.

Thường buổi sáng anh tự đi chợ, nấu cơm trưa và tối ăn đồ thừa còn lại. Thành bảo, thực ra, anh chỉ muốn ăn bữa sáng và bữa trưa thôi, tối nhịn cho khỏi mất thời gian. Song trong mấy tháng thực hành, có thể vì nấu nướng không đủ chất, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng xấu. Từ khi ăn lại ngày ba bữa thì tốt hơn nhiều.

Có người hỏi Thành, sống thế có thấy khổ không, anh cười: xưa khổ như gì còn chả sao, thế này ổn chứ, chả phải lo gì, lại được chơi nhạc suốt ngày.

“Xưa khổ như gì” ấy là khoảng Thành mới học đàn. Nhà nghèo không có tiền mua băng đĩa, anh phải chạy đến quán cà phê nghe lỏm. Nghe một đoạn ngắn, ghi nhớ vào đầu, chạy về chép lại trong khi chưa biết nốt nhạc. Cứ thế hàng tháng mới học xong một bài. Đến khi đi học đàn, cũng vì không có tiền mua đàn, anh phải vẽ lên tấm gỗ, lên cánh tay để học, hoặc là mượn đàn của bạn, của anh tranh thủ tập. Lúc ấy không nghĩ là khổ, vì được làm cái mình thích. Giờ cũng vậy!

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.