Sao lại có 'Thơ tục' ở nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông?

Chiếc bình được đặt ở tam bảo chùa Vân Tiêu, non thiêng Yên Tử và cận cảnh bài thơ nói chuyện mây mưa - Ảnh: Trần Dương
Chiếc bình được đặt ở tam bảo chùa Vân Tiêu, non thiêng Yên Tử và cận cảnh bài thơ nói chuyện mây mưa - Ảnh: Trần Dương
Bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục sau một đêm được sủng ái xuất hiện tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử - di tích gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

TS Trần Trọng Dương suýt nữa thì “ngất” trước những câu thơ của Lý Bạch trong bài Thanh Bình điệu, được chép trên một độc bình. Ngất, không phải vì thơ hay mà vì nó được đặt ở một nơi hoàn toàn không liên quan - tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Trước đó nhiều năm, chùa Hỏa Tinh (Hà Nội) cũng có loại bình chép bài thơ này. 

Ngàn đời còn nhớ

Theo TS Dương, Thanh Bình điệu là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới. Chính Đường Minh Hoàng đã lệnh cho Lý Bạch làm bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi. Bài thơ mô tả Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục như một đóa mẫu đơn ướt đẫm sương, sau một đêm được sủng ái. “Một áng văn chương sexy hết mực, đến nỗi nghìn đời sau còn nhớ đến”, TS Dương cho biết. Bài thơ này sau đó cũng được chép lên nhiều đồ gốm mỹ nghệ Giang Tây, như một sự quảng bá văn hóa Trung Hoa.

Một trong những sản phẩm đó - chiếc độc bình đã được mua và cúng tiến vào tam bảo chùa Vân Tiêu (Yên Tử). Trên bình, rành rành hai câu: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”.

Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi

TS Trần Trọng Dương

“Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi. Đây là chính điện chùa Vân Tiêu - nơi Phật hoàng tu luyện. Cụ ngồi đỉnh Vân Tiêu, gửi chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái này”, TS Dương nói, không giấu nổi bức xúc.

“Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi. Chắn chắn để ở chùa là không hợp rồi. Phải yêu cầu người quản lý ở đó đi học ngay chữ Hán”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm nói sau khi bật cười vì chiếc bình “lạ” này.

“Một là nơi thờ Trần Nhân Tông sao lại ca ngợi Dương Quý Phi. Chưa kể, nếu về nghĩa thì không phù hợp với bối cảnh chùa chiền vì nó có nói chuyện ân ái. Nhanh và luôn là như thế”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm khác nói.

Cứ thấy chữ Hán là cho vào di tích

Việc những độc bình xuất hiện trong các di tích, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Số lọ xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi đi thanh tra có di tích có đến hai chục cái lọ như thế. Chúng đều do người dân cúng tiến. Không phải lọ nào cũng có chữ, nhưng nếu có chữ nhiều khi người cúng tiến cũng không biết chữ đó nghĩa là gì”.

Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ

Một nhà nghiên cứu Hán Nôm

Về trường hợp này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, khẳng định Cục sẽ xem xét xem cụ thể chiếc bình này đã được đưa vào di tích từ bao giờ. “Nếu đưa vào trong thời gian gần đây thì chắc chắn là trái luật rồi. Nó cũng chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa vì nếu là di tích quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hiện vật lạ đã được đưa vào di tích trước khi xếp hạng, mà nhà quản lý lại không đủ điều kiện để thẩm định, rà soát. “Trước năm 2001, hồ sơ mang tính pháp lý là chính. Để có căn cứ pháp lý bảo vệ di tích của mình. Chứ còn từ 2001 có luật Di sản thì có yêu cầu kiểm kê di tích. Trong quá trình đó sẽ loại bỏ yếu tố không phù hợp với di tích được đưa vào trước khi xếp hạng”.

Tuy nhiên với trường hợp cụ thể này, chiếc bình sứ Giang Tây với những câu thơ Lý Bạch thật khó có thể là yếu tố gốc của di tích. “Nếu xuống thanh tra thì hoàn toàn có thể yêu cầu bỏ ra được. Nhất là những gì gây phản cảm cho di tích”, ông Trần Thành nói.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, tình trạng “loạn chữ” trong các di tích rất đáng báo động. Việc viết sai, viết nhầm rồi đặt nhầm chỗ như hai câu thơ Lý Bạch trên không khó tìm. “Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết.

Theo Trinh Nguyễn 

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.